Quốc tế ghi nhận nỗ lực kiểm soát đợt lây nhiễm Covd-19 mới ở Việt Nam

10:57 | 27/05/2021
Việt Nam được đánh giá cao trên toàn cầu về thành công trong việc ứng phó Covid-19 qua chương trình xét nghiệm hàng loạt có mục tiêu, truy tìm tiếp xúc và hệ thống cách ly tập trung trong năm đầu tiên của dịch bệnh. Các biện pháp này, cùng với nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung vắc xin Covid-19, đang tiếp tục được thực hiện trong kiểm soát đợt lây nhiễm mới.
Dư luận quốc tế đánh giá cao công tác tổ chức bầu cử của Việt Nam Khách quốc tế đến Việt Nam giảm 98,2% so với cùng kỳ

Truy vết, cách ly tích cực, xử phạt nghiêm minh

Tờ Deutsche Welle cho hay, Việt Nam đang tăng cường các quy định để ngăn chặn sự gia tăng các ca Covid-19 trong đợt lây nhiễm mới. Trong suốt đại dịch, Việt Nam hầu như đã ngăn chặn được lây nhiễm của dịch bệnh. Năm 2020, Việt Nam được ca ngợi rộng rãi về ứng phó Covid-19 và giữ được cho số ca mắc bệnh tương đối thấp so với các quốc gia khác.

Về việc Việt Nam ứng phó như với sự bùng phát mới, tờ báo của Đức chỉ ra, các biện pháp y tế công cộng nghiêm ngặt đã được áp đặt tại thủ đô Hà Nội, Đà Nẵng và các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh. Các dịch vụ không thiết yếu như nhà hàng, bar, karaoke và dịch vụ massage hầu như đóng cửa cho tới khi có thông báo tiếp theo. Các siêu thị và hiệu thuốc vẫn mở cửa, dịch vụ giao thực phẩm và các dịch vụ thiết yếu khác cũng được phép hoạt động. Người dân được yêu cầu ở nhà để hạn chế sự gia tăng lây nhiễm.

Việt Nam đang triển khai các biện pháp nhằm kiểm soát dịch COVID-19. Ảnh: AFP
Việt Nam đang triển khai các biện pháp nhằm kiểm soát dịch Covid-19. (Ảnh: AFP)

Việt Nam cũng đang tăng cường kiểm soát biên giới với các nước láng giềng Trung Quốc, Lào và Campuchia. Với những người được phép nhập cảnh Việt Nam hiện nay là các chuyên gia, nhà ngoại giao và những người khác nhập cảnh bằng hộ chiếu công vụ... thời gian cách ly cũng đã tăng lên 21 ngày thay vì 14 ngày như trước. Trên hết, chính quyền địa phương đang có các hình phạt nghiêm với những cá nhân không đeo khẩu trang nơi công cộng hoặc phát tán thông tin sai lệch liên quan tới tình hình dịch bệnh.

Thông tin về đợt bùng phát Covid-19 ở Việt Nam, The Diplomat mới đây lưu ý, Việt Nam đã ngăn chặn thành công dịch bệnh trong năm đầu tiên của đại dịch và là quốc gia Đông Nam Á duy nhất đạt mức tăng trưởng dương trong năm 2020. Đối phó với các ổ dịch mới tập trung ở phía Bắc là Bắc Giang, Bắc Ninh, hai bệnh viện dã chiến đã được thành lập ở các tỉnh này để điều trị cho bệnh nhân Covid-19. Mỗi bệnh viện có công suất 300 giường và sẵn sàng tăng lên 500 giường nếu cần thiết.

Theo cây viết Sebastian Strangio, đợt bùng phát ở Việt Nam, cùng với các đợt bùng phát ở Đài Loan (Trung Quốc), Singapore, cho thấy sự cấp bách của tiếp cận vắc xin rộng rãi để mở cửa trở lại bền vững. Chính phủ các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam, đang nỗ lực chạy đua để mua các loại vaccine cần thiết để đạt được mức độ tiêm chủng rộng rãi càng sớm càng tốt.

Tờ Straits Times dẫn lời nhà dịch tễ học Michael Toole, Viện Burnet ở Melbourne, Australia nhận định, trên thực tế, đợt lây nhiễm Covid-19 thứ tư của Việt Nam, bắt đầu vào cuối tháng trước là "làn sóng thực" đầu tiên của Việt Nam. Nhắc lại việc Việt Nam đã thành công trong đánh bại các đợt lây nhiễm trước đó và ghi nhận mức tăng trưởng kinh tế 2,9% vào năm ngoái khi hầu hết các nền kinh tế trên thế giới sụt giảm, tờ báo Singapore đánh giá thành công này là nhờ Việt Nam đã tích cực truy tìm và cách ly những người bị nhiễm bệnh cũng như những người tiếp xúc.

Theo hệ thống truy vết của Việt Nam, những người tiếp xúc gần hoặc tiếp xúc lâu dài với những người bị nhiễm bệnh, được gọi là "F1", sẽ bị cách ly tại cơ sở cách ly tập trung trong 21 ngày ngay cả khi âm tính với virus. Các "F2" - những người tiếp xúc gần với những "F1" - được yêu cầu cách ly ở nhà. Các địa phương có dịch bệnh bị phong tỏa chặt trong khi các khu vực khác không có dịch tiếp tục nhịp sống như bình thường.

Tờ báo của Singapore cũng chỉ ra, Việt Nam đang nỗ lực trong đẩy mạnh nguồn cung vắc xin cho tiêm chủng trong nước. Ngoài lượng vắc xin AstraZeneca tiếp nhận thông qua mua trực tiếp hoặc từ chương trình Covax, Việt Nam cũng đang đàm phán để mua vắc xin Covid-19 của Pfizer-BioNTech để đẩy nhanh quá trình tiêm chủng.

Tin tưởng sớm kiểm soát dịch

Tờ Deutsche Welle dẫn nhận định của Kenneth Atkinson, thành viên hội đồng quản trị của Phòng Thương mại Anh tại Việt Nam (BritCham Vietnam) rằng, đợt bùng phát Covid-19 gần đây sẽ tác động đến quý tài chính tiếp theo của Việt Nam.

“Nhưng với cách giới chức trách đang kiểm soát các khu vực công nghiệp ở phía bắc, tôi hy vọng rằng trong vòng ba đến bốn tuần, những khu vực đó sẽ mở cửa trở lại nhưng sẽ có độ trễ” - ông Atkinson nhận định.

Đặc biệt, chuyên gia Phòng Thương mại Anh tại Việt Nam Kenneth Atkinson vẫn lạc quan về tăng trưởng kinh tế nói chung của Việt Nam trong năm 2021.

Trong thời kỳ suy thoái kinh tế toàn cầu năm 2020 do đại dịch gây ra, nền kinh tế Việt Nam đã chứng tỏ khả năng phục hồi, đạt mức tăng trưởng ấn tượng 2,9% so với cùng kỳ năm trước. Theo các số liệu gần đây, xuất khẩu từ Việt Nam sang EU tăng 28% so với năm ngoái và nguồn kiều hối từ nước ngoài về Việt Nam cũng rất mạnh. Năm ngoái, Việt Nam và EU đã thông qua một thỏa thuận thương mại lớn.

Theo Thanh Hà/laodong.vn

https://laodong.vn/the-gioi/quoc-te-ghi-nhan-no-luc-kiem-soat-dot-lay-nhiem-covid-19-moi-o-viet-nam-913549.ldo

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này