Đảm bảo an toàn tại các công trình xây dựng nhỏ

10:47 | 27/05/2021
(LĐTĐ) Theo số liệu của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, năm 2020, trên địa bàn Hà Nội xảy ra 388 vụ tai nạn lao động, trong đó nhiều vụ xảy ra tại các công trình xây dựng nhỏ lẻ. Bên cạnh việc vi phạm quy định an toàn vệ sinh lao động của chủ sử dụng lao động thì đáng tiếc, một trong những nguyên nhân gây mất an toàn xuất phát từ chính sự thiếu hiểu biết, chủ quan, lơ là của người lao động.
Sát sao công tác an toàn, vệ sinh lao động, phòng chống rủi ro tai nạn nghề nghiệp Tăng cường vai trò cơ sở trong kiểm soát nguy cơ rủi ro Còn nhiều “khoảng trống” về an toàn lao động

Còn nhiều vi phạm quy định về an toàn lao động

Hồi cuối tháng 3 vừa qua, tại công trình xây dựng ở số 170 Phạm Văn Đồng (quận Cầu Giấy), một phần sàn cốt pha bị đổ, khiến một công nhân bị mắc kẹt. Được biết, công trình này chưa được cấp phép xây dựng, chủ đầu tư thi công "chui" trong đêm, không thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn lao động.

Trước đó, vào cuối tháng 7/2020, tại công trình xây dựng ở số 16 Nguyễn Công Trứ (quận Hai Bà Trưng) cũng xảy ra sự cố sập giàn giáo khiến 4 người tử vong, nguyên nhân cũng do chủ đầu tư không thực hiện đầy đủ các biện pháp bảo đảm an toàn lao động.

Đảm bảo an toàn tại các công trình xây dựng nhỏ
Ở không ít công trình xây dựng nhỏ lẻ, người lao động vẫn thờ ơ với bảo hộ lao động.

Kết quả kiểm tra của cơ quan chức năng cho thấy, việc vi phạm những quy định về an toàn lao động của chủ sử dụng lao động tại những công trình xây dựng nhỏ lẻ diễn ra khá nhiều. Ông Nguyễn Hồng Dân - Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội nhận định, những năm gần đây, tốc độ đô thị hóa ở Hà Nội diễn ra nhanh, các công trình xây dựng, dự án giao thông mọc lên khắp nơi.

Mặc dù đa số người sử dụng lao động, chủ dự án, chủ sở hữu các công trình… đã quan tâm kiểm soát những yếu tố có nguy cơ mất an toàn lao động tại nơi làm việc song vì nhiều lý do, một số đơn vị, nhất là chủ sở hữu các công trình nhỏ lẻ còn coi nhẹ vấn đề bảo đảm an toàn lao động.

Cũng theo ông Nguyễn Hồng Dân, tai nạn lao động xảy ra cũng có một phần lý do từ sự chủ quan lơ là của người lao động. Không khó để nhận thấy, tại các công trình xây dựng, nhất là ở những công trình nhỏ lẻ, nhà dân vẫn có tình trạng người lao động không mặc bảo hộ lao động, không thắt dây an toàn khi làm việc.

Ngoài ra, việc theo dõi, kiểm tra bảo đảm an toàn lao động tại các công trình xây dựng dân dụng, nhà của người dân thuộc thẩm quyền của chính quyền cấp cơ sở, nhưng công tác này chưa nhận được sự quan tâm đúng mức…

Vi phạm diễn ra phổ biến nhưng khi được hỏi về quyền lợi khi xảy ra tai nạn lao động, ốm đau... đa số công nhân đều cho biết họ không được ký hợp đồng lao động, không đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Anh Nguyễn Thế Duy, quê ở Nam Định, đang thi công tại một công trình ở quận Hoàng Mai cho biết, mọi giao dịch giữa công nhân và chủ thầu xây dựng đều là thỏa thuận miệng, không có hợp đồng ràng buộc, nên khi bị ốm hay gặp tai nạn lao động công nhân không được hưởng quyền lợi gì.

Đề cập đến vấn đề này, Trưởng ban Chính sách pháp luật (Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội) Tạ Văn Dưỡng thừa nhận, việc kiểm tra, xử lý vi phạm của các cơ quan chức năng còn lỏng lẻo, thiếu kiên quyết; đồng thời đa phần công nhân tại các công trình xây dựng còn thiếu hiểu biết về các quy định pháp luật trong lĩnh vực lao động nên bị nhiều chủ thầu lợi dụng, không trang bị phương tiện bảo hộ lao động, không đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế…

Tăng cường công tác thanh, kiểm tra

Theo ông Tạ Văn Dưỡng, người lao động cần nắm rõ quy định pháp luật lao động để có cách xử lý đúng đắn, bảo đảm quyền lợi chính đáng của mình trong trường hợp xảy ra tai nạn. Đặc biệt, cần cương quyết yêu cầu chủ thầu trang bị cho mình quần áo, mũ và các hình thức bảo hộ lao động khác.

“Thời gian tới, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội sẽ tăng cường phối hợp với các cơ quan, ban ngành, chính quyền các địa phương kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật lao động, đặc biệt tại các công trường xây dựng nhỏ lẻ trong khu dân cư”, ông Tạ Văn Dưỡng cho biết.

Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Hồng Dân cho rằng để giảm thiểu số vụ tai nạn lao động nghiêm trọng xảy ra ở các công trình xây dựng nhỏ lẻ, nhà dân, trước hết, người sử dụng lao động và người lao động tuyệt đối không được chủ quan, lơ là.

Trong đó, người sử dụng lao động cần trang bị đầy đủ các phương tiện, máy móc, thiết bị bảo đảm an toàn trong suốt quá trình thi công; hướng dẫn người lao động thi công đúng quy định. Còn người lao động cần chủ động đề nghị chủ công trình bảo đảm các điều kiện an toàn, nếu thấy phải làm việc trong môi trường tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro, người lao động nên từ chối làm việc.

Ông Nguyễn Hồng Dân cũng cho biết, thời gian tới, cùng với việc tiếp tục xử phạt các chủ công trình xây dựng vi phạm pháp luật lao động, Sở sẽ đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra thường xuyên và đột xuất. Đồng thời, Sở tham mưu Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành văn bản yêu cầu các ngành, địa phương quy định rõ trách nhiệm của chính quyền cấp cơ sở đối với việc bảo đảm an toàn lao động tại các công trình xây dựng nhỏ lẻ. /.

Phạm Diệp

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này