Thực phẩm... tắm hóa chất

10:07 | 20/03/2014
LĐTĐ - Dù hiểu theo nghĩa hẹp hay rộng thì rờ đâu cũng thấy hóa chất. Này nhé: thịt thà, cơm gạo, dầu mỡ chui tới ruột là thành axít amin, glucose và axít béo. Nước mắm, nem chua, yogurt, nước tương - xì dầu (lên men hay không lên men) đều là hỗn hợp hóa chất tuốt. Bia rượu là hóa chất “sáng giá” nhất (ethanol), vì mỗi năm Việt Nam tiêu thụ hơn 3 tỉ lít bia!

Muốn ngon phải lụy hóa chất?

Nhưng hóa chất là gì? Tự điển Merriam Webster (Mỹ) định nghĩa: “Hóa chất là chất do quá trình hóa học tạo thành”. Để chắc ăn hơn, tự điển này còn thêm “hoặc (là chất) tham gia vào phản ứng hóa học”.

Báo chí châu Âu cũng chẳng vừa, nhưng họ chơi “trí tuệ” hơn. Trong thập niên 1980, họ xúm nhau đánh hội đồng trong cái chiến dịch gọi là “anti-E number” (chống E number). E number là mã số định danh hóa chất được phép dùng trong thực phẩm của khối EU. Chơi kiểu này thì báo chí châu Âu chỉ đánh vào “diện” (bạ đâu đánh nấy), chứ còn rớ tới “điểm” (chỉ đích danh chất nào gây hại) thì trớt quớt. Chiến dịch làm người tiêu dùng phát sốt một thời gian, rồi nguội dần.

Các nhà khoa học tuy nhỏ miệng hơn (báo chí), nhưng đủ uy tín để trấn an người dùng. Đâu còn có đó. Bộ tưởng một hóa chất được cấp mã số E dễ lắm sao? Có cả một hội đồng khoa học xem xét các chứng cớ, thử trên nhiều loại động vật khác nhau, thử dài hạn, trung hạn, thử cấp tính, thử cho tới chết, thử quái thai, di truyền.

Nếu được, thì họ còn đòi đưa ra thống kê dịch tễ học cho chắc ăn. Đó là chưa kể buồn buồn, mấy ông hội đồng lại lôi các E ra đánh giá lại, lạng quạng là rút mã số. Các loại phẩm màu là những E number được “săn sóc” kỹ nhất.

Bộ Y tế Việt Nam có ban hành danh mục phụ gia thực phẩm được phép dùng trong thực phẩm, kèm liều lượng tối đa cho phép cho từng loại thực phẩm.

Danh mục này giống hầu hết với tiêu chuẩn Codex quốc tế. Codex là Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm do Tổ chức Nông lương Thế giới (FAO) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đồng sáng lập vào năm 1963. Đôi khi Codex có những quy định còn gắt hơn ở Mỹ và châu Âu, chẳng hạn liều lượng sử dụng nitrate trong chế biến thịt…

Mã số định danh phụ gia (để các nhà chế biến khỏi “giả vờ” nhầm lẫn) giống như ở châu Âu, nhưng bỏ chữ E phía trước, chẳng hạn 211 là sodium benzoate (chất bảo quản), 621 (bột ngọt)… Tên phụ gia hoặc mã số phải ghi trên bao bì thực phẩm theo luật định. Người tiêu dùng nên lưu ý để tránh những phụ gia có thể gây dị ứng cho cơ thể. Ăn ngon thì ai chẳng khoái. Ngon đâu phải chỉ có vị, còn phải nhai cho sướng miệng (cấu trúc), phải hít hà cho đã (hương), rồi phải nhìn cho bắt mắt nữa (màu)…

Màu của xôi gấc phải xài tới bao nhiêu quả gấc cho đủ, mà cũng chỉ cho ra được màu hồng nhạt tai tái, nhìn phát chán. Chừng nào con người còn khoái ăn ngon là còn xài tới hóa chất. Vấn đề là chất nào được phép xài, xài thế nào, xài bao nhiêu. Thôi thì, hóa chất nào được phép dùng trong thực phẩm thì nên gọi là “phụ gia thực phẩm” (food additives) cho… êm tai một chút. Hù dọa nhau làm gì!

Nguồn Một thế giới/TGTT

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này