Phòng chống cháy nổ tại nhà ở kết hợp kinh doanh:

Cần sự chung tay của người dân và cơ quan quản lý

08:50 | 13/05/2021
(LĐTĐ) Thời gian gần đây trên địa bàn Hà Nội liên tiếp xảy ra các vụ cháy gây hậu quả thương tâm. Những thiệt hại lớn về người và của trong các vụ cháy đang gióng lên hồi chuông báo động về nguy cơ cháy nổ tại mô hình nhà ở kết hợp kinh doanh. Để sớm khắc phục tình trạng trên, thiết nghĩ cần có sự chung tay, phát huy trách nhiệm từ cả người dân và cơ quan quản lý...
Cách phòng và xử lý cháy nổ do bị chập điện Hà Nội: Bốn người cùng phòng trọ tử vong sau khi hoá vàng

Nguy cơ cao về cháy nổ

Với tốc độ đô thị hóa nhanh, quỹ đất ngày càng thu hẹp, những năm gần đây nhà ống dường như là lựa chọn hàng đầu của nhiều gia đình tại Hà Nội. Khảo sát thực tế tại nhiều địa phương cho thấy, ở bất kỳ đường phố nào, nhất là khu vực nội thành, cũng có thể bắt gặp loại hình nhà ở có kiến trúc theo dạng ống. Theo số liệu thống kê của Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy, Công an thành phố Hà Nội, hiện toàn Thành phố có khoảng 500.000 nhà ống phố đang thiếu lối thoát hiểm, có nguy cơ cao về cháy, nổ.

Cần sự chung tay của người dân và cơ quan quản lý
Công an quận Ba Đình tập huấn phòng cháy chữa cháy cho người dân.(Ảnh chụp thời điểm chưa xảy ra dịch Covid-19) Ảnh: Lê Thắm

Đối với dạng kiến trúc nhà ống, khi xảy ra cháy nổ, khói, khí độc rất dễ lan nhanh theo trục đứng lên các tầng trên. Thêm vào đó, do lo ngại bị trộm cắp đột nhập nên khi xây dựng nhà, người dân thường thi công kín; trên tầng tum, sân thượng rào bằng song sắt (còn gọi là “chuồng cọp”') nên không có lối thoát hiểm. Với nhà được thiết kế như vậy, lực lượng cứu nạn, cứu hộ khó tiếp cận để ứng cứu dù vị trí ở mặt đường lớn. Đáng lưu ý, trong khoảng 500.000 nhà ống nói trên, có tới hơn 120.000 nhà vừa là nơi ở, vừa kinh doanh, khiến nguy cơ cháy, nổ cao hơn rất nhiều. Đơn cử như vụ cháy xảy ra vào ngày 4/4, tại ngôi nhà số 311 phố Tôn Đức Thắng (phường Hàng Bột, quận Đống Đa, Hà Nội) khiến 4 người trong gia đình cùng thiệt mạng.

Theo cơ quan chức năng, gia đình nạn nhân sinh sống và kinh doanh đồ sơ sinh (bỉm, sữa...) cho trẻ em, các mặt hàng bày bán được xếp trên các kệ tủ hàng đặt ở tầng 1 của nôi nhà. Các tầng 2, tầng 3 và tầng tum dùng làm nơi chứa hàng hóa kinh doanh và sinh hoạt của gia đình. Sau khi phát hiện khói bốc lên tủ nhà, người dân xung quanh đã hô hoán và gọi điện đến Trung tâm báo cháy của Công an Thành phố. Ngay khi tiếp nhận tin báo, Công an quận Đống Đa đã điều nhiều xe chữa cháy cùng hàng chục cán bộ cảnh sát tới hiện trường tổ chức dập lửa và cứu nạn. Tuy nhiên, do ngôi nhà xảy ra vụ cháy là loại nhà hình ống, cao 3 tầng, 1 tum, có mái lợp tôn hàn sắt và chỉ có một lối ra vào duy nhất là cửa chính nên lực lượng chức năng phải mất rất nhiều thời gian mới tiếp cận được hiện trường và tìm kiếm nạn nhân.

Trên thực tế, không chỉ riêng gia đình số 311 Tôn Đức Thắng, hiện nay trên địa bàn thành phố có rất nhiều gia đình lựa chọn loại hình nhà ở kết hợp kinh doanh. Ông Trần Trọng Thủy, Tổ phó Tổ dân phố số 11, khu dân cư số 10, phường Hàng Bột cho biết, chỉ tính riêng tổ dân phố số 11 có 256 hộ gia đình thì đã có tới 70 hộ mặt phố kinh doanh và cho thuê. Gia đình ông cũng là một hộ gia đình có nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh. Trong nhà, các bình chữa cháy cầm tay được bố trí dọc theo cầu thang bộ và các phòng, tầng nào cũng có lối thoát hiểm. Thế nhưng, không giống nhà ông Thủy, theo khảo sát của phóng viên rất nhiều hộ gia đình kinh doanh cạnh đó ra tỏ không quan tâm tới việc phòng chống cháy nổ tại gia đình mình. Thậm chí nhiều người còn cho rằng việc này là không cần thiết.

Nâng cao trách nhiệm của các bên liên quan

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, phân cấp rõ các cơ sở thuộc diện quản lý, đáp ứng nhu cầu quản lý địa bàn về phòng cháy, chữa cháy, thời gian qua Công an thành phố Hà nội đã tiến hành bàn giao các cơ sở này về cho các cấp xã, phường quản lý. Cụ thể, tính đến tháng 4/2021, Công an 30 quận, huyện, thị xã đã thực hiện xong việc bàn giao gần 86.000 cơ sở cho Uỷ ban nhân dân phường, xã, thị trấn quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy theo Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020 của Chính phủ. Thực tế sau hơn 1 tháng các cơ sở được bàn giao, Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố Hà Nội đã nhanh chóng triển khai công tác quản lý phòng cháy, chữa cháy theo thẩm quyền.

Ông Bùi Đăng Tuấn, Phó Trưởng Công an quận Bắc Từ Liêm cho biết: Danh mục cơ sở được bàn giao cho Uỷ ban nhân dân phường, xã, thị trấn quản lý bao gồm 17 loại nhà, công trình, cơ sở. Trong đó có một số loại hình cơ sở có nguy cơ cao về cháy nổ như nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh hàng hóa, chất dễ cháy; cửa hàng kinh doanh chất lỏng dễ cháy, khí đốt; trung tâm thương mại, siêu thị, nhà hàng, cửa hàng ăn uống…

Việc này nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, phân cấp rõ các cơ sở thuộc diện quản lý, đáp ứng nhu cầu quản lý địa bàn về phòng cháy, chữa cháy. Các loại hình cơ sở được bàn giao phù hợp với yêu cầu thực tiễn bởi Uỷ ban nhân dân nhiều phường, xã, thị trấn nắm rõ địa bàn hơn ai hết nên việc quản lý các cơ sở này sẽ có nhiều thuận lợi.

“Đến nay, Công an quận Bắc Từ Liêm đã bàn giao 212 cơ sở cho Uỷ ban nhân dân 13 phường trên địa bàn quận. Đồng thời Công an quận cũng phối hợp với Ủy ban nhân dân phường tổ chức nhiều buổi tuyên truyền, huấn luyện nghiệp vụ về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho các cơ sở thuộc danh mục quản lý; đồng thời tuyên truyền công tác phòng cháy, chữa cháy đến từng khu dân cư thông qua các bí thư chi bộ, tổ trưởng tổ dân phố và hệ thống loa phóng thanh trên địa bàn. Nhờ đó, số vụ cháy nổ trên địa bàn giảm mạnh”- ông Tuấn cho biết.

Không chỉ riêng Bắc Từ Liêm, Trung tá Nguyễn Minh Thành, Phó trưởng Công an quận Đống Đa cũng thông tin: Qua điều tra cơ bản, trên địa bàn quận có 1.152 cơ sở thuộc diện quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy. Trong đó, có 882 cơ sở thuộc danh mục các cơ sở do Công an quận quản lý và 270 cơ sở được bàn giao cho Ủy ban nhân nhân dân 21 phường quản lý. Ngay sau khi bàn giao về phường, Công an quận đã nhanh chóng lên kế hoạch tổ chức nhiều buổi tập huấn phòng cháy chữa cháy.

Có thể nói sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng là việc làm rất cần thiết, tuy nhiên, cùng với đó người dân, chủ cơ sở có nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh cũng cần nâng cao trách nhiệm trong phòng ngừa cháy, nổ. Đại tá Nguyễn Trường Sơn, Phó Trưởng Công an quận Cầu Giấy nhấn mạnh, người dân cần trang bị kiến thức, cách chữa cháy đối với hộ gia đình; dụng cụ, phương tiện phòng cháy, chữa cháy cơ bản. Với nhà ống, bên cạnh việc gia cố lồng sắt để phòng trộm, các hộ dân cần tạo cửa thoát hiểm có khóa; thường xuyên kiểm tra ổ khóa; chìa khóa để ở nơi quy ước. Với các hộ liền kề có thể tự thành lập tổ liên gia chữa cháy để ứng cứu nhau khi có hỏa hoạn... Có như vậy mới hạn chế tối đa được thiệt hại khi cháy nổ xảy ra./.

Lê Thắm

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này