Đổi mới GD-ĐT bắt đầu từ con người

10:39 | 09/01/2014
LĐTĐ - Bộ trưởng Bộ GD- ĐT Phạm Vũ Luận đã chia sẻ với báo chí về những điều chưa thể một lúc giải quyết ngay được trong ngành giáo dục và tiến trình đổi mới GD- ĐT trong năm mới 2014…

- Năm 2014 sẽ là bước khởi đầu quan trọng trong cả quá trình đổi mới. Vậy Bộ trưởng hình dung như thế nào về công việc triển khai trong năm nay?

- Trong năm 2014, những công việc mà chúng tôi đang triển khai sẽ được đẩy mạnh, tăng tốc. Thứ nhất , phải tăng tốc thiết kế xây dựng Chương trình - sách giáo khoa (CT-SGK) phổ thông để sớm triển khai thí điểm. Biên soạn CT-SGK ngành giáo dục cũng đã làm lâu nay. Việc tổng kết trong nước đã làm từ 3-4 năm nay, tìm hiểu kinh nghiệm thế giới từ 2 năm nay và vẫn đang tiếp tục. Thứ hai là cấu trúc lại các cơ sở đào tạo giáo viên. Hiện chúng tôi đã lựa chọn 6 trường sư phạm lớn của đất nước làm đầu tàu, động lực để triển khai việc này. Chúng tôi cũng xác định những mảng việc được ưu tiên giữa đào tạo mới và đào tạo lại thì ưu tiên chú trọng đào tạo lại đối với lực lượng giáo viên hiện có; giữa đào tạo và bồi dưỡng thì chú trọng bồi dưỡng. Bắt đầu sẽ làm ở những trường trọng điểm, sau đó lan sang toàn hệ thống. Đồng thời với đó, sẽ quy hoạch lại các cơ sở đào tạo sư phạm trên phạm vi cả nước. Ở đây sẽ có sự cấu trúc lại tổ chức của các nhà trường sư phạm, mô hình đào tạo, thay đổi theo CT-SGK phổ thông, phương pháp dạy và học…

- Như vậy, các rất nhiều việc phải làm để thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Song trước hết ngành sẽ bắt đầu từ đâu, thưa Bộ trưởng?

- Câu hỏi này cũng đã có người hỏi tôi, ngành giáo dục sẽ bắt đầu từ đâu? Câu trả lời của tôi là sẽ bắt đầu từ con người, từ nhận thức, bắt đầu từ đội ngũ giáo viên và tất nhiên là cả học sinh nữa. Nhưng tựu trung là phải bắt đầu từ đội ngũ giáo viên trước.
 
- Bộ trưởng đã nói thay đổi phải bắt đầu từ con người. Vậy ngoài yêu cầu đội ngũ giáo viên phải đáp ứng yêu cầu đổi mới, liệu lương giáo viên có được điều chỉnh tương ứng với nỗ lực của họ?

- Lương cho giáo viên là vấn đề đã được đặt ra từ Nghị quyết TƯ 2 khóa 8, đã có khẳng định tương tự như lần này rằng lương giáo viên được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm chế độ phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng do Chính phủ quy định, nhưng chưa làm được. Có nhiều lý do cả khách quan và chủ quan. Tôi không có điều kiện để hiểu hết tất cả những gì của các giai đoạn trước nhưng tôi biết để giải quyết tiền lương cho giáo viên thì liên quan đến nhiều người khác, nhiều ngành khác, không thể giải quyết biệt lập cho ngành giáo dục được. Nguồn lực kinh tế của đất nước cũng còn nhỏ bé, chưa cho phép giải quyết một cách triệt để nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề tiền lương nói chung, lương giáo viên nói riêng. Lần này Nghị quyết TƯ 8 khóa XI khẳng định một lần nữa về vấn đề này để nêu lại quyết tâm làm.

Về phía ngành giáo dục, ngoài lương chúng tôi rất quan tâm đến các vấn đề khác như phụ cấp nghề nghiệp, phụ cấp thâm niên, phụ cấp với cán bộ quản lý giáo dục, các chế độ dành cho giáo viên miền núi, GS-PGS-TS đến 60 tuổi có thể làm thêm, cơ sở vật chất làm việc cho các GS-PGS ở các nhà trường…

- Thời điểm này doanh nghiệp đã lên kế hoạch thưởng tết cho cán bộ, với giáo viên thì sao, thưa Bộ trưởng?

- Lo thưởng tết cho giáo viên là vấn đề đặt ra ở các trường ĐH-CĐ, còn ở các địa phương thì tùy theo hoàn cảnh, điều kiện của mình để quan tâm nhất định đến đội ngũ thầy cô giáo phổ thông. Còn trên phạm vi toàn ngành, không ai được phép dùng ngân sách để thưởng tết. Đây là một thực tế. Tôi cũng không muốn nói sâu về việc này vì bản thân tôi  không có giải pháp cho việc này.

- Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Ấn tượng sau một chuyến công tác

Chuyến đi vào vùng lũ quét ở Bản Khoang, Lào Cai để lại trong tôi ấn tượng sâu sắc. Một cô giáo bị đá đè lên người ở đó cho đến khi dòng nước đẩy trôi hòn đá đi, lúc đó cô đang mang thai 7 tháng, cứ tưởng thiệt mạng vì hông bị loét vết rất lớn, tay chân bị bầm dập. Rất may là vùng bụng không bị sao, sau này cháu bé được sinh ra hoàn toàn khỏe mạnh. Tôi thực sự xúc động và gửi thư, gửi quà chúc mừng. Cuộc sống thật kỳ diệu, sự sống thật mãnh liệt, trong cái chết cận kề thì mầm sống vẫn vươn lên, điều đó khiến tôi rất ấn tượng. Tôi rất mong báo chí có nhiều chuyến đi lên vùng sâu vùng xa, vì ở đó là nơi có rất nhiều điểm sáng về đổi mới giáo dục. Tới đó, chúng ta sẽ thấy thêm về hình ảnh giáo dục của Việt Nam chúng ta.

Bảo Anh

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này