Tập trung phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế

10:31 | 11/05/2021
Theo kế hoạch, từ nay đến hết năm 2021, toàn ngành Bảo hiểm xã hội cần phát triển thêm 956.127 người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; 624.416 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện... Những chỉ tiêu này thực sự là thách thức đối với ngành Bảo hiểm xã hội trong điều kiện tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, đòi hỏi toàn ngành phải nỗ lực, sáng tạo, vừa đảm bảo phòng chống dịch, vừa đảm bảo mục tiêu an sinh xã hội.
Năm 2019, BHXH: Ưu tiên tập trung phát triển đối tượng tham gia Ngành Bảo hiểm xã hội: Tập trung phát triển đối tượng tham gia
Tập trung phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế
Tuyên truyền, phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế góp phần đảm bảo an sinh xã hội.

Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài đã tiếp tục tác động, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, việc làm của người lao động, do đó, gây khó khăn cho việc triển khai thực hiện nhiệm vụ của ngành trong những tháng đầu năm 2021, đặc biệt là công tác phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Tính đến ngày 6/5, số người tham gia bảo hiểm xã hội cả nước đạt trên 16 triệu người (đạt 32,17% lực lượng lao động trong độ tuổi); trong đó, gần 15 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, giảm trên 81.000 người so với cuối năm 2020; trên 1,1 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, giảm trên 16.000 người so với hết năm 2020. Toàn quốc có trên 87 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, đạt tỷ lệ bao phủ 89,44% dân số; giảm 220.000 người so với cuối năm 2020.

Theo kế hoạch đề ra của cả năm, các tháng còn lại của năm 2021, toàn ngành cần phát triển thêm 956.127 người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; 624.416 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện; 980.264 người tham gia bảo hiểm thất nghiệp và 2.627.864 người tham gia bảo hiểm y tế.

Đáng chú ý, số người đề nghị hưởng bảo hiểm xã hội một lần vẫn có chiều hướng gia tăng. Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tính đến hết tháng 4/2021, toàn quốc giải quyết cho 365.940 người hưởng trợ cấp một lần, tăng 70.534 người so với cùng kỳ năm trước.

Số người hưởng chế độ một lần tăng do tác động, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên nhiều người lao động mất việc làm, thu nhập bấp bênh, đời sống khó khăn chủ yếu vào những tháng đầu năm 2020, đến nay đã đủ điều kiện để giải quyết hưởng chế độ một lần theo quy định.

Tại Hội nghị giao ban cơ quan tháng 5/2021, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh nhận định, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, bên cạnh đảm bảo quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo đúng quy định, toàn ngành còn phải theo dõi sát tình hình thực tế để có đề xuất, tạo điều kiện tối đa hỗ trợ người dân trong việc thụ hưởng quyền lợi, nhất là khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Theo đó, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam yêu cầu các đơn vị trong ngành tiếp tục đổi mới tư duy, cách thức trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ, thay đổi tư duy nhận thức của cán bộ ngành Bảo hiểm xã hội trong việc tuyên truyền, vận động thuyết phục người dân tham gia bảo hiểm xã hội, góp phần chung tay đảm bảo an sinh xã hội cho nhân dân, đặc biệt đối với những nhóm người yếu thế.

Đối với Bảo hiểm xã hội các địa phương, lãnh đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề nghị tiếp tục đôn đốc, tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố chỉ đạo Uỷ ban nhân dân cấp quận, huyện nhanh chóng thành lập các Ban Chỉ đạo về phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, thành lập các Ban Chỉ đạo đến cấp xã. Giám đốc Bảo hiểm xã hội địa phương trực tiếp chỉ đạo quận, huyện tiếp tục rà soát nhằm xây dựng kho dữ liệu về đối tượng chưa tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Tại thành phố Hà Nội, để hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế năm 2021, đặc biệt là công tác phát triển đối tượng, Giám đốc Bảo hiểm xã hội Thành phố Nguyễn Đức Hòa yêu cầu Bảo hiểm xã hội các quận, huyện, thị xã tập trung đánh giá kết quả rà soát dữ liệu do Cục Thuế cung cấp; đồng thời tham mưu cho Ủy ban nhân dân huyện ban hành văn bản chỉ đạo yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp tham gia bảo hiểm xã hội đầy đủ cho người lao động theo kết quả đã rà soát.

Đối với các trường hợp thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc nhưng đơn vị cố tình không tham gia bảo hiểm xã hội cho người lao động, đề nghị chuyển cơ quan Công an điều tra xử lý theo quy định. Riêng về phát triển đối tượng bảo hiểm xã hội tự nguyện, các đơn vị rà soát lại các nhóm đối tượng, phân tích nguồn khai thác đối tượng, tập trung vào nhóm có tiềm năng như: Lao động tự do có phát sinh thu nhập trong các hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, các làng nghề…/.

Bảo Duy

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này