Nỗi lòng nơi tâm dịch

18:23 | 25/05/2021
(LĐTĐ) Nghe cuộc điện thoại lúc 5 giờ sáng ngày 7/5 từ lãnh đạo, trước khi Bệnh viện K cơ sở Tân Triều bị phong tỏa do dịch Covid-19, bác sĩ Phùng Thị Huyền thẫn thờ hỏi chồng: "Cả nhà mình… hai vợ chồng cùng đi, liệu có ổn không?".
Tổ An toàn Covid-19: “Lá chắn thép” bảo vệ người lao động Cử tri gửi gắm niềm tin giữa tâm dịch Công nhân, viên chức, lao động huyện Đan Phượng đồng lòng chống dịch

Đi là cách ly cùng bệnh nhân, thời gian dài đằng đẵng không về

Đã xác định đi là xác định cách ly cùng bệnh nhân, là thời gian dài đằng đẵng không về. Câu hỏi "có ổn không?" mà vợ chồng bác sĩ Huyền hỏi nhau lúc đó, thật ra chỉ là để nhận được câu trả lời của người kia khiến mình yên lòng.

Ổn làm sao được khi chị còn hai con nhỏ, một học lớp 2, một học lớp 7, mà hai vợ chồng đều làm ở Bệnh viện K, muốn để ông bà sang chăm sóc con cũng phải đợi vợ chồng chị xét nghiệm xong, nếu âm tính với Covid-19 thì ông bà mới được đến trông nom. Bao nhiêu suy nghĩ cứ ngổn ngang trong lòng, nhưng chị Huyền vẫn nhanh tay thu dọn quần áo, chuẩn bị vào viện.

Nỗi lòng nơi tâm dịch
Bác sĩ Phùng Thị Huyền (Trưởng khoa Nội 6 Bệnh viện K cơ sở Tân Triều)

Gia đình và con cái cũng cần chăm sóc, nhưng công việc ở bệnh viện không thể không đi. Trong lúc này cần nhiều hơn nữa những y, bác sĩ tự nguyện tham gia ở lại vùng tâm dịch. Bàn bạc rất nhanh, cả hai vợ chồng đều quyết tâm để con cái ở nhà, xác định cùng tham gia "cuộc chiến" này. Khi biết quyết định của vợ chồng chị, bác sĩ Phó khoa nhắn cho chị: "Chị cân nhắc đi, vì anh đã vào viện, chị có nên đi không?". Chị không ngần ngại trả lời: "Tôi lúc nào cũng sẵn sàng!".

Khi quyết định đi cả hai vợ chồng đều trong tình huống cấp bách, dù đã có phương án nhờ bà ngoại trông con giúp nhưng lúc đó hai vợ chồng chị còn chưa thực hiện xét nghiệm Covid-19, bố mẹ chị cũng đã ngoài 70, nếu kết quả xét nghiệm của vợ chồng chị không khả quan thì sẽ liên lụy không chỉ con cái mà cả bố mẹ già. Chính vì vậy, mặc dù "sẵn sàng" chống dịch, trong lòng chị cũng không khỏi dội lên cảm giác nghẹn ngào.

Phía sau cánh cổng bệnh viện

Chị Huyền cho biết, khi bước chân vào cánh cổng bệnh viện, thực hiện nhiệm vụ và cách ly với bên ngoài, chị cũng như các y, bác sĩ ở đây đều không biết đến thời gian, không biết đến giờ nghỉ, không biết đâu là thời điểm bắt đầu, đâu là thời điểm kết thúc, cứ hết việc này đến việc khác, liên tục không ngừng.

Nỗi lòng nơi tâm dịch
Bác sĩ Phùng Thị Huyền cùng đồng nghiệp Khoa Nội 6 họp bàn kế hoạch chăm sóc bệnh nhân ung thư trong tình hình dịch Covid-19

"Vì chống dịch như chống giặc cho nên mọi việc đều cấp bách, có nhiều cuộc họp đột xuất bất kể ngày đêm, tất cả đều trực chiến, sẵn sàng, có những ngày tới 3 - 4 cuộc họp, xong lại triển khai. Nhiều người cho rằng ở trong tâm dịch thì ngày dài lắm, nhưng thật ra đối với tôi thì rất ngắn vì chúng tôi bị công việc cuốn theo, không kịp để ý, nghĩ ngợi gì khác. Bệnh viện đã có những buổi họp cho những tình huống như trường hợp bị phong tỏa thì làm những gì, dù đã chuẩn bị tinh thần nhưng vào trận thực tế lại rất khác. Cứ mỗi một ngày lại có một biến động", bác sĩ Huyền chia sẻ.

Nhìn qua cánh cổng bệnh viện thì có vẻ lặng lẽ, yên bình, nhưng phía trong thực sự là một chiến trường cam go. Từ khi cách ly, bệnh viện nhận được nhiều hỗ trợ từ các tổ chức xã hội cho nên bệnh nhân không thiếu thốn, chỉ có điều, đội ngũ y, bác sĩ ngoài nhiệm vụ chuyên môn cần phải động viên tinh thần để bệnh nhân yên tâm, đồng lòng vừa chữa bệnh vừa chống dịch.

Khó có thể kể hết những việc không tên mà lực lượng y tế phải thực hiện trong khu cách ly. Đội ngũ lấy mẫu xét nghiệm phải làm việc xuyên đêm, mặc đồ bảo hộ 24/24. Tiếp đến là đội ngũ chạy xét nghiệm không biết đến ngày nghỉ, giờ nghỉ là gì. Rồi đội điều tra dịch tễ, công tác xã hội, nhận hàng tiếp tế, kiểm soát nhiễm khuẩn, phun, khử khuẩn, vận chuyển... đều vô cùng vất vả. Và trên hết là Ban Lãnh đạo bệnh viện, hầu như ai cũng thức trắng từng đêm trong cuộc chiến này.

Nỗi lòng nơi tâm dịch
Phía sau cánh cổng bệnh viện là những đôi mắt sụp vì thiếu ngủ của y, bác sĩ, điều dưỡng nhưng những bữa cơm vẫn được đưa đến tận giường bệnh nhân

"Là nhân viên y tế thì xác định dịch gọi tên ai người đó phải chịu, đến với nơi nào thì ở nơi đó phải chiến đấu. Mỗi một buổi sáng thức dậy là các y, bác sĩ nhắn tin an ủi động viên nhau. Có những người vững vàng, cũng có những người lo lắng, nhưng đều an ủi nhau, giữ vững tinh thần. Thương nhất là người bệnh bị trì hoãn điều trị ung thư, chậm ngày nào bệnh nhân sốt ruột ngày đó", chị Huyền chia sẻ.

Con vô cùng nhớ bố, mẹ...

Trong những ngày này, dù rất nhớ con nhưng chị Huyền cũng chỉ có thể tranh thủ vào camera xem các con đang làm gì, có những ngày gọi điện cho con được mấy phút, có những ngày không kịp gọi. Có ngày tranh thủ được chút thời gian cả gia đình chị được "đoàn tụ" qua cuộc gọi facetime trong chốc lát.

Trong cuộc chiến chống dịch này, cả gia đình chị 4 người đều phải phân ly. Chị Huyền với chồng tuy ở cùng bệnh viện nhưng bị cách ly không gặp được nhau, các con không có bố mẹ ở cạnh… Tuy thế, nhưng khi được hỏi mong muốn của mình, chị Huyền lại bảo: "Mong sao sớm dập được dịch để bệnh nhân yên tâm điều trị vì ở đây toàn bệnh nhân nặng".

Nỗi lòng nơi tâm dịch
Bức thư của bé Đỗ Hà Anh gửi các y, bác sĩ, điều dưỡng Bệnh viện K

Khi vợ chồng chị Huyền lên tuyến đầu chống dịch, bé Đỗ Hà Anh, con gái của chị đã gửi thư, vẽ tranh động viên những y, bác sĩ Bệnh viện K, trong đó có bố mẹ của bé.

Bé viết: "Con là Đỗ Hà Anh, con gái của bác sĩ Huyền. Trong tình cảnh phải đối mặt với dịch bệnh, bố mẹ con cùng các cô, chú bác sĩ, điều dưỡng và cả bệnh nhân phải cách ly trong bệnh viện. Mọi người chắc hẳn đều rất mệt, stress, nhớ nhà và gia đình. Con cũng vô cùng nhớ bố mẹ, hàng ngày chỉ gọi điện, nhắn tin nhưng không được gặp. Đây là lần đầu tiên con xa bố mẹ lâu đến thế, con rất mong dịch bệnh qua mau để chúng ta được gặp lại gia đình, bạn bè.

Bệnh viện K là tuyến đầu điều trị bệnh nhân ung thư, vì vậy sức khỏe, hay cả mạng sống đều phụ thuộc vào mọi người. Vì vậy, con mong các cô chú bác sĩ, điều dương hãy cố gắng đánh bại dịch bệnh. Con, cũng như gia đình mọi người luôn cổ vũ, tin tưởng rằng Bệnh viện K sẽ chiến thắng dịch bệnh. Bệnh viện K cố lên!".

Nỗi lòng nơi tâm dịch
Hà Anh còn vẽ tranh rồi chụp ảnh gửi đến cho bố mẹ và mong muốn được chia sẻ lời động viên tới các y, bác sĩ của Bệnh viện K.

Vợ chồng bác sĩ Huyền cũng như nhiều lương y khác đều luôn hướng về bệnh nhân. Trong cuộc chiến chống dịch, họ đã phải bỏ lại phía sau gia đình, con cái, lao vào cuộc chiến không biết ngày nào là ngày kết thúc. Thế nhưng họ vẫn tin rằng, chỉ có sự chung sức, đồng lòng mới làm nên chiến thắng.

Bảo Thoa

Ảnh: P.T.H

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này