Nhiều tín hiệu vui về trật tự văn minh đô thị

09:25 | 31/12/2014
Sau một năm triển khai công tác trọng tâm năm 2014 "Năm trật tự và văn minh đô thị", diện mạo đô thị của Hà Nội đã chuyển biến tích cực từ các quận trung tâm đến các huyện ngoại thành. Đường phố sạnh đẹp hơn, vỉa hè đã bớt tình trạng xe cộ lấn chiếm, tình trạng tắc nghẽn giao thông giờ cao điểm đã được cải thiện rõ rệt.

Dọn sạch “rác trời”, “rác tường”

Theo chỉ đạo của  Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng, công tác sắp xếp đường dây, cáp đi nổi trên các tuyến phố là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai thực hiện “Năm trật tự và văn minh đô thị năm 2014”.  Đã từ lâu những mớ dây điện chằng chịt tồn tại trên nhiều tuyến phố, gây mất mỹ quan Thủ đô và tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ. Qua 3 đợt dọn rác trời, tại một số tuyến phố của Thủ đô như Đê La Thành, Trung Kính, Giải Phóng, Kim Giang... công nhân của các nhà mạng và điện lực đã tiến hành dọn dẹp, thanh lọc, sắp xếp những búi dây điện, dây thông tin cũ, dây không còn sử dụng. Sau đó, đã tiến hành đấu nối và bó gọn trong vòng sắt có trợ lực của cáp treo, nhiều tuyến đường không còn cảnh "mạng nhện" chằng chịt như trước. Tính đến thời điểm này, toàn thành phố đã thanh thải hơn 1.500km dây thông tin các loại trong tổng số hơn 2.200km cần được thanh thải trên 88 tuyến phố, đảm bảo kế hoạch. Thành phố cũng đã hỗ trợ trồng mới cột điện để thay thế, bổ sung các vị trí cột có nguy cơ gây mất an toàn và mỹ quan đường phố.

Theo chị Phan Thanh Hà (Đê La Thành) - người thường xuyên đi làm trên các tuyến phố Phạm Ngọc Thạch - Chùa Bộc - Thái Hà: Việc thanh thải, bó gọn các đường dây đã góp phần làm thay đổi diện mạo các tuyến phố. Người đi đường cũng yên tâm hơn, vì không phải nơm nớp lo sợ những nguy cơ chết người từ dây cáp thõng xuống. Đặc biệt là những ngày mưa bão khi lực lượng chức năng chưa kịp xử lý thì những "búi rác" này không khác gì bẫy người đi đường.

UBND TP đã giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Tổng công ty Điện lực Hà Nội lập kế hoạch liên ngành triển khai thực hiện thanh thải, sắp xếp đường dây, cáp đi nổi trong năm 2015 cho khoảng 200 tuyến phố.

Song song với việc triển khai công tác "dọn rác" trên cao thì việc xử lý những sai phạm từ việc quảng cáo, rao vặt cũng được chú trọng. Những quận điển hình trong việc tích cực "dọn rác" trên tường là Hoàn Kiếm, Đống Đa..., trong đó phòng văn hóa - thông tin quận Đống Đa đã có những sáng tạo giúp công tác xử lý linh động nhằm nâng cao tự giác của các cá nhân, tổ chức sai phạm. Cụ thể, quận tổ chức chụp ảnh, lập hồ sơ tất cả các vi phạm về biển quảng cáo, biển hiệu tại 68 tuyến phố trên địa bàn. Sau đó, mời các tổ chức, cá nhân có sai phạm lên trụ sở UBND quận hoặc gửi thông báo chỉ rõ những sai phạm, vận động các tổ chức, cá nhân vi phạm ký cam kết tự tháo dỡ. Theo bà Đỗ Thị Hoa, Phó văn phòng UBND quận Đống Đa, nhờ phương pháp xử lý mềm dẻo nên lực lượng chức năng không phải dùng tới phương pháp cưỡng chế để tháo dỡ biển quảng cáo. Tại những phố chính như: Nguyễn Lương Bằng, Tây Sơn, Khâm Thiên... đã bóc, xóa 95% quảng cáo, rao vặt. Các ngõ, trong khu dân cư cũng đã xử lý được 80%. Do đó, bộ mặt các tuyến phố trên địa bàn quận cải thiện đáng kể.

Dẹp chợ cóc, giảm áp lực chôn lấp rác thải

Theo số liệu, hiện khu vực 17 huyện ngoại thành thải ra môi trường từ 2.500-3.000 tấn rác mỗi ngày. Tại một số địa phương đông dân cư, lượng rác thải phát sinh quá lớn khiến tình trạng ô nhiễm ngày càng nhức nhối. Trạm trung chuyển xử lý rác Cao Dương, huyện Thanh Oai với công suất 100 đến 120 tấn/ngày đi vào hoạt động với việc ứng dụng thành công chế phẩm sinh học xử lý rác hữu cơ BIO-MIX đang được kỳ vọng sẽ góp phần giảm áp lực  rác thải cho thủ đô Hà Nội đang  bị quá tải. Kết quả thu được khá khả quan, lượng rác được thu gom, xử lý trên địa bàn huyện Thanh Oai tăng từ 65% lên 95%, không còn phải chôn lấp rác, hạn chế tối đa nước rỉ rác, một nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, kinh phí vệ sinh môi trường giảm từ 12-15% so với mô hình và phương thức thu gom rồi đem đi chôn lấp như trước. Phương pháp xử lý rác mới đã cho thấy nhiều điểm phù hợp trong việc xử lý rác tại các vùng nông thôn với những hiệu quả rõ rệt: Bảo vệ môi trường, tiết kiệm chi phí và góp phần phân bổ thu gom, xử lý rác hợp lý. Đây sẽ là cơ sở để các cơ quan quản lý nghiên cứu, phát triển và nhân rộng mô hình ra các huyện còn lại của Hà Nội cũng như cả nước.

Tình trạng chợ cóc, chợ tạm lấn chiếm lòng đường vỉa hè, gây cản trở giao thông, ô nhiễm môi trường... nhiều năm qua tồn tại trên khắp địa bàn thành phố. Tuy gọi là chợ cóc, chợ tạm, nhưng nhiều khu chợ tồn tại hàng chục năm, tấp nập từ sáng đến tối như chợ cóc ở ngõ Khâm Thiên, ngõ Văn Chương (quận Đống Đa), phố Nguyễn Khắc Cần (quận Hoàn Kiếm), phố Ngọc Hà (quận Ba Đình)... Với quyết tâm giải tỏa triệt để chợ cóc, chợ tạm, ngay từ đầu năm, UBND thành phố đã giao trách nhiệm cho các quận, huyện, thị xã và các sở, ngành liên quan xây dựng phương án, kế hoạch, lộ trình thực hiện. Đồng thời, yêu cầu chủ tịch UBND các địa phương chịu trách nhiệm nếu để chợ cóc, chợ tạm tiếp tục tồn tại.

Điển hình nỗ lực trong công tác này là quận Thanh Xuân. Từ đầu năm, quận đã chủ động tổ chức các đoàn kiểm tra, đánh giá hoạt động các chợ dân sinh trên địa bàn, xác định và đưa vào danh sách các mục tiêu cần xử  lý gồm  22 điểm chợ cóc, chợ tạm trên các tuyến phố. Đến cuối tháng 6, các phường đã tiến hành xử lý 21/22 điểm chợ và tổ chức chốt duy trì để không xảy ra tình trạng tái phát. Đối với những điểm chợ có thể tổ chức sắp xếp lại dựa trên nguyên tắc chỉ bán những mặt hàng thực phẩm thiết yếu, không kinh doanh quần áo, giày dép, đồ gia dụng đã nhanh chóng được thiết lập với 6 điểm chợ để  kịp thời phục vụ nhu cầu của người dân.
Tại những khu chợ tạm đươc coi là điểm nóng về giao thông trên các tuyến đường QL6, QL32...như chợ Phú Mỹ, chợ Tre... thì nay việc di chuyển đã dễ dàng hơn nhờ vào việc các tiểu thương kinh doanh đã đi vào nề nếp, không còn tình trạng tràn lan buôn bán dưới lòng đường. Từ đó các vi phạm về hành lang ATGT đã được giảm thiểu.

Tại Hội nghị tổng kết năm “Trật tự văn minh đô thị năm 2014”, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo nhấn mạnh: Các nhiệm vụ đặt ra để hướng tới mục tiêu cho thành phố xanh hơn, sạch hơn, sáng hơn, trật tự hơn và văn minh hơn được triển khai đồng bộ, hiệu quả.

Năm 2015 thành phố vẫn tiếp tục xác định chủ đề là “Năm trật tự và văn minh đô thị”, duy trì trật tự và văn minh đô thị là việc làm thường xuyên, liên tục trong suốt quá trình xây dựng và phát triển Thủ đô.  UBND Thành phố sẽ ban hành kế hoạch thực hiện “Năm trật tự văn minh đô thị năm 2015” làm cơ sở cho các cơ quan, đơn vị thực hiện nhiệm vụ được giao. Và ngay trong sáng ngày 5/1, ngày đầu tiên đi làm của năm mới UBND thành phố sẽ tổ chức lễ ra quân đảm bảo trật tự an toàn giao thông và trật tự văn minh đô thị năm 2015.

Tuệ Liên

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này