CSGT TPHCM không có quyền phạt người chưa đóng phí đường bộ xe máy

17:08 | 30/12/2014
Kỳ họp bất thường của HĐND TPHCM khóa VIII diễn ra vào ngày 30/12 đã quyết định thông qua 3 nghị quyết liên quan đến các vấn đề dân sinh. Trong đó có việc tổ chức thu phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện đối với xe mô tô trên địa bàn thành phố

Theo tờ trình của UBND TPHCM tại kỳ họp, mức thu đối với xe gắn máy có dung tích xi lanh dưới 100cc là 50.000 đồng/xe/năm, loại xe phân khối từ 100 đến 175cc thu 100.000 đồng/xe/năm và xe trên 175cc thu 150.000 đồng/xe/năm.

Đối tượng thu là mô tô 2 bánh, xe gắn máy (không kể xe máy điện) có đăng ký biển số tại TPHCM hoặc đăng ký biển số tại địa phương khác nhưng hoạt động và có nhu cầu kê khai, nộp phí tại thành phố. Trường hợp xe đăng ký tại TPHCM nhưng đã nộp phí tại địa phương khác thì không phải nộp phí (tương ứng với thời gian đã nộp) tại thành phố nữa. Khi đã được Hội đồng nhân dân (HĐND) thành phố thông qua, thời gian thu, nộp phí sẽ bắt đầu kể từ ngày 1/1/2015.

Việc tiến hành thu phí được giao cho UBND xã, phường, thị trấn. Các trường hợp không nộp phí sử dụng đường bộ sẽ bị xử phạt theo quy định tại điều 6 của Thông tư số 186/2013/TT-BTC. Theo đó, phạt cảnh cáo đối với hành vi không thực hiện đúng thông báo nộp tiền phí, lệ phí của cơ quan thuế; thời hạn nộp tiền phí, lệ phí. Phạt tiền từ 1 đến 3 lần số tiền phí, lệ phí gian lận, trốn nộp đối với hành vi gian lận, trốn nộp phí, lệ phí theo quy định. Mức phạt tối đa là 50 triệu đồng.

Lực lượng CSGT TPHCM không được xử phạt chủ phương tiện xe gắn máy
chưa đóng phi đường bộ mà chỉ nhắc nhở - ảnh Nam Anh

Ông Nguyễn Hữu Tín - Phó Chủ tịch UBND thành phố cho biết, theo quy định, thẩm quyền xử phạt thuộc UBND các cấp, cơ quan Thuế và Thanh tra Tài chính. Nhưng chính quyền thành phố kiến nghị cơ quan được giao thu phí là UBND phường, xã, thị trấn thực hiện luôn công tác kiểm tra việc chấp hành đóng phí sử dụng đường bộ đối với xe mô tô trên địa bàn. Ông Tín nhấn mạnh việc này được thực hiện tại các hộ dân. Lực lượng công an chỉ kết hợp nhắc nhở chủ phương tiện chấp hành kê khai, nộp phí khi làm thủ tục đăng ký mới, sang tên đổi chủ. Tương tự, khi tiến hành kiểm tra, xử phạt người điều khiển xe mô tô vi phạm giao thông, CSGT không có quyền xử phạt mà nhắc nhở.

Về quản lý và sử dụng phí, tỷ lệ để lại phục vụ công tác thu phí trong năm đầu tiên thực hiện cho các phường, thị trấn là 10% số phí thu được của quận để trang trải chi phí tổ chức thu theo quy định. Đối với các xã, tỷ lệ này là 20%. Số còn lại, trích một phần cho UBND quận, huyện chi cho công tác bảo trì hệ thống cầu đường bộ trên địa bàn. UBND thành phố sẽ quy định cụ thể về tỷ lệ số thu phí để lại của từng quận, huyện trong dự thảo quy chế quản lý, sử dụng, thanh toán, quyết toán của Quỹ bảo trì đường bộ của thành phố. Nhiều đại biểu kiến nghị nên cho các huyện ngoại thành giữ lại 100% số phí thu được để trang trải, đầu tư cho cơ sở hạ tầng giao thông của mình.

Phát biểu kết luận kỳ họp, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm - Chủ tịch HĐND thành phố yêu cầu trong quá trình thực hiện chủ trương trên, UBND các cấp cần quan tâm tổ chức hành thu phải bảo đảm hiệu quả, công bằng, minh bạch, khoa học, thuận lợi cho người dân trong việc nộp phí. Bảo đảm nguồn thu được đầu tư cho hệ thống hạ tầng giao thông tại các địa phương.

Nam Anh

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này