Kiến nghị tịch thu phương tiện đối với lái xe say rượu: Băn khoăn về tính pháp lý

09:29 | 10/03/2015
Ủy ban ATGT quốc gia vừa đề xuất về việc tịch thu phương tiện giao thông cơ giới đường bộ nếu người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn trong máu cao. Việc áp dụng những chế tài nghiêm khắc nhằm tăng mức răn đe là cần thiết và phù hợp với nguyện vọng của người dân. Tuy nhiên, đề xuất này hiện đang gây nhiều tranh cãi.

Mục tiêu của Ủy ban ATGT quốc gia đưa ra chế tài mạnh nhằm răn đe, ngăn ngừa người dân vi phạm chứ không phải tịch thu xe hay bán đấu giá để sung vào công quỹ. Ủy ban ATGT muốn cảnh báo mức độ nghiêm trọng và hậu quả của hành vi lái xe khi say xỉn. Người lái xe khi say xỉn không chỉ bị xử phạt hành chính mà còn có nguy cơ đe dọa tới an toàn tính mạng bản thân và của người xung quanh…

Là người lái xe để phục vụ việc kinh doanh buôn bán mặt hàng bánh kẹo, anh Nguyễn Văn Tuấn (ở Hàng Bột, quận Đống Đa) chia sẻ: “Công việc của tôi thường xuyên phải tiếp khách hàng và đi liên tục nên việc uống bia, rượu là không thể tránh khỏi. Nếu nồng độ cồn vượt quá mức quy định nhưng bản thân người lái xe vẫn đủ tỉnh táo và cẩn thận hơn trong lúc tham gia giao thông thì có lẽ vẫn đảm bảo an toàn giao thông. Việc đề xuất tịch thu phương tiện theo tôi là quá nặng”. Còn theo anh Hoàng Khôi (ở Khương Thượng, lái xe taxi): “Kiến nghị tịch thu phương tiện đối với người lái xe say xỉn theo tôi là hơi nặng. Các cơ quan chức năng có thể nghiên cứu biện pháp khác như, thu giữ phương tiện trong thời gian dài hoặc tước bằng lái xe có thời hạn… để răn đe”.

An toàn giao thông sẽ cải thiện khi có chế tài nặng với chủ phương tiên?

60025

Ngoài những ý kiến cho rằng, việc tịch thu phương tiện đối với lái xe say rượu là nặng thì cũng rất nhiều người ủng hộ đề xuất của Ủy ban ATGT quốc gia. Ông Nguyễn Phú (ở Trung Tự, quận Đống Đa) cho biết: “Tai nạn giao thông ở nước ta ngày càng gia tăng. Rất nhiều vụ tai nạn đau lòng xuất phát từ việc người tham gia giao thông sử dụng bia, rượu. Tôi hoàn toàn ủng hộ kiến nghị của Ủy ban ATGT quốc gia. Với chế tài mới, trước khi tham gia giao thông, mọi người sẽ không dám uống bia, rượu và chắc chắn, an toàn giao thông sẽ được đảm bảo”. Anh Nguyễn Văn Quang (lái xe đường dài) cho rằng: Tôi thấy, tai nạn giao thông đã trở thành vấn nạn và nó có gì đó bất thường. Nếu muốn xử lý vấn nạn bất thường, có lẽ cũng phải cần đến một chế tài mạnh là tịch thu phương tiện như đề xuất của UB ATGT quốc gia.

Theo kiến nghị của Ủy ban ATGT Quốc gia với Chính phủ cho phép thực hiện một số quy định xử phạt vi phạm hành chính nhằm kéo giảm tai nạn giao thông và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, áp dụng từ ngày 15/3/2015: Người điều khiển ôtô mà trong máu có nồng độ cồn trên 80mg/100ml hoặc vượt quá 0,4mg/lít khí thở sẽ bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 24 tháng và tịch thu phương tiện… Đối với hành vi điều khiển xe máy trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn trên 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,4mg/lít khí thở sẽ bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 24 tháng và tịch thu phương tiện, phải thi lại nội dung về Luật GTĐB trước khi cấp lại giấy phép lái xe.

Theo luật sư Trịnh Khánh Toàn (VPLS Quốc Thái): “Đề xuất tịch thu phương tiện khi tài xế say rượu của Ủy ban ATGT Quốc gia là không khả thi. Phải xác định rằng đây là phạt hành vi của người điều khiển phương tiện giao thông, còn ô tô, xe máy chỉ là phương tiện. Nếu áp dụng điều 26 Luật Xử lý vi phạm hành chính để làm cơ sở pháp lý đề xuất tịch thu phương tiện khi tài xế say rượu là chưa đúng, sẽ dẫn đến xung đột pháp lý. Quyền sở hữu tài sản của cá nhân, tổ chức và chủ thể khác được pháp luật công nhận và bảo vệ. Theo dự thảo trình Chính phủ thì khả năng áp dụng biện pháp tịch thu phương tiện vi phạm về hành chính trong lĩnh vực giao thông chỉ áp dụng được cho trường hợp là chính chủ đứng tên tài sản, còn các trường hợp khác như cho thuê, cho mượn, ủy quyền sử dụng hợp pháp thì không thể tịch thu được. Theo tôi, để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về giao thông đường bộ, trong điều kiện đặc thù xã hội hiện nay thì việc đưa ra và áp dụng các chế tài nghiêm khắc là rất cần thiết. Tuy nhiên, bên cạnh các chế tài cần phải nâng cao hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và ý thức tự giác chấp hành pháp luật cho tất cả mọi người.”.

Còn theo luật sư Ngọc Anh (Đoàn luật sư TP Hà Nội): Trên thực tế, ô tô, xe máy là tài sản có giá trị và còn là công cụ kiếm sống của không ít gia đình. Nếu người chồng làm nghề lái xe ôm hay lái xe ô tô vì uống rượu mà bị tịch thu xe thì cuộc sống hàng ngày của gia đình chắc chắn bị ảnh hưởng. Thêm nữa, ô tô, xe máy, mặc dù đăng ký đứng tên một người, nhưng về pháp lý, là tài sản chung của cả vợ chồng, do đó việc tịch thu phần tài sản của người không vi phạm gì là không phù hợp với quy định của luật pháp. Việc xử lý tang vật và phương tiện có liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật phải thận trọng và phải dựa trên yếu tố lỗi. Quan điểm này đã được thể hiện rõ trong khoản 3 của điều 41 Bộ luật Hình sự (BLHS) đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định: “Vật, tiền thuộc tài sản của người khác, nếu người này có lỗi trong việc để cho người phạm tội sử dụng vào việc thực hiện tội phạm, thì có thể bị tịch thu, sung quỹ nhà nước”. Trong trường hợp chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản không có lỗi thì: “Đối với vật, tiền bị người phạm tội chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép, thì không tịch thu mà trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp” (khoản 2, điều 41 BLHS).

Trước những ý kiến trái chiều trong dư luận xã hội cũng như những băn khoăn về mặt pháp lý của những nhà nghiên cứu luật pháp, thiết nghĩ Bộ GTVT cần xem xét kỹ những đề xuất của Ủy ban ATGT quốc gia để có thể đưa ra chế tài khả thi, đủ sức răn đe nhưng tuân thủ đúng quy định của pháp luật.

Thu Trang

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này