Tranh chấp quỹ bảo trì giữa cư dân và chủ đầu tư nhà chung cư: Đã đến hồi phân giải

11:31 | 25/05/2021
(LĐTĐ) Trong các tranh chấp giữa cư dân và chủ đầu tư nhà chung cư thời gian qua, tranh chấp kinh phí bảo trì là một trong những “cuộc chiến” gay gắt và dai dẳng nhất. Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 30/2021/NĐ-CP (ngày 26/3/2021) sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 99/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở; trong đó có nhiều quy định mới cứng rắn hơn. Liệu rằng từ đây, “cuộc chiến” mang tên quỹ bảo trì giữa các cư dân và chủ đầu tư nhà chung cư sẽ kết thúc?
Chủ đầu tư không bàn giao 2% quỹ bảo trì sẽ bị cưỡng chế Hà Nội: Xử phạt nhiều chủ đầu tư chậm bàn giao quỹ bảo trì chung cư “Cuộc chiến” tranh giành quỹ bảo trì chung cư vẫn chưa hạ nhiệt

22 chủ đầu tư bị yêu cầu trả lại cư dân 250 tỷ đồng quỹ bảo trì

Mới đây, Thanh tra Bộ Xây dựng đã ban hành 15 kết luận thanh tra liên quan tới công tác quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì chung cư tại 22 dự án nhà ở chung cư trên địa bàn thành phố Hà Nội, qua đó yêu cầu các chủ dự án trả lại cư dân 250 tỷ đồng quỹ bảo trì. Theo đó, Thanh tra Bộ Xây dựng yêu cầu chủ đầu tư các dự án phải chuyển trả cho ban quản trị 22 tòa nhà chung cư 250 tỷ đồng tiền quỹ bảo trì để quản lý và sử dụng theo đúng quy định pháp luật về nhà ở.

Tranh chấp quỹ bảo trì giữa cư dân và chủ đầu tư nhà chung cư: Đã đén hội phân giải
Cư dân Hòa Bình Green City xuống đường căng băng rôn yêu cầu chủ đầu tư trả sổ hồng, tố chủ đầu tư chiếm dụng quỹ bảo trì… Ảnh chụp ngày 14/3/2021

Trong quá trình thanh tra, Thanh tra Bộ Xây dựng đã phát hiện nhiều chủ dự án, ban quản trị tòa nhà vi phạm, thiếu sót, tồn tại trong công tác quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư.Cụ thể, nhiều chung cư tại thời điểm thanh tra, chủ đầu tư đang quản lý kinh phí bảo trì tại tài khoản của chủ đầu tư với lãi suất không kỳ hạn; bàn giao chậm, bàn giao không đầy đủ kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư đối với khu căn hộ, nhiều chủ đầu tư, như tại chung cư: Riverside Garden (số 349 Vũ Tông Phan, Khương Đình, Thanh Xuân) chủ đầu tư là Liên danh Công ty Cổ phần Sản xuất kinh doanh và xuất nhập khẩu Prosimex và Công ty Cổ phần Đầu tư thiết kế và xây dựng Việt Nam (nay là Công ty Cổ phần Tập đoàn Videc), Chung cư hỗn hợp Hateco Hoàng Mai chủ đầu tư Công ty Cổ phần Hateco Hà Nội...

Theo Thanh tra Bộ Xây dựng, hầu hết các nhà chung cư được thanh tra chưa quyết toán kinh phí bảo trì các tòa nhà chung cư. Nguyên nhân do chủ dự án chưa nhận thức pháp luật, chủ dự án và ban quản trị tòa nhà chưa tìm được tiếng nói chung để đi đến thống nhất, phân chia diện tích chung - riêng, diện tích chủ đầu tư được giữ lại.Đây cũng là những nguyên nhân chính dẫn đến việc tranh chấp, khiếu nại kéo dài tại hàng loạt dự án chung cư cao tầng tại Hà Nội thời gian qua.

Thanh tra Bộ Xây dựng đã yêu cầu chủ dự án 22 tòa nhà chung cư chuyển trả cho ban quản trị tòa nhà chung cư 250 tỷ đồng tiền quỹ bảo trì.Bên cạnh đó, Thanh tra Bộ Xây dựng cũng ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 7 chủ đầu tư với số tiền 820 triệu đồng, buộc áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả, tháo dỡ ngay phần lấn chiếm không gian sử dụng chung các tòa nhà chung cư.

Yêu cầu điều tra chủ đầu tư vi phạm pháp luật hình sự

Thực tế tại Hà Nội thời gian qua, Ủy ban nhân dân Thành phố, Sở Xây dựng, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã đã tích cực giải quyết tranh chấp tại các chung cư. Trong đó, Sở Xây dựng đã tham mưu Ủy ban nhân dânThành phố ra văn bản yêu cầu 7 chủ đầu tư bàn giao kinh phí bảo trì cho các ban quản trị; ủy quyền cho Ủy ban nhân dân huyện Hoài Đức ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi kinh phí bảo trì các chung cư: 18T1, 18T2 The Golden An Khánh; ủy quyền cho các quận Bắc Từ Liêm, Hai Bà Trưng cưỡng chế kinh phí bảo trì các chung cư N03T8 Khu đoàn Ngoại giao; chung cư B - Hòa Bình Green City... Mặc dù vậy, việc cưỡng chế còn nhiều vướng mắc, nhất là cưỡng chế những chủ đầu tư chiếm dụng kinh phí bảo trì, sử dụng vào mục đích kinh doanh song làm ăn thua lỗ.

Để bảo vệ quyền lợi của người mua nhà chung cư, cuối tháng 3 vừa qua, Chính phủ ban hành Nghị định số 30/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 99/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở, trong đó có sửa đổi bổ sung vấn đề liên quan kinh phí bảo trì nhà chung cư. Nghị định này có hiệu lực từ 26/3. Theo quy định mới, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong 10 ngày từ khi nhận được yêu cầu của ban quản trị chung cư sẽ làm việc luôn với ngân hàng nơi chủ đầu tư mở tài khoản gửi phí bảo trì chung cư. Ngân hàng phải cung cấp thông tin số tài khoản, số tiền bảo trì trong 7 ngày. Trong 5 ngày sau khi nhận quyết định cưỡng chế từ chính quyền, ngân hàng phải chuyển tiền sang tài khoản của ban quản trị.

Nếu tài khoản quỹ bảo trì không còn tiền, hoặc tiền không đủ, trong 5 ngày từ sau khi có quyết định cưỡng chế, ngân hàng sẽ cung cấp thông tin về tài khoản kinh doanh và số tiền hiện dư của chủ đầu tư để cơ quan chức năng yêu cầu cưỡng chế. Nếu chủ đầu tư không còn tiền bàn giao quỹ, cơ quan chức năng sẽ cưỡng chế, kê biên tài sản bán đấu giá để bù vào. Phần giá trị chênh lệch từ tài sản đấu giá so với quỹ bảo trì và chi phí đấu giá, nếu có, sẽ được trả lại cho chủ đầu tư trong 1 tháng kể từ khi thực hiện hoạt động này.

Nghị định quy định rõ: “Trong quá trình thực hiện cưỡng chế bàn giao kinh phí bảo trì cho ban quản trị nhà chung cư, nếu phát hiện chủ đầu tư có hành vi vi phạm pháp luật hình sự thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh yêu cầu cơ quan có thẩm quyền điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật”.

Có thể thấy, những điểm mới tại Nghị định số 30/2021/NĐ-CP sẽ là giải pháp nhằm “gỡ nút thắt” trong xử lý tranh chấp kinh phí bảo trì nhà chung cư tại Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung. Quy định đã rất cụ thể, rõ ràng như vậy, nhưng để chấm dứt “cuộc chiến” giữa các cư dân và chủ đầu tư nhà chung cư cũng cần có sự vào cuộc quyết liệt, mạnh mẽ từ phía chính quyền mỗi địa phương.

Hà Nội đề xuất xử lý chủ đầu tư chung cư om 40 tỷ đồng quỹ bảo trì

Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội vừa có văn bản số 3957/VP-ĐT truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn giải quyết kiến nghị của cư dân chung cư Hòa Bình Green City (số 505 Minh Khai, phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng).

Liên quan đến kiến nghị này, Ủy ban nhân dân quận Hai Bà Trưng cho biết trong thời gian qua mặc dù ban quản trị tòa nhà chung cư đã nhiều lần phản ánh, yêu cầu nhưng đến nay chủ đầu tư vẫn chưa bàn giao kinh phí bảo trì (khoảng 40 tỷ đồng) cho ban quản trị tòa nhà.Ngoài ra, do chủ đầu tư chưa thực hiện xong nghĩa vụ tài chính nên 972 căn hộ chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu căn hộ (sổ hồng). Ủy ban nhân dân quận Hai Bà Trưng cho biết đơn vị này và Ủy ban nhân dân phường Vĩnh Tuy đã nhiều lần họp, đôn đốc chủ đầu tư.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với sở: Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Cục Thuế Thành phố, Ủy ban nhân dân quận Hai Bà Trưng kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền, quy định. “Đề xuất báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội xem xét giải quyết những nội dung vượt thẩm quyền. Ủy ban nhân dân quận Hai Bà Trưng thường xuyên theo dõi, bảo đảm tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn” - nội dung văn bản cho biết.

Trước đó, ngày 27/3/2020, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 1270 xử phạt vi phạm hành chính về quản lý sử dụng nhà chung cư đối với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hòa Bình do chậm bàn giao kinh phí bảo trì cho ban quản trị. Theo đó, chủ đầu tư của chung cư Hòa Bình Green City bị phạt vi phạm hành chính với số tiền 125 triệu đồng.Từ đây, Sở Xây dựng đã có văn bản về việc uỷ quyền cho Ủy ban nhân dân quận Hai Bà Trưng ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi kinh phí bảo trì nhà chung cư toà B Hoà Bình Green City. Tuy nhiên, ngày 14/3/2021, cư dân Hòa Bình Green City vẫn “rồng rắn” xuống đường căng băng rôn yêu cầu chủ đầu tư trả sổ hồng, “tố” chủ đầu tư chiếm dụng quỹ bảo trì của cư dân…

Được biết, đây không phải lần đầu tiên cư dân chung cư này phải xuống đường đòi quyền lợi. Suốt từ năm 2018 cho đến nay, việc căng băng rôn đòi sổ đỏ, quỹ bảo trì thường xuyên diễn ra. Đồng thời, cư dân cũng gửi đơn kêu cứu, kiến nghị đến nhiều cơ quan chức năng. Mặc dù, Ủy ban nhân dânquận Hai Bà Trưng và Ủy ban nhân dân phường Vĩnh Tuy đã nhiều lần họp, đôn đốc chủ đầu tư nhưng đến nay vấn đề vẫn chưa được giải quyết triệt để./.

H. Phong

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này