Thủ tướng chỉ đạo tổng tiến công toàn lực, thần tốc để chặn đứng dịch Covid-19

20:04 | 30/05/2021
(LĐTĐ) Thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, những ngày qua, các địa phương, nhất là Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh đã dồn lực cho công tác chống dịch, tăng cường năng lực phòng, chống dịch trong tất cả các khâu từ truy vết, xét nghiệm, khoanh vùng, cách ly, điều trị… với nhiều giải pháp đồng bộ, linh hoạt, sáng tạo, quyết liệt.
Thủ tướng: Xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân ban hành văn bản trái luật Thủ tướng yêu cầu các địa phương chống dịch với tinh thần tổng lực, tập trung trí tuệ Thần tốc sàng lọc các trường hợp nghi mắc Covid-19 tại Bắc Giang, Bắc Ninh

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình, giải pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, lãnh đạo các địa phương bày tỏ ủng hộ mạnh mẽ các giải pháp, chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia, đồng thời phân tích và rút ra các bài học kinh nghiệm quý báu từ thực tiễn phòng, chống dịch.

Lãnh đạo một số bộ, ngành cũng báo cáo thêm các vấn đề cụ thể về ngân sách mua vắc xin, vật tư, thiết bị y tế, ứng dụng các công cụ công nghệ thông tin phục vụ công tác phòng, chống dịch; bảo đảm đời sống, an sinh xã hội cho công nhân, hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh;…

Thủ tướng chỉ đạo tổng tiến công toàn lực, thần tốc để chặn đứng dịch Covid-19
Thủ tướng Chính phủ họp trực tuyến toàn quốc về tình hình, giải pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19.

Đề nghị tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho công nhân khu công nghiệp

Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn cho biết ngân sách nhà nước đã bố trí 13.400 tỷ đồng cho việc mua vắc xin phòng Covid-19. Trong tuần tới Bộ sẽ có hướng dẫn về quy chế hoạt động Quỹ vắc xin, trước mắt có thể huy động được ngay 3.000 tỷ đồng gồm có 1.000 tỷ đồng đã được ủng hộ qua Bộ Y tế, 1.000 tỷ đồng qua Mặt trận Tổ quốc và các doanh nghiệp nhà nước cũng sẵn sàng đóng góp 1.000 tỷ đồng.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh cho biết Bộ đã có văn bản chỉ đạo việc ôn tập cho học sinh lớp 12 chuẩn bị thi tốt nghiệp trung học phổ thông, tuyển sinh cao đẳng, đại học năm 2021; ban hành hướng dẫn cụ thể đối với các học sinh là F0, F1, F2. Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn quyết định giữ nguyên ngày thi tốt nghiệp diễn ra trong hai ngày 7 và 8/7.

Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Việt Nam đã có đủ bộ giải pháp công nghệ phòng, chống Covid-19 từ quản lý nhập cảnh, xét nghiệm, truy vết, giám sát cách ly đến tiêm vắc xin. Bộ Thông tin và Truyền thông đã thành lập Trung tâm Công nghệ phòng, chống Covid-19 vừa quản lý thống nhất, kết nối tập trung, phát triển các giải pháp công nghệ mới bảo đảm phát hiện nhanh hơn, truy vết chính xác hơn, triệt để hơn những ca nhiễm bệnh, người bị lây nhiễm…

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết đợt dịch lần này đã tác động tới 9,1 triệu lao động, đặc biệt các khu công nghiệp, chế xuất, doanh nghiệp lớn đang bị tác động mạnh, trong khi đây là động lực tăng trưởng quan trọng của kinh tế đất nước. Ông đề nghị, các địa phương có nhiều khu công nghiệp, đông công nhân phải quan tâm, quản lý công nhân, có phương án giãn cách, cách ly đi đôi duy trì sản xuất kinh doanh, quản lý công nhân ở nơi làm việc và nơi cư trú. Tại các khu cách ly, phong tỏa phải hết sức quan tâm đến đời sống công nhân.

Thủ tướng chỉ đạo tổng tiến công toàn lực, thần tốc để chặn đứng dịch Covid-19
Thủ tướng và đoàn công tác đã tới thăm, động viên cán bộ, chiến sĩ và các lực lượng đang làm nhiệm vụ tại Trung đoàn 831 - Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bắc Giang.

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho biết Tổng Liên đoàn đã triển khai nhiều biện pháp chung tay cùng các cấp, các ngành, các địa phương, các doanh nghiệp chăm lo cho người lao động, như hỗ trợ mỗi ca F0 tối đa 3 triệu đồng, F1 tối đa 1,5 triệu đồng, lao động nữ đang mang thai, người lao động nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi tối đa 500.000 đồng/người…

Để phòng ngừa dịch bệnh từ xa, từ sớm, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị bổ sung cho công nhân trong khu công nghiệp vào nhóm ưu tiên tiêm vắc xin phòng Covid-19. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đã xây dựng, đang xin ý kiến các bộ ngành để hoàn thiện chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, người lao động bị ảnh hưởng trong đợt dịch lần này trước khi trình Chính phủ xem xét ban hành.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, đợt dịch lần này chủng mới lây nhanh hơn, triệu chứng nặng hơn. Xuất hiện hình thái lây nhiễm là cả xâm nhập và trong cộng đồng, khu công nghiệp, ở bệnh viện tuyến cuối. “So với trước đây chúng ta phải nỗ lực gấp 10 lần để đuổi kịp tốc độ lây lan của dịch”.

Phó Thủ tướng nhận định, tại các địa phương có dịch, cấp ủy, chính quyền và các lực lượng đều “rất lăn lộn, máu lửa”, nhưng những nơi chưa có dịch thì vẫn còn biểu hiện chưa cảnh giác lắm. Tình trạng này dứt khoát phải chấn chỉnh.

Phó Thủ tướng dẫn chứng, hơn 1 năm nay, Ban Chỉ đạo Quốc gia và các bộ ngành đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, yêu cầu các địa phương đôn đốc, giám sát các trường học, cơ sở lưu trú, nhất là các nhà máy, xí nghiệp phải tự đánh giá định kỳ việc thực hiện phòng, chống Covid-19, cập nhật lên hệ thống an toàn Covid-19 (antoancovid.vn). Tuy nhiên, đến nay tỷ lệ còn rất thấp. Tương tự, các địa phương còn chậm thực hiện khai báo y tế bắt buộc đối với công nhân làm việc trong các khu công nghiệp trên cả nước để phục vụ công tác phòng, chống dịch, cũng như chuẩn bị thông tin để tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho công nhân, tin học hóa công tác xét nghiệm…

Về cách ly, khoanh vùng dập dịch, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương phải rất linh hoạt để thực hiện mục tiêu kép. Các địa phương quyết định giãn cách xã hội trên phạm vi toàn tỉnh phải báo cáo Thủ tướng, không phải để xin phép mà là để Thủ tướng chỉ đạo các bộ ngành, địa phương lân cận phối hợp đồng bộ, hỗ trợ tối đa, bảo đảm việc giãn cách xã hội hiệu quả, mà không gây ra những ảnh hưởng không cần thiết đến các địa phương lân cận và cả nước.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý, khi dịch bùng phát, nếu chưa đủ thông tin để khoanh hẹp thì ban đầu có thể khoanh rộng hơn, nhưng sau đó thu hẹp lại dần. Đặc biệt, phải kiểm soát chặt chẽ trong khu vực khoanh vùng, phong tỏa, nếu không sẽ rất nguy hiểm, gây lây nhiễm chéo.

Theo Phó Thủ tướng, khi dịch bùng phát mạnh trong khu công nghiệp, không thể áp dụng các biện pháp cách ly, xét nghiệm thông thường do số lượng công nhân rất lớn. Vừa qua, Bắc Ninh, Bắc Giang đã thực hiện thí điểm cách ly F1 tại nơi cư trú có các biện pháp giám sát chặt chẽ như trong khu cách ly tập trung; công nhân tự lấy mẫu để xét nghiệm nhanh…

Về bảo đảm hậu cần, Phó Thủ tướng cũng đề nghị phải áp dụng cơ chế mua sắm tập trung đối với một số loại vật tư, thiết bị y tế, đặc biệt là sinh phẩm xét nghiệm, đảm bảo các tỉnh, thành phố có đủ nguồn lực cần thiết phòng, chống dịch, không để bị động.

Nhấn mạnh tinh thần phải dập bằng được ổ dịch ở Bắc Giang sớm nhất có thể, không để lây lan ra cả nước, Phó Thủ tướng đề nghị xem xét điều chuyển vắc xin để tiêm chủng cho các lực lượng chống dịch và công nhân trong các khu công nghiệp tại đây.

Chúng ta đang kiểm soát được tình hình

Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, các ý kiến đã bám sát, nắm chắc tình hình và đề xuất các giải pháp hết sức thiết thực, có tính khả thi, đề nghị Văn phòng Chính phủ tiếp thu các ý kiến đóng góp và ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam để thông báo về buổi làm việc.

Về đặc điểm tình hình, Thủ tướng đánh giá, về tổng thể chúng ta đang kiểm soát được tình hình, nhưng cục bộ có một số địa phương đang gặp rất nhiều khó khăn, diễn biến càng ngày càng phức tạp hơn, khó kiểm soát như: Bắc Giang, Bắc Ninh, thành phố Hồ Chí Minh và một phần nào đó ở Hà Nội. Thứ hai, là đặc điểm biến chủng vi rút lần này nguy hiểm hơn, phức tạp hơn, gây bệnh nặng hơn và khó kiểm soát hơn. Thứ ba, là dịch bệnh lây nhiễm từ cộng đồng sang khu công nghiệp và từ khu công nghiệp sang cộng đồng thông qua người lao động, thông qua công nhân; đặc biệt đã xuất hiện lây nhiễm trong các hoạt động đông người, hoạt động tôn giáo.

Về nguyên nhân, Thủ tướng nhấn mạnh, có nguyên nhân chủ quan và khách quan nhưng nguyên nhân chủ quan vẫn là chủ yếu. Một số cơ quan, địa phương, đơn vị khi chưa có dịch thì chủ quan, lơ là, mất cảnh giác. Một số địa phương, cơ quan đơn vị cũng không nắm chắc tình hình, không đánh giá đúng tình hình, không đưa ra được giải pháp phù hợp để giải quyết ngay từ đầu, từ sớm, từ xa. Một bộ phận nhân dân lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, cộng với việc thiếu nghiêm túc trong thực hiện các quy định phòng, chống dịch, dẫn tới lây lan.

Về các giải pháp ngăn chặn, Thủ tướng nhấn mạnh: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo ở các cấp đã bám sát tình hình, kịp thời, quyết liệt, đúng hướng và đưa ra các giải pháp khả thi. Tổ chức thực hiện nói chung là toàn diện, tích cực, hiệu quả. Đồng thời, việc huy động các nguồn lực con người và vật chất đã được thực hiện rất bài bản và hiệu quả. Các bộ, ngành làm tốt việc tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách. Phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả giữa phòng ngừa và tấn công, lấy tấn công là chính, trong đó đã thực hiện rất quyết liệt và tích cực chiến lược vắc xin.

Thủ tướng đánh giá, kết quả chung của các cấp, các ngành trong phòng, chống Covid-19 đã góp phần rất quan trọng vào thành công tốt đẹp của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, kinh nghiệm rút ra từ công tác phòng, chống dịch vừa qua là phải nắm chắc tình hình, chỉ đạo, lãnh đạo quyết liệt, kịp thời, đúng hướng, hiệu quả. Đồng thời, phải tổ chức thực hiện nghiêm túc, đúng quy định nhưng vận dụng sáng tạo, linh hoạt vào điều kiện cụ thể để huy động mọi nguồn lực, phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc. Khen thưởng, kỷ luật nghiêm minh. Tập trung tháo gỡ kịp thời các vướng mắc.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng biểu dương các lực lượng tuyến đầu như y tế, quân đội, công an, các địa phương có dịch, các đồng chí lãnh đạo “ngày đêm sớm tối”, cùng với các lực lượng chức năng và nhân dân vào cuộc đồng bộ đã góp phần cùng Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, các lực lượng chức năng phòng, chống dịch có hiệu quả.

Về nhiệm vụ, mục tiêu sắp tới, Thủ tướng nêu rõ, mục tiêu đầu tiên là chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân trong lúc này là trên hết, trước hết. Thứ hai là kiềm chế, đẩy lùi, kiểm soát, dập tắt dịch, nhất là tại các địa bàn trọng điểm như: Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, các khu công nghiệp. Thứ ba là, tiếp tục phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm “an ninh, an dân, an toàn”. Thứ tư là phải kết thúc tốt đẹp năm học 2020-2021, đây là việc liên quan đến tương lai.

H.Phong

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này