Những cuộc chiến “thầm lặng” sau cánh cửa phòng mổ

08:56 | 13/05/2021
(LĐTĐ) Ít ai biết được rằng khâu gây mê, hồi sức quyết định rất lớn đến thành công của một ca phẫu thuật. Người làm công tác gây mê được ví như “linh hồn” của phòng mổ. Và không có một công thức chung nào, chỉ bằng tài năng và kinh nghiệm, bác sĩ gây mê giúp bệnh nhân có cuộc mổ êm dịu nhất.
Dưới ánh đèn phẫu thuật Đằng sau những cánh cửa phòng mổ

Thức canh cho bệnh nhân ngủ

Những cuộc chiến “thầm lặng” sau cánh cửa phòng mổ
PGS.TS Nguyễn Quang Bình - Phó Giám đốc, kiêm Trưởng khoa Gây mê Hồi sức Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương

Sau rất nhiều cuộc hẹn, chúng tôi mới có dịp gặp được PGS.TS.Thầy thuốc ưu tú Nguyễn Quang Bình, Phó Giám đốc, kiêm Trưởng khoa Gây mê Hồi sức (Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương) trong lịch công việc dày kín của mình. Mãi, ông mới có thể sắp xếp gặp chúng tôi vào một ngày làm việc tại Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương (số 40B, Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội). Đó là cuộc hẹn “gấp gáp” sau khi ông vừa trở về từ ca phẫu thuật kéo dài 5 giờ đồng hồ, cùng ê kíp của 4 bệnh viện tuyến đầu phẫu thuật cắt bỏ khối u khổng lồ, tái tạo lại vùng mặt, hàm cho bệnh nhân nữ 74 tuổi ở Hà Tĩnh. Trong cuộc phẫu thuật, PGS.TS Nguyễn Quang Bình là người chịu trách nhiệm chính trong khâu Gây mê hồi sức, hỗ trợ các bệnh viện khác hoàn thành ca phẫu thuật một cách an toàn nhất.

Trở về bệnh viện, vẫn miệt mài xem phác đồ điều trị cho các bệnh nhân nặng, xong việc ông mới thở phào, cởi áo blouse và cười hiền mời chúng tôi lên phòng làm việc. Chia sẻ về ca phẫu thuật vừa thực hiện, PGS.TS Nguyễn Quang Bình cho biết, những ca phẫu thuật phức tạp như thế này, tại Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương đã từng thực hiện rất nhiều lần. Thậm chí, ông từng đóng vai trò chỉ huy gây mê trong cuộc phẫu thuật kéo dài đến 18 tiếng đồng hồ; phẫu thuật cho người già trên 90 tuổi; trẻ em mới 21 ngày tuổi… căng thẳng “đấu trí” để giành giật sự sống cho người bệnh.

Sau thành công của mỗi cuộc phẫu thuật, ông lại có một cảm xúc rất riêng. Vị bác sĩ thường tự thưởng cho mình bằng 30 phút ngồi ở góc phố quen với chén trà xanh, thư thái nhìn ngắm cuộc đời. “Vậy là lại thêm một ngày, một bệnh nhân nữa được cứu sống khỏi tay “tử thần”. Tối đó, khi trở về nhà, tôi thực sự thanh thản, hạnh phúc. Hơn lúc nào, tôi cảm nhận sự tồn tại của mình trong cuộc đời thật có ý nghĩa”, PGS.TS Nguyễn Quang Bình chia sẻ và nở một nụ cười rạng rỡ.

Vốn bén duyên với nghề từ khi còn trong quân đội, đến nay, PGS.TS Nguyễn Quang Bình là một trong những chuyên gia hàng đầu trong ngành Gây mê hồi sức ở Việt Nam. Ông chia sẻ, trên thực tế, Gây mê hồi sức là một khâu đóng vai trò quan trọng trong thành công của một ca mổ. Các bác sĩ Gây mê hồi sức luôn theo dõi và tham gia suốt quá trình phẫu thuật, sát cánh cùng phẫu thuật viên cứu sống bệnh nhân. Họ cũng chính là những người hậu cần sắp đặt tốt nhất cho bệnh nhân để ê kíp tiến hành phẫu thuật an toàn. Bất kỳ khi nào “có biến” trong phòng mổ, họ cũng luôn ở tuyến đầu. Không có công thức chung nào cho tất cả mọi người, chỉ biết sai một ly đi một… đời người.

Những cuộc chiến “thầm lặng” sau cánh cửa phòng mổ
. PGS.TS Nguyễn Quang Bình - Phó Giám đốc bệnh viện, kiêm Trưởng khoa Gây mê Hồi sức (bên trái) trong khi thực hiện một ca phẫu thuật

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Quang Bình, gây mê và hồi sức là 2 lĩnh vực nhưng luôn đi liền với nhau. Sau mỗi ca mổ thành công, bác sĩ gây mê cùng các đồng nghiệp còn phải tính toán hồi sức, chăm sóc cho những bệnh nhân sau mổ, đưa họ trở về với cuộc sống bình thường. Mặc dù, đóng vai trò vô cùng quan trọng trong mỗi ca phẫu thuật, thế nhưng những bác sĩ gây mê hồi sức lại thường bị lãng quên. Bệnh nhân thoát khỏi cửa tử thường chỉ nhớ đến bác sĩ phẫu thuật chính, bác sĩ điều trị mà chưa từng biết đến những cống hiến của những người làm công tác gây mê hồi sức.

Khi được hỏi có vì điều đó mà buồn không, ông nở một nụ cười: “Trên một con tàu để vươn khơi “thuận buồm, xuôi gió” luôn có người lái chính và người lái phụ. Và bất cứ vị trí nào cũng đều đáng quý như nhau. Đặc biệt với người thầy thuốc dù họ là ai, làm gì thì niềm vui lớn nhất chỉ là được chứng kiến những bệnh nhân của mình khỏi bệnh, xuất viện trở về với cuộc sống bình thường mà không có biến chứng nào”.

“Truyền lửa” cho thế hệ trẻ

Những năm qua, trên cương vị vừa là Phó Giám đốc Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương và 15 năm làm Trưởng khoa Gây mê Hồi sức, PGS.TS Nguyễn Quang Bình chưa từng để xảy ra một sự cố nào cho bệnh nhân dù mổ theo chương trình hay cấp cứu. Có nhiều ca mổ cấp cứu tưởng chừng như sự sống của người bệnh không còn nữa nhưng với sự quyết tâm và cố gắng, các bác sĩ gây mê hồi sức cùng với bác sĩ các chuyên khoa khác đã kịp thời cứu sống được nhiều ca bệnh trong tình trạng nguy kịch.

Để có được những thành công đó, ông luôn nhắc nhở cán bộ, nhân viên của mình cần trau dồi nâng cao kiến thức, phải có đạo đức, kỷ cương trách nhiệm trong công việc. Đặc biệt những năm gần đây, thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, ông là người đi đầu, thường xuyên nhắc nhở cán bộ, nhân viên phải thấm nhuần tư tưởng của Bác và học Bác từ những điều giản dị nhất. Phòng làm việc của bác sĩ Bình tại bệnh viện không rộng nhưng khá gọn gàng và đẹp mắt bởi sự bài trí công phu với ảnh Bác Hồ treo tên tường, chiếc tủ với nhiều đầu sách, báo, tạp chí, tài liệu được xếp ngăn nắp, gọn gàng. Ý nghĩa về bức ảnh Bác Hồ treo trên tường được ông giải thích một cách đặc biệt: Điếu thuốc đang cháy trên tay Bác như một cách truyền lửa, truyền ý chí, nguyện vọng, đam mê cho người đối diện.

Những năm qua, với vai trò là Chủ tịch Công đoàn Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương PGS.TS Nguyễn Quang Bình cũng luôn quan tâm đến đời sống của cán bộ, nhân viên. Ông đã có nhiều thay đổi sáng tạo trong các hoạt động nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho cán bộ nhân viên trong bệnh viện như: Tổ chức các hội thi tiểu phẩm về quy tắc ứng xử, phong trào nữ công gia chánh, phong trào văn hóa văn nghệ, thành lập đoàn văn nghệ của bệnh viện, của khoa… để tái tạo sức lao động cho cán bộ nhân viên nhằm phục vụ người bệnh tốt hơn.

Những năm qua, với vai trò là Chủ tịch Công đoàn Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương PGS.TS Nguyễn Quang Bình cũng luôn quan tâm đến đời sống của cán bộ, nhân viên. Ông đã có nhiều thay đổi sáng tạo trong các hoạt động nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho cán bộ nhân viên trong bệnh viện như: Tổ chức các hội thi tiểu phẩm về quy tắc ứng xử, phong trào nữ công gia chánh, phong trào văn hóa văn nghệ, thành lập đoàn văn nghệ của bệnh viện, của khoa… để tái tạo sức lao động cho cán bộ nhân viên nhằm phục vụ người bệnh tốt hơn.

Sau quá trình làm việc, cống hiến lâu dài tại Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương, PGS.TS Nguyễn Quang Bình cho biết, điều ông cảm thấy tự hào nhất là đã góp công sức cùng tập thể bệnh viện đưa cán bộ, nhân viên lên một tầm cao mới về tri thức; đồng thời, có thái độ tự hào, trân trọng với nghề; yêu thương, trách nhiệm, tận tâm với bệnh nhân. Để truyền đạt tình yêu nghề cho các cán bộ, nhân viên của bệnh viện, ông thường xuyên nhắc tới sự cao đẹp của nghề y bằng những câu chuyện giản dị nhưng sâu sắc. Ví dụ, đối với nhân viên trong khoa, nhận thấy bác sĩ gây mê hồi sức là người luôn phải chịu những áp lực thường xuyên, do vậy, ông luôn chia sẻ với những người học trò của mình, phải luôn trau dồi bản lĩnh “Đứng trước khó khăn không dối, phải bình tĩnh, sáng suốt xử lý các tình huống sẽ cứu được rất nhiều người”, bác sĩ Bình nói.

Trong các cuộc họp, sinh hoạt chuyên môn ông nhiều lần nhắc nhở với nhân viên về hình ảnh cao đẹp của người thầy thuốc. Mong muốn các y, bác sĩ luôn trau dồi kiến thức chuyên môn, làm sao để người dân được hưởng thụ dịch vụ y tế tốt nhất. Ông cũng là người luôn say sưa nghiên cứu khoa học, có những cách làm hay, sáng tạo trong công tác chuyên môn, có đóng góp lớn cho sự phát triển của bệnh viện cũng như sự phát triển của ngành gây mê hồi sức ở Việt Nam nói riêng.

Những năm qua, nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân, khoa Gây mê hồi sức Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương đã và đang triển khai nhiều phương pháp khoa học, tiến bộ như: Gây mê vô cảm trong điều trị ngoại trú điều trị răng trẻ em; gây mê hạ huyết áp chỉ huy trong răng hàm mặt, trong phẫu thuật chỉnh hình xương; gây mê vi phẫu thuật kéo dài; gây mê cho trẻ nhỏ tuổi nhất 21 ngày tuổi; gây mê người già trên 90 tuổi; gây mê đối với bệnh nhân có những bệnh lý khác khau như gây mê đặt nội khí quản khó trong răng hàm mặt; gây mê phẫu thuật u lớn; giảm đau và hồi phục lớn sau phẫu thuật; an thần tỉnh trong can thiệp nha khoa...

31 năm gắn bó với nghề, trải qua nhiều áp lực, vất vả của nghề y nhưng PGS.TS Nguyễn Quang Bình luôn giữ được sự nhiệt huyết, tận tâm, yêu nghề. Những cống hiến của ông thật đáng trân trọng, không chỉ là một bác sĩ giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, giàu về y đức mà còn là một người lãnh đạo, một tấm gương sáng cho những lớp trẻ tiếp bước, noi gương./.

Kim Tiến

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này