Sáng suốt lựa chọn những đại biểu xứng đáng nhất

08:30 | 21/05/2021
(LĐTĐ) Ngày 23/5, cử tri cả nước sẽ nô nức đi bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Đây cũng là dịp để các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân sáng suốt lựa chọn những người có đủ đức, đủ tài vào cơ quan quyền lực cao nhất, đại diện cho nguyện vọng, ý chí của nhân dân.
Dựa vào cử tri, sáng suốt lựa chọn cán bộ có đức, có tài

Trách nhiệm với lá phiếu bầu cử

Liên tục trải qua 14 khóa hoạt động phục vụ nhân dân, Quốc hội nước ta đã đóng góp to lớn vào những thắng lợi của sự nghiệp cách mạng đất nước hơn 75 năm qua. Trong công cuộc đổi mới, Quốc hội đã nâng cao chất lượng tổ chức và hoạt động, đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội, nhất là khi nước ta hội nhập kinh tế quốc tế; và trước tình hình hiện nay, tiếp tục đặt ra những yêu cầu mới cao hơn đối với tổ chức và hoạt động của Quốc hội khóa XV.

Sáng suốt lựa chọn những đại biểu xứng đáng nhất
Cử tri cần sáng suốt lựa chọn người đủ đức, đủ tài xứng đáng đại diện ý chí, nguyện vọng của nhân dân.

Trong khi đó, Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, do nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước nhân dân địa phương và cơ quan Nhà nước cấp trên. Hội đồng nhân dân quyết định những chủ trương, biện pháp quan trọng để phát huy tiềm năng của địa phương, xây dựng và phát triển địa phương về kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, không ngừng cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân địa phương, làm tròn nghĩa vụ của địa phương đối với cả nước.

Với vị trí, vai trò rất quan trọng của Quốc hội, Hội đồng nhân dân trong bộ máy Nhà nước và xã hội như vậy nên toàn dân ta phải tiếp tục phát huy dân chủ, tham gia xây dựng Quốc hội, thực hiện tốt cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 vào ngày Chủ nhật, 23/5. Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp là dịp để cử tri cả nước lựa chọn những người có đủ đức, đủ tài, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân tham gia vào các cơ quan quyền lực Nhà nước. Qua đó, thể hiện quyền làm chủ của nhân dân tham gia xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Tiếp tục phát huy dân chủ, hội tụ trí tuệ, bản lĩnh vững vàng, kiên định trong công cuộc đổi mới, thống nhất trong ý chí và hành động vì một đất nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh sẽ là những dấu ấn đậm nét trong hoạt động của Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, được bắt đầu từ lá phiếu đầy trách nhiệm công dân của mỗi cử tri trong việc lựa chọn những đại biểu có đủ đức, đủ tài.

Để ngày bầu cử thực sự là ngày hội lớn của toàn dân tộc, trước hết, mỗi cử tri cần nhận thức sâu sắc quyền và nghĩa vụ của mình, tìm hiểu, nghiên cứu kỹ tiểu sử các ứng cử viên, tự giác đi bỏ phiếu để chọn những người xứng đáng đại diện cho mình bầu làm đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Đồng thời, cần nêu cao ý thức cảnh giác trước những luận điệu xuyên tạc và âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch đối với cuộc bầu cử toàn dân tộc. Có như vậy, thông qua cuộc bầu cử mới đảm bảo phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp trong sạch, vững mạnh, thực sự của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; góp phần đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xây dựng đất nước ngày càng phát triển hơn, to đẹp hơn.

Xứng đáng với niềm tin của cử tri

Thực tế đã chứng minh, mỗi cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp đều là một cuộc vận động chính trị quan trọng và là cơ hội để thực hiện quyền làm chủ của nhân dân thông qua việc lựa chọn, bầu ra các đại biểu tiêu biểu, thật sự có đức, có tài, xứng đáng đại diện cho nhân dân. Do đó, để kết quả bầu cử đảm bảo khách quan, cử tri cần bám sát các quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân để lựa chọn được các ứng cử viên có đầy đủ các điều kiện, tiêu chuẩn và có khả năng thực hiện được các nhiệm vụ một cách tốt nhất. Bên cạnh đó, cử tri cũng cần lưu ý đến các tiêu chuẩn được hướng dẫn cụ thể cho từng kỳ bầu cử. Cụ thể như việc lựa chọn nhân sự tham gia Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, ngoài các tiêu chuẩn được quy định trong pháp luật bầu cử, các ứng cử viên còn phải đáp ứng được các quy định tại Hướng dẫn số 36-HD/BTCTW ngày 20/1/2021 của Ban Tổ chức Trung ương về công tác nhân sự đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Trong khi đó, đối với các đại biểu, sau khi nhận được những lá phiếu bầu của cử tri cũng cần phải khẳng định trách nhiệm, vai trò và bản lĩnh của người đại biểu nhân dân, nói lên tâm tư, nguyện vọng của cử tri gửi đến diễn đàn Quốc hội…

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 là sự kiện chính trị trọng đại, là cơ hội để nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình, thông qua việc lựa chọn, bầu ra các đại biểu tiêu biểu, thật sự có đức, có tài để xây dựng quê hương đất nước ngày càng phát triển giàu mạnh văn minh, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.

Hầu hết cử tri trên địa bàn Hà Nội đã có sự lựa chọn về những ứng cử viên xứng đáng để đặt niềm tin và kỳ vọng. Tuy nhiên, điều mà cử tri quan tâm và kỳ vọng nhất vẫn là việc các ứng cử viên sau khi được bầu phải nỗ lực thực hiện đúng lời hứa của mình trong các chương trình hành động, để xứng đáng là người đại biểu của nhân dân.

Cử tri, luật sư Nguyễn Văn Thái - Giám đốc Công ty Luật trách nhiệm hữu hạn Quốc tế Nam Thái chia sẻ, sau khi trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, các đại biểu sẽ đóng góp thiết thực và hiệu quả hơn trong hoạt động lập pháp từ khâu xây dựng chương trình, các dự án luật, nghị quyết, để nâng cao chất lượng thể chế phù hợp với giai đoạn phát triển mới hiện nay; đồng thời tăng cường hoạt động, nâng cao hiệu quả giám sát, nhất là giám sát thực hiện ngân sách Nhà nước gắn liền với phân cấp, phân quyền và phòng chống tham nhũng. Bên cạnh đó, các đại biểu, các cơ quan dân cử khóa mới, nhiệm kỳ mới cần hành động quyết liệt hơn nữa trong cải cách tư pháp, gắn với phòng chống oan sai và bảo vệ quyền con người, quyền công dân. “Tôi cho rằng, thời gian tới, nguyên tắc pháp quyền sẽ được làm rõ hơn trong nhận thức và thực tiễn tổ chức và hoạt động của bộ máy Nhà nước. Đây sẽ là nguyên tắc căn bản để xác định ứng xử của Nhà nước với nhân dân và với chính Nhà nước để hướng tới xã hội phát triền hài hòa, thịnh vượng”, luật sư Thái nhấn mạnh.

Còn ông Mai Hồng, nguyên giảng viên Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh (phường Thịnh Quang, quận Đống Đa) thì cho biết, gần một tháng qua công tác chuẩn bị cũng như tuyên truyền cho bầu cử rất khoa học và chu đáo. Với tư cách là cử tri, ông sẽ bầu những đại biểu ưu tú nhất vào Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Ông tin rằng, qua nhiều lần hiệp thương ở Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các ứng viên có trong danh sách bầu chắc chắn đều là những người đức - tài. Tất nhiên, đi bầu là phải “so bó đũa chọn cột cờ”, nên ông cũng như các cử tri khác đã dành thời gian nghiên cứu để bầu được những đại biểu xứng đáng nhất.

Có thể thấy, khi cử tri có trách nhiệm với lá phiếu bầu của mình, sáng suốt lựa chọn được người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, chắc chắn, chúng ta sẽ chọn được những ứng cử viên xứng đáng để nhân dân bầu ra đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp có đủ đức, đủ tài, phẩm chất, năng lực, đặc biệt là xứng đáng với niềm tin và lá phiếu bầu của cử tri./.

Đỗ Đạt

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này