Xử lý nước thải đổ thẳng ra sông hồ: Vẫn luẩn quẩn!

10:03 | 10/03/2015
Kết quả nghiên cứu từ dự án "Phát triển hệ thống sử dụng nước đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu" do Trường Đại học Xây dựng phối hợp với Trường Đại học Tokyo (Nhật Bản) thực hiện đầu tháng 3/2015 cho thấy tình trạng ô nhiễm của hầu hết các dòng sông trên địa bàn Hà Nội đang ở mức báo động. Nguyên nhân do nguồn nước thải đô thị chưa qua xử lý đổ trực tiếp ra ao hồ.

Vô tư bức tử sông hồ

Qua khảo sát của phóng viên báo Lao động Thủ đô, những con sông, hồ lịch sử, từng là biểu tượng văn hóa một thời của người dân Hà Nội như sông Tô Lịch, Kim Ngưu, hồ Tây, hồ Thiền Quang đều đang trong tình trạng “chết” hay “hấp hối”. Còn nhớ trung tuần tháng 9/2014, việc cá chết hàng loạt, nổi trắng mặt hồ Thiền Quang khiến nhiều người dân tỏ rõ sự lo ngại mức độ ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng của mặt nước hồ. Nhưng có lẽ, nhức nhối nhất vẫn là tình trạng xả nước thải bừa bãi ra sông Tô Lịch khiến con sông này thời gian gần đây nổi danh với cái tên "sông chết".

Theo tìm hiểu, được biết dòng sông Tô Lịch qua địa phận phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy đã từ nhiều năm nay nước vẫn đen kịt vì ô nhiễm. Mục sở thị không khí sầm uất tại khu vực gần chợ Cầu Giấy kéo dài suốt dọc đường Nguyễn Khang, bên cạnh việc đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân thì tình trạng các tiểu thương tự lập chợ cóc ven đường vô tư xả thẳng nước thải xuống sông Tô Lịch. Bà Phạm Phương (Quan Hoa - Cầu Giấy) cho biết: "Vào những ngày nắng nóng, chợ họp muộn, nước thải từ những mặt hàng hải sản tươi sống quyện với mùi khói xe, mùi nhựa đường, mùi xú uế từ nước sông Tô Lịch bốc lên càng thêm nồng nặc...".

Một số người dân địa bàn xã Thanh Liệt (Thanh Trì) phản ánh đoạn sông Tô Lịch chảy qua đây hiện đang bị nguồn phế thải từ việc giải tỏa, làm đường gây ô nhiễm nghiêm trọng. Bác Chu Mỹ (thôn Văn - Thanh Liệt - Thanh Trì) cho biết: “Trước đây, dãy tập thể trại giam B14, khu tập thể Nhà máy sơn tổng hợp nằm trong diện quy hoạch bị giải tỏa nên người dân có tâm lý sống tạm bợ, thiếu ý thức trong việc giữ gìn vệ sinh chung dẫn đến đoạn sông Tô Lịch chảy qua đây luôn ngập ngụa rác thải. Từ tháng 12/2014, lãnh đạo UBND huyện Thanh Trì đã chỉ đạo tổ chức cưỡng chế để thu hồi đất. Tuy nhiên trong quá trình này, một lượng không nhỏ phế thải được đổ tràn xuống ven sông, đe dọa đến cảnh quan môi trường của khu vực lân cận...".
Với việc ô nhiễm nguồn nước, người dân Hà Nội đang phải hứng chịu nhiều bệnh tật như: Tiêu chảy, viêm phế quản cấp và mãn tính, hen suyễn, các vấn đề về tim mạch...

Theo Quy hoạch thoát nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định 725/QĐ-TTg ngày 10/5/2013, thành phố sẽ đầu tư xây dựng 39 trạm xử lý nước thải (XLNT) tập trung để xử lý nước thải cho khu đô thị trung tâm và 5 đô thị vệ tinh. Đến nay, trên địa bàn thành phố đã có 6 trạm xử lý nước thải (tổng công suất thiết kế  264.300 m3/ngày-đêm) đã xây dựng xong và đưa vào vận hành; 5 trạm đang xây dựng hoặc làm công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng, với tổng công suất thiết kế 396.300 m3/ngày-đêm.

Cần đồng bộ các giải pháp

Theo kết quả nghiên cứu từ dự án "Phát triển hệ thống sử dụng nước đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu" do Trường Đại học Xây dựng phối hợp với Trường Đại học Tokyo (Nhật Bản) thực hiện vừa công bố đầu tháng 3/2015, hiện nước sông trên địa bàn Hà Nội đang bị ảnh hưởng bởi 10% nước thải đô thị chưa qua công đoạn xử lý hoặc pha loãng. Trong khi đó, 36% nước thải chưa qua xử lý cũng đổ ra các hồ, gây ô nhiễm nguồn nước tại nhiều khu vực.

Theo số liệu từ Viện Nghiên cứu cấp thoát nước và môi trường, hiện nay, mỗi ngày, 770 đô thị cả nước xả thải ra sông với tổng khối lượng nước thải 5,2 triệu m3, nhưng mới chỉ có 24 nhà máy xử lý nước thải với tổng công suất 550 nghìn m3/ngày. Trong đó, Hà Nội là một trong những đô thị có nguồn nước bị ô nhiễm asen nặng nhất.

PGS Hoàng Huệ - Giám đốc Trung tâm Công nghệ hạ tầng kỹ thuật môi trường đô thị (Hà Nội) cho biết: Do hệ thống thiết kế chưa hoàn thiện, chủ yếu là hệ thống cống chung, dựa vào sông hồ để tiêu thoát nước, độ dốc thủy lực không đảm bảo khiến dòng chảy bị lắng cặn. Đơn cử như sông Tô Lịch bắt nguồn từ hồ Tây nhưng nguồn nước chủ yếu là nước thải đô thị đổ vào nên thiếu sự tuần hoàn, khan hiếm ô xy khiến lưu lượng dòng chảy bị đình trệ, tốc độ lắng cặn diễn ra nhanh hơn.

Trước đây đã có những giải pháp làm cho nước tuần hoàn như thả bè thủy sinh trên một số sông hồ hay sử dụng trạm nước Yên Sở bơm lên hồ Tây để đảm bảo nước được tuần hoàn hay đào kênh nối liền sông hồ với nhau để tạo thành vòng tuần hoàn nhưng đều không khả thi.

Mặc dù phương pháp nạo vét kênh mương được coi là giải pháp khá hiệu quả tuy nhiên nạo vét phải đươc thực hiện song song với việc thay nước, xây dựng hệ thống cống bao để thu gom nước thải đô thị. Mặt khác công tác quản lý chưa tốt, tình trạng rác thải vẫn được xả bừa bãi xuống sông hồ cũng khiến công tác này gặp khó. Phó giáo sư Hoàng Huệ nhấn mạnh, trên thực tế bất kỳ giải pháp nào cũng đều cần tới kinh phí để thực hiện. Vì thế những dự án dù khả thi đến đâu nhưng phần lớn vẫn nằm trên giấy. Mọi phương pháp khắc phục hiện nay chỉ mang tính chất tạm thời, chưa có chiến lược lâu dài.

Tuệ Liên

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này