An toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh rượu

14:37 | 09/01/2014
LĐTĐ - Đó là chủ đề cuộc hội thảo do Hiệp hội Bia – Rượu – NGK Việt Nam (VBA) vừa tổ chức tại Hà Nội.

 PGS.TS Nguyễn Văn Việt – Chủ tịch VBA đã khát quát thực trạng ngành rượu và công tác an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam. Theo đó, sản lượng rượu của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh rượu chính thống hiện nay đạt khoảng trên 100 triệu lít, trong khi đó rượu không rõ nguồn gốc, rượu dân tự nấu đạt khoảng 300 triệu lít và đó là sản lượng rượu khó kiểm soát.

Cuộc hội thảo là dịp để các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề đưa ra những khó khăn, vướng mắc cũng như đề xuất những kiến nghị, giải pháp, làm sao để thị trường rượu Việt Nam thêm lành mạnh, an toàn cho người tiêu dùng. Các doanh nghiệp làm ăn chân chính cần được các cơ quan chức năng, báo đài bảo vệ, đồng thời phê phán những cơ sở sản xuất không đảm bảo điều kiện, chất lượng, hướng dẫn cho người tiêu dùng biết sử dụng những sản phẩm an toàn, đảm bảo chất lượng… Trong năm 2013, Cục Quản lý Thị Trường đã tịch thu và tạm giữ 10.328 chai, lít rượu các loại gồm: 5.127 sản phẩm nhập lậu; 1.182 sản phẩm vi phạm về nguồn gốc xuất sứ; 2.912 sản phẩm vi phạm về nhãn hiệu hàng hóa; 785 đơn vị sản phẩm vi phạm về điều kiện ATTP và 124 đơn vị vi phạm khác…

 Đại diện Vụ Khoa học Công nghệ, Vụ Công nghiệp nhẹ, Cục Quản lý Thị trường (Bộ Công Thương), Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế), Hiệp hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Thương hiệu Việt Nam đã hệ thống lại các quy định, chính sách liên quan đến ngành Rượu, đồng thời giới thiệu mô hình quản lý nhà nước về lĩnh vực này. Một trong những nguyên tắc để đảm bảo an toàn là phải thực hiện theo pháp luật và các quy định của Luật An toàn Thực phẩm; Nhà sản xuất, kinh doanh phải tự chịu trách nhiệm hoàn toàn về chất lượng an toàn thực phẩm khi đưa sản phẩm ra thị trường; Bộ ngành chức năng phải quản lý từ khâu sản xuất đến khi thành phẩm đưa ra thị trường, cần có sự phối hợp hơn nữa giữa các bộ ngành về lĩnh vực quản lý; Hiện nay chúng ta không cấm rượu thủ công được nhưng phải có giải pháp quản lý; Công tác hậu kiểm, thanh tra, kiểm tra sau khi cấp giấy phép sản xuất là rất quan trọng…

Đại diện Cục An toàn Thực phẩm cho rằng, với lượng methanol vượt quá mức cho phép như vụ rượu 29 Hà Nội của Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu 29 Hà Nôi (Long Biên - Hà Nội) . Nếu không phát hiện sớm, thu hồi kịp thời những sản phẩm này thì hậu quả sẽ khôn lường. Hiện nay, các văn bản quy định liên quan đến ngành rượu là tương đối đầy đủ, trong đó có quy định xử lý hình sự đối với những tổ chức, cá nhân vi phạm nghiêm trọng. Tuy nhiên, cần phải tiếp tục xây dựng, bổ sung các quy phạm, văn bản sao cho phù hợp với tình hình thực tế; Việc nâng cao  thức, trách nhiệm của doanh nghiệp là rất quan trọng,…

Đại diện Cục An toàn Thực phẩm cho biết thêm, hiện Cục An toàn Thực phẩm có 8 trung tâm trên toàn quốc để giám sát các sản phẩm rượu đang lưu thông trên thị trường. Sắp tới sẽ thí điểm thanh tra chuyên ngành ở các thành phố lớn, mạng lưới thanh tra sẽ dày hơn để tăng cường kiểm tra, giám sát,…

Tại tọa đàm, đại diện một số doanh nghiệp sản xuất rượu phản ánh, việc cung cấp tem rượu của Bộ Tài chính cho các doanh nghiệp hiện nay quá chậm, không đáp ứng đủ cho sản xuất, ảnh hưởng đến việc cung cấp sản phẩm cho thị trường, làm thiệt hại hàng chục tỷ đồng cho doanh nghiệp, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng… Do vậy, cần giãn thời gian thực hiện tiến độ dán tem đến tháng 4/2014 cho phù hợp với tình hình thực tế. Một số ý kiến cho rằng, nên điều chỉnh một số quy định về cấp phép bán buôn, bán lẻ trong Nghị định 94/2012/NĐ-CP về sản xuất, kinh doanh rượu.

Năm 2014, Bộ Công Thương sẽ điều chỉnh một số quy định về Thông tư 39 của Bộ Công Thương về quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu; Điều chỉnh thời gian thực hiện việc dán tem rượu; Tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất rượu thủ công; Điều chỉnh Quy hoạch ngành Bia - Rượu – Nước giải khát Việt Nam cho phù hợp với tình hình thực tế…

Trong thời gian tới, Cục Quản lý thị trường sẽ tăng cường lực lượng tại các tỉnh, thành, phấn đấu mỗi quận, huyện có một đội QLTT, mỗi xã, phường có một tổ quản lý thị trường. Để công tác này đạt kết quả cao cần có sự hợp tác tích cực của các hiệp hội, doanh nghiệp trong việc cung cấp thông tin về các vụ việc làm giả, làm nhái... Các hiệp hội ngành nghề cũng cần hướng dẫn người tiêu dùng, xây dựng chuẩn hóa quy trình sản xuất rượu thủ công. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng cần nâng cao trình độ, kiến thức, tránh sử dụng các sản phẩm rượu không rõ nguồn gốc, không có thương hiệu…

                                                                                                Nguyễn Văn

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này