Nâng cấp hạ tầng phòng, chống thiên tai

17:58 | 06/05/2021
(LĐTĐ) Nhận định Hà Nội có đủ nguồn lực, cũng như hiểu biết về các mô hình công nghệ của thế giới đang áp dụng trong phòng, chống thiên tai, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền cho biết thời gian tới, Thành phố sẽ giao chỉ đạo các sở ngành nghiên cứu, thí điểm áp dụng kỹ thuật hiện đại vào nâng cấp hạ tầng phòng, chống thiên tai.
Quận Hai Bà Trưng: Đẩy mạnh công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều

Mới đây, tại hội nghị tổng kết công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, trong năm vừa qua, Hà Nội chịu ảnh hưởng trực tiếp của 3 cơn bão. Các cơn bão đã gây mưa lớn diện rộng. Đặc biệt, cơn bão số 4 làm ngập nhiều tuyến phố khu vực nội đô từ 0,2 – 0,4m; gây ngập trắng và ngập sâu 1.513ha lúa, hoa màu. Mưa lớn cũng gây nên một số sự cố đê điều, thuỷ lợi tại các huyện: Thanh Trì, Ba Vì, Đông Anh, Mỹ Đức và thị xã Sơn Tây.

Nâng cấp hạ tầng phòng, chống thiên tai
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền trao tặng Bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2020.

Cùng với mưa bão, Hà Nội còn chịu ảnh hưởng của 27 đợt không khí lạnh; 11 đợt nắng nóng. Trong đó, hai đợt nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt xảy ra vào các giai đoạn từ 20 – 21/5 và 18 – 24/6 với nhiệt độ nhiều thời điểm lên tới 41 độ C, ảnh hưởng lớn đến đời sống và sản xuất của người dân.

Nhìn chung trong năm 2020, công tác ứng phó thiên tai đã được Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội quan tâm, chỉ đạo sát sao. Nhờ đó, thiệt hại đối với Hà Nội đã được giảm thiểu tối đa. Tuy nhiên, cũng theo đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hà Nội, diễn biến thiên tai hiện nay đang ngày một cực đoan, thất thường. Chính vì vậy, các sở ngành, địa phương cần tập trung cao độ, tránh tâm lý chủ quan trong phòng, chống thiên tai.

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền – Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Hà Nội cho biết trước diễn biến khó lường của thiên tai hiện nay, việc tổ chức hội nghị là rất cần thiết mặc dù tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp . “Nếu không có sự chỉ đạo sát sao, ứng phó chủ động thì hậu quả do thiên tai gây ra có thể sẽ rất nặng nề”, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh.

Về nhiệm vụ trong năm 2021, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố đề nghị các sở ngành, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã tập trung rà soát, kiện toàn Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp; phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên. Tổ chức đánh giá, tổng kết công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2020 bảo đảm xong trước ngày 31/5/2021.

Trong hai tháng tới, các địa phương cần khẩn trương tổ chức kiểm tra, đánh giá chất lượng, an toàn đê điều, hồ, đập. Chủ động bố trí nguồn vốn để tu sửa, nâng cấp hệ thống phòng chống thiên tai. Chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện theo phương châm 4 tại chỗ xong trước ngày 30/6/2021 để sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống thiên tai.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cũng đề nghị các sở ngành, địa phương duy trì nghiêm chế độ thường trực 24/24h. Theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, sự điều hành của Trung ương và Thành phố. Tăng cường quán triệt quy định Nhà nước, phổ biến, nâng cao nhận thức của cộng đồng đối với công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Từ thực tiễn đòi hỏi đặt ra đối với công tác phòng chống thiên tai hiện nay, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết Hà Nội sẽ có nghiên cứu, đánh giá toàn diện và có kế hoạch đầu tư, nâng cấp bài bản hệ thống hạ tầng phòng chống thiên tai. Trong đó, chú trọng đưa công nghệ vào xử lý các vấn đề về đê điều, hồ đập, bảo đảm hai yếu tố hiệu quả và bền vững.

“Hà Nội có đủ nguồn lực, cũng như hiểu biết về các mô hình công nghệ của thế giới đang áp dụng trong phòng chống thiên tai. Thời gian tới, Thành phố sẽ giao các sở, ngành nghiên cứu, thí điểm áp dụng vào thực tiễn tại Hà Nội để đánh giá, nhân rộng”, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền khẳng định.

P. Ngân

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này