Khát vọng thành phố bên sông

10:05 | 18/05/2021
(LĐTĐ) Ở nước ta, tại nhiều thành phố lớn như Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Huế và nhiều đô thị khác, các dòng sông chảy qua đã và đang ngày một đẹp hơn nhờ việc quy hoạch và phát triển đô thị hai bên bờ. Hà Nội cũng vậy, nơi “trái tim” của cả nước cũng đang xác định cho mình sự đổi thay tân tiến này. Hẳn nhiên, nhắc đến thông tin về quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, người dân Thủ đô bên cạnh nỗi khao khát Hà Nội sẽ đẹp hơn thì họ còn đang mong chờ những chính sách nhân văn sẽ giải quyết chỗ ở, ổn định cuộc sống cho cư dân vùng bãi sông.
Tạo đột phá cho Thủ đô phát triển Hà Nội sắp hoàn tất quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng

Những mong mỏi gửi gắm

Dòng sông Hồng gắn liền và kết nối những giá trị đô thị đặc biệt của Thủ đô ngàn năm tuổi. Điều này hẳn nhiên đúng. Chẳng khó để thấy đó là cảnh quan mặt nước đẹp vô vàn của hồ Tây - hồ Trúc Bạch, đó là những làng nghề truyền thống trải dọc bên sông, là những phố Hàng nức tiếng gần xa… những giá trị mang lại kể trên là không thể phủ nhận.

Khát vọng thành phố bên sông
Hai bờ sông Hồng, dự kiến sẽ là điểm nhấn cho sự phát triển của Hà Nội trong tương lai. Ảnh: Giang Nam

Thế nhưng, ít người biết rằng, trong ngàn năm lịch sử của Hà Nội, nhìn từ sông Hồng mà cụ thể ở đây là bãi sông Hồng - mảnh đất này luôn là “đất hứa” với di dân tứ xứ. Sự “phồn thịnh” này kéo dài khoảng vài chục năm nay. Ban đầu họ - những cư dân tứ xứ ấy dạt đến để kiếm một nơi dừng chân. Có chút vốn thì họ mua đất, dựng lều rồi dành dụm xây nhà…

Tuy nhiên, sự quần tụ ấy lại nảy sinh muôn vàn nút thắt. Chẳng khó để thấy khi hàng chục năm nay, một bộ phận người dân sinh sống hai bên bờ sông Hồng rơi vào cảnh đợi chờ quy hoạch. Không ít hộ dân dù đất đã được cấp sổ đỏ nhưng vẫn chưa được xây dựng nhà, chưa thể chuyển nhượng, sang tên quyền sử dụng đất, thế chấp, vay vốn... Nguyên nhân là do phải giữ nguyên hiện trạng, do quy hoạch. Cứ thế, cuộc sống tạm bợ của họ kéo dài từ năm này qua năm khác.

Lấy ví dụ, quận Hoàn Kiếm có hai khu vực ngoài đê thuộc địa bàn phường Chương Dương và Phúc Tân, trong đó, một phần của hai phường nằm trong hành lang thoát lũ sông Hồng. Hiện, khu vực phường Phúc Tân có 18.971 người sinh sống, còn phường Chương Dương có 26.698 người - phường có số lượng dân cư lớn nhất quận Hoàn Kiếm. Do nhu cầu nhà ở ngày càng cao nên từ hàng chục năm trước, khu vực ngoài đê sông Hồng nhanh chóng trở thành nơi trú ngụ của cư dân nhiều nơi đổ về. Nhiều khu tập thể của các cơ quan cũng được xây dựng tại phường Chương Dương. Tuy nhiên, vì là khu vực ngoài đê nên đến nay, việc cấp giấy phép xây dựng vẫn phải tuân thủ các quy định chuyên ngành, nhất là quy định về hành lang thoát lũ sông Hồng. Nhiều nhà ở xuống cấp phải xây dựng lại nhưng chỉ được cấp giấy phép có thời hạn và việc xây dựng lại nhà ở phải dựa trên cơ sở nguyên trạng, gây không ít khó khăn cho người dân. Đối với các công trình lớn, chẳng hạn như cải tạo, xây dựng lại nhà tập thể cũ, bên cạnh giấy phép xây dựng phải xin ý kiến của các bộ, ngành liên quan, và vì ngoài đê nên không được xây dựng tầng hầm.

Đó là những khó khăn khi đất đai “có khuôn, có sổ”, với những cảnh đời “không tấc đất cắm dùi” sống chênh vênh nơi bãi sông thì khó khăn lại càng nhân lên gấp bội. Xóm Phao thuộc địa bàn phường Ngọc Thụy, quận Long Biên là điển hình như thế. Trong căn nhà lụp xụp, Trưởng xóm Phao - ông Nguyễn Đăng Được (75 tuổi) đón tôi với bộ quần áo xộc xệch, chân tay lấm lem bùn đất. Ông “khoe”, sở dĩ có sự không chỉn chu ấy là bởi ông sống nơi bãi sông, lao động chân tay để sống và cũng là do quần áo ông được người ta cho. Dù cũ kỹ nhưng ông vẫn tự hào số quần áo ấy đã vài năm nay ông không phải bỏ tiền ra mua.

Ông Được kể, xóm hiện có 32 hộ với hơn 100 nhân khẩu sinh sống. Họ đến từ nhiều địa phương khác nhau như Thanh Hóa, Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên, Bắc Giang, Lạng Sơn. Vì cuộc sống nên họ phải xa quê, lên Hà Nội làm nhiều nghề để mưu sinh và sống trôi nổi, gắn bó với cái xóm nghèo trên sông này. Với thu nhập thấp đến thảm thương, họ không dám nghĩ đến chuyện thuê nhà để ở. Cuộc sống không điện, không nước sạch, không có hộ khẩu, sinh hoạt hàng ngày của 100 con người ở xóm Phao thiếu thốn, khó khăn đủ bề.

Nhắc đến quy hoạch hai bên bờ sông Hồng, lòng ông Được lại nóng như có lửa đốt. Theo lời ông Được, việc quy hoạch lại sông Hồng tạo không gian kiến trúc đô thị là điều vô cùng cần thiết để Thành phố có diện mạo mới và hiện đại. Người dân xóm Phao và những người sống dọc hai bờ sông Hồng dù cảm thấy băn khoăn trước nỗi lo về chỗ ở và sinh kế trong tương lai, nhưng tất thảy đều rất ủng hộ. Tuy vậy, nếu quy hoạch được triển khai thì phải di dời về đâu? đây vẫn là băn khoăn của các gia đình ở xóm Phao. Nhiều người bày tỏ và mong chờ Hà Nội có một quyết sách hợp tình, hợp lý và nhân văn. Bởi người ta vẫn thường bảo “méo mó có hơn không”, dù cuộc sống bây giờ gò bó, chật chội nhưng còn hơn là không có nơi tá túc...

Những hộ dân tạm cư như xóm Phao chỉ là một phần ít ỏi trong hàng vạn hộ dân trong vùng quy hoạch. Hơn hết, tất thảy đều có chung mong mỏi thành phố sớm có phương án giải quyết vướng mắc cho việc đầu tư, xây dựng ở khu vực này. Khi đã có quy hoạch cụ thể, các quận, huyện sẽ có căn cứ để lên kế hoạch hỗ trợ người dân.

Khát vọng thị thủy

Thực tế cho thấy, trong bức tranh tổng thể về không gian đô thị, trung tâm Thủ đô Hà Nội được định hướng phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, dòng sông Hồng như một điểm tựa để Thành phố phát triển cân bằng hai bên trong tương lai.

Sau hàng chục năm chờ đợi, quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng (dự kiến sẽ được nghiên cứu phê duyệt trong tháng 6) là đồ án cụ thể hoá quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Đây được xác định là trục không gian đặc trưng cây xanh, mặt nước, văn hoá lịch sử, cảnh quan chủ đạo của đô thị trung tâm, với các chức năng chính là công trình công cộng, các công viên cây xanh, văn hoá dịch vụ du lịch, giải trí, biểu tượng của Thủ đô, phục vụ các hoạt động lễ hội, du lịch.

Khát vọng thành phố bên sông
Hàng chục hộ dân nơi xóm Phao mong chờ nếu quy hoạch được thực thi thì Hà Nội sẽ có những chính sách di dân nhân văn, phù hợp, tạo điều kiện sinh kế. Ảnh: Giang Nam

Theo tìm hiểu, Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng bao phủ diện tích khoảng 11.000ha, kéo dài khoảng 40km từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở thuộc địa bàn của 55 phường, xã thuộc 13 quận, huyện của Hà Nội. Tinh thần chung của quy hoạch lần này là xây dựng theo nguyên tắc thuận thiên, lấy phòng chống lũ và chỉnh trị sông Hồng làm mục tiêu hàng đầu. Cũng trên cơ sở này, nhiều chuyên gia cho rằng, quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng đã được lập, có thể coi đây là một điểm tựa vững chắc để Thành phố bứt phá về kinh tế - xã hội, giải quyết dứt điểm bài toán dân sinh và mở ra một giai đoạn phát triển mới cho Thủ đô.

Về vấn đề này, Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng - Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, cần lưu tâm nhất khi lập quy hoạch sông Hồng là phải giải quyết được bài toán trị thủy, thoát lũ. Ngoài ra, cũng cần phải kiên định, lập quy hoạch để kiến tạo một đô thị xanh, đô thị bền vững phục vụ lợi ích cộng đồng chứ không phải lợi dụng quy hoạch để tạo ra những dự án kinh doanh bất động sản phục vụ cho một vài nhóm lợi ích…

Rõ ràng, những dự định tươi đẹp về một Thành phố hai bên bờ sông Hồng trong tương lai là ước vọng đã được nung nấu từ rất lâu. Hiện thực hóa bức tranh này, Hà Nội sẽ phát triển và đẹp đẽ hơn rất nhiều so với hiện tại. Tuy nhiên, ngược lại vấn đề cũng có thể thấy đây thực sự là thách thức không hề nhỏ trong thực hiện quy hoạch. Những thách thức ấy đòi hỏi chính quyền các cấp phải đổi mới cách làm, lấy sự sáng tạo làm mũi nhọn để tạo nên những đổi thay và giá trị cho hiện tại và cho mai sau./.

Giang Nam

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này