“Chuẩn hóa” lễ hội: Khó mấy cũng phải làm!

08:50 | 20/01/2015
Những năm gần đây, đi đôi với tình hình KTXH phát triển, sự gia tăng về quy mô và số lượng cũng như nảy sinh những bất cập từ lễ hội đã khiến việc quản lý văn hóa lễ hội trở thành một vấn đề khiến dư luận quan tâm.

Năm 2014, lực lượng chức năng của Bộ VH-TT&DL đã tiến hành nhiều đợt thanh tra, kiểm tra tại các di tích, lễ hội trong cả nước. Việc tăng cường công tác kiểm tra đã mang lại những chuyển biến tích cực. Tuy vậy, trong hoạt động tổ chức, quản lý lễ hội vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế không thể giải quyết trong thời gian ngắn. Đó là hiện tượng chen lấn, xô đẩy ở một số lễ hội tập trung đông du khách, cờ bạc trá hình, bày bán thực phẩm mất vệ sinh, treo thịt gia súc, gia cầm sống gây phản cảm... Dịch vụ đổi tiền lẻ hưởng chênh lệch vẫn còn. Giải pháp bài trừ những tiêu cực này cũng vẫn còn nhiều nan giải bởi do một bộ phận du khách có sự thái quá về tín ngưỡng, nên cố chen lấn, xô đẩy để cầu lộc, cầu an, cầu danh. Bên cạnh đó, một số địa phương đặt lợi ích kinh tế của lễ hội lên trên những giá trị văn hóa; không đảm bảo đầy đủ cơ sở hạ tầng, dịch vụ, đảm bảo ATGT, ATTT chưa đáp ứng được nhu cầu đón hàng triệu lượt khách trong một thời gian ngắn.

Trước thực trạng trên, Phó chánh Thanh tra Bộ VH-TT&DL, Phạm Xuân Phúc cho biết: Thanh tra văn hóa không như thanh tra giao thông hay công an. Chúng tôi không có quyền xử phạt hành chính. Muốn xử phạt, lực lượng thanh tra phải trực tiếp bắt được người, được vụ việc vi phạm, lập biên bản, rồi ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, sau đó mới tiến hành xử phạt. Hơn nữa các hành vi vi phạm trong lễ hội rất là khó xử lý. Đơn cử như việc đốt vàng mã. Trước đây quy định cấm đốt vàng mã nơi công cộng, nhưng quy định mới lại là đốt vàng mã không đúng “nơi quy định” sẽ bị xử phạt.

Quản lý lễ hội khó, nhưng không phải không làm được. Có hai nhu cầu khiến du khách đến với lễ hội ngày càng đông. Đây cũng chính là cái gốc của quản lý lễ hội, không nên cứng nhắc, cực đoan. Tuy nhiên để giải quyết các hoạt động “xấu xí” mùa lễ hội nói chung, cần phải có sự vào cuộc đồng bộ của nhiều bộ ngành. Chẳng hạn, trong lễ hội, có nhiều người lang thang hành khất, ngành lao động thương binh xã hội cần phát hiện, và can thiệp đưa họ về các trung tâm bảo trợ. Tình trạng vui chơi có thưởng, cờ bạc, móc túi, trộm cắp… thì cần sự can thiệp của ngành công an. Cũng có ý kiến cho rằng, cần đổi mới công tác thanh tra.

Đánh giá về mùa lễ hội 2015, Chánh văn phòng Bộ VH-TT&DL Phan Đình Tân cho biết: Ngay trước mùa lễ hội, Bộ đã ban hành hai văn bản nhắc nhở và hạn chế việc đốt đồ mã; chấn chỉnh việc lưu thông, sử dụng đồng tiền có mệnh giá nhỏ trong hoạt động văn hóa, lễ hội. Công văn cũng nêu rõ nhiệm vụ của cơ quan quản lý là rà soát không để các hoạt động dịch vụ đổi tiền lẻ hưởng phí chênh lệch tồn tại trong khuôn viên di tích và lễ hội. “Cũng trong năm 2015, để giải quyết tình trạng đốt vàng mã tràn lan tại đền Bà Chúa Kho, Bộ đã giao cho Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia xây dựng đề án: “Nghiên cứu về việc đốt vàng, mã tại di tích đền Bà Chúa Kho”. Thành công của lễ khai ấn đền Trần sau ba mùa thực hiện theo đề án của Bộ phê duyệt cũng là minh chứng cho việc “khó mà có thể làm” trong quản lý lễ hội”, ông Tân nhấn mạnh.

T. Dũng

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này