Tăng cường vai trò cơ sở trong kiểm soát nguy cơ rủi ro

21:07 | 13/05/2021
(LĐTĐ) Qua điều tra, nguyên nhân để xảy ra các vụ tai nạn lao động phần lớn vẫn nằm ở lỗi của người sử dụng lao động (chiếm tới 44,97%), như: Không huấn luyện an toàn lao động, hoặc huấn luyện an toàn lao động chưa đầy đủ cho người lao động; không trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân, hoặc phương tiện bảo vệ cá nhân không bảo đảm… Do đó, việc tăng cường đánh giá, kiểm soát nguy cơ, rủi ro an toàn vệ sinh lao động tại cơ sở được đặc biệt coi trọng, trong đó vai trò nòng cốt là sự tham gia của mạng lưới an toàn vệ sinh viên.
Tăng cường kiểm tra, giám sát các biện pháp phòng chống dịch bệnh tại nơi làm việc Còn nhiều “khoảng trống” về an toàn lao động Phải đặt an toàn lao động lên trên hết!

Vẫn còn lỗ hổng trong huấn luyện quy trình an toàn lao động

Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, số vụ tai nạn lao động, số người mắc bệnh nghề nghiệp, số sự cố nghiêm trọng vẫn còn ở mức cao và đáng lo ngại. Năm 2020, toàn quốc đã xảy ra 8.380 vụ tai nạn lao động, làm 8.610 người bị nạn, 966 người chết, tổng chi phí cho tai nạn lao động và thiệt hại tài sản trên 6.000 tỷ đồng và hơn 150 ngàn ngày công.

Đáng chú ý, tình hình tai nạn lao động trong khu vực có quan hệ lao động tăng, khu vực người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động giảm so với năm 2019 cả về số người chết và số vụ tai nạn lao động chết người.

Trong đó, trên toàn quốc, tại khu vực có quan hệ lao động, đã xảy ra 7.473 vụ tai nạn lao động làm 7.649 người bị nạn trong đó: Số người chết: 661 người; số vụ tai nạn lao động chết người: 629 vụ; số người bị thương nặng: 1.617 người…

Tăng cường vai trò cơ sở trong kiểm soát nguy cơ rủi ro
Không trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân là một trong những nguyên nhân dẫn đến tai nạn lao động.

Những địa phương có số người chết vì tai nạn lao động nhiều nhất trong năm 2020 bao gồm cả khu vực có quan hệ lao động và khu vực người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động gồm: Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hà Nội; các tỉnh: Đồng Nai, Quảng Ninh, Bình Dương, Hải Dương, Nghệ An.

Về nguyên nhân để xảy ra tai nạn lao động chết người, nguyên nhân chính vẫn là do người sử dụng lao động (chiếm tới 44,97%), cụ thể là: Người sử dụng lao động không huấn luyện an toàn lao động hoặc huấn luyện an toàn lao động chưa đầy đủ cho người lao động; thiết bị không đảm bảo an toàn lao động; do tổ chức lao động và điều kiện lao động; người sử dụng lao động không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn; người sử dụng lao động không trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân hoặc phương tiện bảo vệ cá nhân không bảo đảm.

Về phía người lao động, nguyên nhân do vi phạm quy trình quy chuẩn an toàn lao động chiếm 23,85% tổng số số vụ và 22,61% tổng số người chết. Còn lại 31,18% tổng số vụ tai nạn lao động với 33,04% tổng số người chết, xảy ra do các nguyên nhân khác.

Về bệnh nghề nghiệp, năm 2020, qua thăm khám, phát hiện 3.763 trường hợp bệnh nghề nghiệp, chiếm khoảng 1% số người được khám. Một số bệnh có tỷ lệ mắc cao là: Điếc, viêm phế quản mạn tính, bệnh bụi phổi than, và bụi phổi silic. Số lượng người được giám định bệnh nghề nghiệp còn quá ít 123 người/3.763 người.

Cũng qua khám sức khỏe cho thấy, tỷ lệ người lao động có sức khỏe tốt giảm, sức khỏe yếu tăng, cụ thể: Sức khỏe loại I và II chiếm tỷ lệ 67%, giảm 4% so với 2019; tỷ lệ sức khỏe loại II là 24%, tăng 3,5% so với 2019, loại yếu (IV và V) là 9%, tăng 0,5% so với năm 2019.

Nguyên nhân của tình trạng trên là do nhiều người sử dụng lao động chưa chú ý thực hiện quy định của pháp luật về quản lý, kiểm soát nguy cơ, rủi ro; nhiều người lao động chưa được huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động, thiếu kiến thức, kỹ năng làm việc an toàn đầy đủ và tác phong công nghiệp còn rất hạn chế, chủ quan. Công tác thông tin, tuyên truyền an toàn, vệ sinh lao động cho khu vực không có quan hệ lao động đang bị hạn chế nhiều về nguồn lực. Chính quyền cơ sở ở một số nơi cũng chưa thực sự quan tâm, dành nguồn lực cho công tác an toàn, vệ sinh lao động.

Phát huy vai trò nòng cốt của mạng lưới an toàn vệ sinh viên

Chương trình Quốc gia về An toàn vệ sinh lao động giai đoạn 2021-2025 xác định mục tiêu: Duy trì mục tiêu giảm 5% tần suất tai nạn lao động, tần suất tai nạn lao động chết người; bảo đảm 100% số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh có tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thực hiện báo cáo tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; 100% số vụ tai nạn lao động chết người được khai báo, điều tra, xử lý theo quy định pháp luật. Trong đó, ưu tiên các ngành, nghề có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp ở các lĩnh vực: Khai khoáng; sản xuất hóa chất, sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic; sản xuất kim loại và các sản phẩm từ kim loại; thi công công trình xây dựng; đóng và sửa chữa tàu biển; sản xuất, truyền tải và phân phối điện...

Nhằm tăng cường kiểm soát tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, năm 2021, Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động (1/5-31/5) được phát động với chủ đề “Tăng cường đánh giá, kiểm soát nguy cơ, rủi ro an toàn, vệ sinh lao động và sự tham gia của an toàn, vệ sinh viên”.

Trong bối cảnh nền kinh tế của Việt Nam đang gặp những khó khăn do dịch bệnh, những thách thức và nguy cơ trong công tác an toàn, vệ sinh lao động vẫn đang gia tăng hiện hữu, đòi hỏi các cấp chính quyền cần thực sự quan tâm thúc đẩy thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động tại địa phương, đặc biệt chính quyền cấp cơ sở, trong bố trí nguồn lực về nhân sự, tài chính cho triển khai công tác an toàn, vệ sinh lao động đối với khu vực không có quan hệ lao động.

Theo đó, người sử dụng lao động cần chú ý thực hiện việc cải thiện điều kiện lao động, quản lý, kiểm soát nguy cơ, rủi ro. Người lao động cần tích cực tìm hiểu và áp dụng các biện pháp cải thiện điều kiện lao động tại nơi làm việc trong doanh nghiệp, hộ gia đình; chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về an toàn vệ sinh lao động, chủ động và tăng cường sự tham gia của người lao động, đặc biệt là lực lượng an toàn, vệ sinh viên trong kiểm soát các nguy cơ, rủi ro mất an toàn vệ sinh lao động tại nơi làm việc, nhất là trong điều kiện thường xuyên phòng, chống dịch Covid-19.

Để Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động năm 2021 thực sự hiệu quả, thực chất, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chỉ đạo các cấp Công đoàn nâng cao hiệu quả phong trào quần chúng làm công tác an toàn vệ sinh lao động gắn với công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19; đẩy mạnh việc phát triển về số lượng, đồng thời nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của mạng lưới an toàn vệ sinh viên ở các cơ sở sản xuất; đồng thời khen thưởng kịp thời đoàn viên, người lao động có các sáng kiến, giải pháp cải tiến kỹ thuật, cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao năng suất lao động và bảo đảm an toàn vệ sinh lao động.

Bên cạnh đó, các hoạt động giám sát, phối hợp kiểm tra, thanh tra về an toàn vệ sinh lao động cũng được Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn lưu ý, yêu cầu các cấp Công đoàn tăng cường các hoạt động phối hợp giữa các sở, ban, ngành trong các hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát an toàn vệ sinh lao động, tập trung vào một số ngành, nghề, lĩnh vực có nguy cơ cao về mất an toàn vệ sinh lao động, như: Xây dựng, khai khoáng, hóa chất, điện, hàn cắt; việc sử dụng, kiểm định máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, đo kiểm môi trường lao động, công tác huấn luyện về an toàn vệ sinh lao động.../.

Bảo Duy

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này