Có ảnh hưởng quyền lợi của thí sinh?

11:09 | 07/01/2014
LĐTĐ - Bộ GD-ĐT vừa công bố dự thảo điều chỉnh phương án thi và công nhận tốt nghiệp THPT và cho biết có thể triển khai ngay trong kỳ thi tốt nghiệp 2014. Tuy nhiên, dư luận và các chuyên gia giáo dục băn khoăn: Sự thay đổi đột ngột này có ảnh hưởng đến quyền lợi của học sinh lớp 12 năm nay hay không?

Ngoại ngữ sẽ là môn thi tự chọn

Bộ GD-ĐT đề xuất dự thảo hai phương án thi gồm:  Phương án 1 là thi 4 môn gồm 2 môn thi bắt buộc (Toán và Ngữ văn) và 2 môn do thí sinh tự chọn (trong các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý và Lịch sử). Học sinh có thể đăng ký thi môn Ngoại ngữ (theo chương trình 7 năm hiện hành) để được cộng điểm khuyến khích vào điểm xét tốt nghiệp. Phương án này theo Bộ GD- ĐT có ưu điểm là giảm áp lực cho HS, đảm bảo đánh giá môn ngoại ngữ thực chất hơn.

Phương án 2 là thi 5 môn gồm 3 môn thi bắt buộc (Toán, Ngữ Văn và Ngoại ngữ) và 2 môn do thí sinh tự chọn (trong số các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý và Lịch sử). Với phương án này, bắt buộc HS phải học ngoại ngữ.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, trong 2 phương án trên thì Bộ GD-ĐT đang thiên về phương án 1. Bởi “mong muốn đổi mới giáo dục, trong đó có đổi mới cách thi cử, đánh giá học sinh. Thay đổi này được áp dụng trong kỳ thi tốt nghiệp THPT trong những năm sắp tới, trước khi áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới. Đây chỉ là những thay đổi mang tính kỹ thuật. Cũng chưa phải là phương án cuối cùng”.

PGS Văn Như Cương – Hiệu trưởng Trường THPT dân lập Lương Thế Vinh (Hà Nội) đề xuất “Theo tôi nên đưa môn Ngoại ngữ vào nhóm các môn tự chọn. Những thí sinh đạt điểm như quy định trên thì cộng điểm khuyến khích. Với cách làm này chúng ta vẫn chỉ cần tổ chức thi 2 ngày và loại bớt những em không đủ năng lực ngoại ngữ nhưng vẫn cố thi để “cầu may” kiếm điểm khuyến khích” . Thế nhưng, với thời gian chỉ có 5 tháng để Bộ  GD- ĐT lấy ý kiến và triển khai ngay trong mùa thi 2014, theo dư luận  đánh giá là quá vội vàng, đột ngột. Song quan điểm của Bộ GD- ĐT là nội dung thi vẫn nằm trong chuẩn kiến thức kỹ năng lớp 12, chỉ có phương án lựa chọn môn thi là khác.

20% học sinh khá giỏi được miễn thi

Theo dự thảo, ngoài các đối tượng được miễn thi theo quy chế hiện hành (người học khiếm thị; người học lớp 12 được tham gia kỳ thi chọn đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế, khu vực các môn văn hóa và được tuyển chọn tham gia các cuộc thi quốc tế hoặc khu vực về thể dục thể thao, văn hóa nghệ thuật), những thí sinh (HS giáo dục THPT và học viên giáo dục thường xuyên) có kết quả học tập, rèn luyện tốt sẽ được miễn thi  và được xếp loại tốt nghiệp dựa theo điểm trung bình cả năm lớp 12. Đồng thời, việc xét miễn thi tốt nghiệp dự kiến được Bộ phân cấp cho Sở GD-ĐT và hiệu trưởng các trường THPT.

Bên cạnh đó, ngay trong kì thi đầu tiên, tỷ lệ miễn thi chung cho mỗi Sở GD-ĐT, Cục Nhà trường – Bộ Quốc phòng tối đa là 20%. Tỷ lệ này có thể được xem xét điều chỉnh trong các năm sau.  Lý giải về việc lựa chọn con số miễn thi ở mức 20%, Thứ trưởng Bộ GD- ĐT  Nguyễn Vinh Hiển cho hay: “Cơ sở để đưa ra tính toán này là để bảo đảm miễn thi cho số học sinh khá giỏi. Kinh nghiệm các năm trước hơn 20% học sinh khá giỏi, vì thế lấy 20% để bảo đảm chặt chẽ. Miễn thi để các em không phải thi bởi các em này thi chắc chắn là đỗ, chúng ta tiết kiệm được 20% phòng thi”.

Ngoài ra, theo Bộ GD-ĐT, điểm xét tốt nghiệp được xác định bằng: (Điểm trung bình các bài thi + điểm trung bình cả năm lớp 12)/2 +Tổng điểm khuyến khích (nếu có)/số bài thi. Điểm xếp loại thì không tính tổng điểm khuyến khích (nếu có)/bài thi. Với cách xét tốt nghiệp như vậy thì điểm trung bình cả năm lớp 12 sẽ quyết định 50%.

Tuy nhiên, điều này không khiến dư luận băn khoăn là liệu có phát sinh tiêu cực  trong việc “làm đẹp” học bạ?  Bởi trước kia việc hủy bỏ quy định tuyển học sinh tốt nghiệp THPT loại giỏi tuyển thẳng vào ĐH, CĐ đã là một lời cảnh báo khi có hiện tượng “làm đẹp” học bạ. Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển thẳng thắn nhìn nhận: “Cách làm trước đây là Bộ giao chuẩn rồi ai đạt được chuẩn thì được miễn nên người ta cố gắng bằng cách này cách khác để đạt chuẩn đó. Ở đây chúng ta xác định việc kiểm tra, đánh giá là trách nhiệm của cơ sở, trách nhiệm của HS, giáo viên. Chúng ta đưa lại cái này để giáo viên, HS tăng cường giám sát lẫn nhau, tăng giám sát của hội đồng giáo dục, phụ huynh HS”.

Về vấn đề này, TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, cho rằng:  “Bộ GD-ĐT đã có lộ trình bỏ kỳ thi tuyển sinh CĐ - ĐH theo hình thức “3 chung” thì cũng cần phải có một kỳ thi tốt nghiệp để các trường ĐH lấy đó làm căn cứ xét tuyển. Đó là chưa kể miễn thi có thể gây tiêu cực trong quá trình xét duyệt. Để giảm áp lực cũng như giảm tiêu cực, nên giao cho các trường THPT xét công nhận tốt nghiệp. Gắn trách nhiệm của hiệu trưởng vào nhiệm vụ này. Nếu hiệu trưởng làm sai thì xử lý nghiêm và tôi chắc chắn khi giao cho các trường thì tỷ lệ đỗ tốt nghiệp sẽ thấp hơn con số 97-98% khi mà Bộ GD-ĐT đứng ra tổ chức”.
Còn theo PGS Văn Như Cương, việc thành lập hội đồng xét miễn thi của trường để xét miễn thi theo phương án được phê duyệt nhưng liệu có đảm bảo khách quan? Trong khi chúng ta đã từng chứng kiến vụ việc tiêu cực mang tính tập thể ở Đồi Ngô (Bắc Giang).

H. Thành

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này