Phải đề cao việc bảo vệ dữ liệu cá nhân

11:14 | 01/06/2021
(LĐTĐ) Dữ liệu cá nhân có thể hiểu là những đặc tính, đặc tả liên quan đến cá nhân. Hiện nay chúng ta đang bước vào thời đại số nên mọi trao đổi, giao dịch, mua bán đều được thực hiện qua mạng, qua tài khoản, kể cả việc quản lý, sử dụng tài sản cá nhân… đều từng bước được số hóa. Vì vậy, việc bảo mật thông tin, dữ liệu cá nhân cần phải được quan tâm, tiến hành chặt chẽ, nghiêm ngặt hơn.
Cách bảo vệ dữ liệu cá nhân khi thiết bị điện tử bị đánh cắp Facebook cho phép người dùng xóa dữ liệu cá nhân dễ dàng hơn Cách đối phó với 5 kiểu đánh cắp dữ liệu phổ biến nhất
Phải đề cao việc bảo vệ dữ liệu cá nhân
Ảnh minh họa: Nguồn baochinhphu.vn

Xu hướng chuyển đổi số là không thể đảo ngược. Những bước đi đầu tiên của cách mạng 4.0 đã chứng thực một năng suất vượt trội. Việc quản lý cơ sở dữ liệu cá nhân tối ưu cũng đứng trước bài toán tưởng chừng như mâu thuẫn là chia sẻ và bảo mật.

Việc Nhà nước nỗ lực chuyển đổi căn cước công dân sang thẻ chip cho thấy tầm quan trọng của dữ liệu và cơ sở dữ liệu cá nhân. Đây là yếu tố đóng vai trò chi phối trong chiến lược chuyển đổi số quốc gia. Khi cơ sở dữ liệu này hoàn thiện và có những quy định trong việc chia sẻ thì các công ty tài chính sẽ không còn phải đầu tư nguồn lực cho cơ sở dữ liệu xác thực của chính mình.

Nhìn ngược lại vấn đề thì thấy, đang có một nghịch lý tồn tại đó là người Việt còn “ngây thơ” trong bảo vệ dữ liệu của bản thân. Không khó thể thấy, trên môi trường Internet, nhiều người dùng Việt Nam chưa ý thức được việc bảo vệ dữ liệu cá nhân khi dùng mạng xã hội hoặc các ứng dụng giải trí, chỉnh sửa ảnh.

Hay gần nhất là sau ngày bầu cử hôm 23/5, nhiều người vẫn hồn nhiên chụp ảnh thẻ cử tri của mình, đăng tải lên mạng xã hội mà không ẩn thông tin cá nhân. Trên đó có đầy đủ thông tin cá nhân từ tên, tuổi cho đến địa chỉ chính xác... nếu kẻ xấu lợi dụng “kẽ hở” này thì sẽ nảy sinh môn vàn hệ lụy. Nói cách khác, nếu không có những quy định pháp lý quản lý chặt chẽ và có trách nhiệm hơn thì nguy cơ bị lộ hay sử dụng bừa bãi thông tin cá nhân là rất cao.

Phải khẳng định, ở bất kỳ các nước có nền tảng công nghệ phát triển nào, khi tiến hành chuyển đổi số toàn diện trên quy mô quốc gia, hầu như mọi hoạt động và giao dịch trong xã hội đều sẽ diễn ra trên internet, chính vì thế nguy cơ đánh cắp thông tin được ngăn chặn nghiêm ngặt.

Chẳng hạn, ở châu Âu, quy định chung về bảo vệ dữ liệu của Liên minh châu Âu (EU) được xây dựng từ năm 2016 và có hiệu lực từ ngày 25/5/2018 trên toàn EU và Khu vực Kinh tế châu Âu (EEA) yêu cầu mọi người phải biết, hiểu và đồng ý với dữ liệu được thu thập về họ. Có nghĩa là mọi tổ chức khi thu thập thông tin cá nhân của ai đều phải nói rõ cho người được thu thập các chi tiết và phải được sự đồng ý. Các hành vi xâm phạm và lạm dụng thông tin cá nhân đều sẽ bị xử phạt rất nặng.

Trở lại câu chuyện đề cao việc bảo vệ dữ liệu cá nhân ở Việt Nam, mới đây Bộ Công an đã hoàn thành Dự thảo Nghị định quy định về việc bảo vệ dữ liệu cá nhân để lấy ý kiến đóng góp rộng rãi. Dự thảo đưa ra khái niệm “dữ liệu cá nhân cơ bản” gồm: Tên, tuổi, ngày sinh, nơi cư trú, quốc tịch, dân tộc, số điện thoại, tình trạng hôn nhân, các mã số cá nhân... và “dữ liệu cá nhân nhạy cảm” gồm: Quan điểm chính trị, tôn giáo, tình trạng sức khỏe, tình trạng tài chính, hành vi phạm tội...

Trên cơ sở đó, dự thảo đưa ra các quy định về dữ liệu cá nhân, xử lý dữ liệu cá nhân, biện pháp bảo vệ dữ liệu cá nhân, xử lý vi phạm về dữ liệu cá nhân, trách nhiệm bảo vệ dữ liệu cá nhân của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan...

Đáng lưu ý, Dự thảo quy định, nếu tiết lộ thông tin số điện thoại, số chứng minh nhân dân (căn cước công dân), tình trạng hôn nhân, sức khỏe... của người khác trái phép thì sẽ bị phạt đến 80 triệu đồng; phạt tiền từ 80 triệu đồng đến 100 triệu đồng đối với hành vi không áp dụng biện pháp kỹ thuật và xây dựng quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân, vi phạm quy định về đăng ký xử lý “dữ liệu cá nhân nhạy cảm”, vi phạm quy định về chuyển dữ liệu cá nhân qua biên giới. Trong trường hợp vi phạm nhiều lần, gây hậu quả nghiêm trọng có thể phạt tối đa 5% tổng doanh thu của bên xử lý dữ liệu cá nhân.

Trong khi chờ đợi hệ thống cơ sở pháp lý hoàn thiện, để tự bảo vệ mình, mỗi cá nhân phải nâng cao ý thức bảo vệ dữ liệu cá nhân, không cung cấp thông tin một cách dễ dãi, tránh trở thành nạn nhân của các đối tượng xấu./.

Lê Thắm - Đinh Luyện

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này