Tìm đầu ra cho sản phẩm OCOP và làng nghề

08:06 | 30/04/2021
(LĐTĐ) Thủ đô Hà Nội có 1.350 làng nghề và làng có nghề, hội tụ 47 nghề trong tổng số 52 nghề truyền thống cả nước. Cùng đó Thành phố cũng dẫn đầu cả nước về số lượng sản phẩm OCOP với 1.054 sản phẩm được cấp giấy chứng nhận OCOP. Dù có các sản phẩm đã được chứng nhận về chất lượng, thế nhưng, nhiều làng nghề và các địa phương vẫn đang băn khoăn với việc tìm đầu ra cho các sản phẩm.
Kết nối giao thương các sản phẩm làng nghề, thủ công mỹ nghệ và sản phẩm OCOP Phát triển sản phẩm OCOP phải dựa trên thế mạnh của các địa phương

Gặp khó trong việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ

Được biết đến là địa phương có thế mạnh về các sản phẩm OCOP cũng như phát triển các làng nghề truyền thống, những năm qua, đời sống nhân dân huyện Thạch Thất đã có sự đổi thay tích cực, thu nhập ngày càng được nâng cao, đời sống người dân ngày càng ổn định.

Tìm đầu ra cho sản phẩm OCOP và làng nghề
Đa dạng sản phẩm nông nghiệp huyện Mê Linh tham gia đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP huyện Mê Linh. Ảnh: Lương Hằng

Theo ông Nguyễn Kim Loan, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thạch Thất, trong 10 năm từ năm 2010- 2020 tốc độ tăng trưởng bình quân của huyện đạt 14,92%. Các chỉ tiêu đều đạt và vượt mức Thành phố giao, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, hệ thống chính trị ở cơ sở tiếp tục được củng cố tăng cường, dân chủ cơ sở ngày càng được phát huy. Năm 2020, thu nhập bình quân đầu người đạt 70 triệu đồng/ năm, tăng 56,9 triệu đồng so với năm 2010.

“Đối với Chương trình mỗi xã một sản phẩm, đến hết năm 2020, huyện Thạch Thất có 122 sản phẩm OCOP (chiếm 11,6% tổng số sản phẩm OCOP của Thành phố). Trong 122 sản phẩm của huyện Thạch Thất được đánh giá xếp hạng, có 104 sản phẩm đạt 4 sao, 18 sản phẩm đạt 3 sao của 15 hộ sản xuất kinh doanh và 2 hợp tác xã nông nghiệp. Huyện Thạch Thất phấn đấu đến hết năm 2025 tiếp tục nâng hạng các sản phẩm đã được đánh giá và có thêm 150 sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng. Dù có nhiều sản phẩm OCOP chất lượng, thế nhưng việc tiêu thụ sản phẩm của các hợp tác xã, các chủ thể OCOP vẫn còn gặp nhiều khó khăn”- ông Loan cho biết.

Cùng chung băn khoăn với lãnh đạo huyện Thạch Thất, ông Lê Văn Trang, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Mỹ Đức trăn trở, dù đã được chứng nhận chất lượng và được bày bán tại một số siêu thị, thế nhưng người tiêu dùng vẫn chưa mấy mặn mà với sản phẩm OCOP. Do chưa tìm được thị trường tiêu thụ sản phẩm sản phẩm nên các chủ thể OCOP khó có thể mở rộng quy mô sản xuất và nâng cao giá trị sản phẩm.

Là một trong những cơ sở kinh doanh dịch vụ tổng hợp tại huyện Thạch Thất, bà Nguyễn Thị Thành, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Dị Nậu cũng chia sẻ những khó khăn mà đơn vị đang gặp phải. Theo bà Thành, mỗi năm Hợp tác xã nông nghiệp Dị Nậu có doanh thu đạt 647 tỷ đồng. Trong đó, giá trị sản phẩm của tiểu thủ công nghiệp chiếm cơ cấu kinh tế trên 70%. Bên cạnh các sản phẩm về tiểu thủ công nghiệp, Hợp tác xã cũng có nhiều sản phẩm đưa ra thị trường như rau an toàn, gạo nếp, đu đủ…Tuy nhiên đến nay, giá trị nông nghiệp của Hợp tác xã nói chung còn rất thấp.

Dù nhiều địa phương gặp khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm, thế nhưng, trên thực tế, rất nhiều các doanh nghiệp bán lẻ vẫn đang trong hành trình đi tìm sản phẩm chất lượng tốt để kết nối tiêu thụ. Theo ông Đỗ Hoàng Thạch, Giám đốc Công ty cổ phần xúc tiến thương mại nông nghiệp Việt Nam: “Hiện nay, Công ty đang tổ chức kết nối sản phẩm qua hệ thống kết nối kênh tiêu thụ tới trường học, bếp ăn công nghiệp, các sàn thương mại điện tử, khu trưng bày giới thiệu sản phẩm,… do đó công ty rất cần các sản phẩm đạt chuẩn để đưa vào hệ thống này”. Ông Thạch bày tỏ mong muốn sẽ có cơ hội liên kết với các chủ thể có sản phẩm OCOP cũng như các doanh nghiệp phân phối, từ đó liên kết tạo giá trị, đưa sản phẩm OCOP, các sản phẩm làng nghề truyền thống đến gần hơn với người tiêu dùng.

Thực tế trên cho thấy, việc tiêu thụ sản phẩm OCOP và sản phẩm làng nghề của thành phố Hà Nội đang gặp khá nhiều khó khăn. Để các sản phẩm OCOP có được chỗ đứng trên thị trường cần có sự liên kết chặt chẽ của các chủ thể OCOP cũng như các doanh nghiệp phân phối.

Nhiều biện pháp được gợi mở

Những năm qua, vấn đề kết nối giao thương các sản phẩm làng nghề, thủ công mỹ nghệ và sản phẩm OCOP luôn được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương cùng các địa phương đặc biệt quan tâm. Thông qua việc kết nối giao thương, các hợp tác xã, doanh nghiệp cũng như các chủ thể OCOP sẽ có cơ hội mở rộng thị trường tiêu thụ, không bó hẹp thị trường tại một địa phương cố định.

Tại Hội thảo “Kết nối giao thương các sản phẩm làng nghề, thủ công mỹ nghệ và sản phẩm OCOP thành phố Hà Nội” vừa qua, lãnh đạo các Sở, ban, ngành cũng như lãnh đạo các địa phương, chủ thể sản xuất đã cùng nhau trao đổi về những giải pháp thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP; các sản phẩm làng nghề trên thị trường.

Đề xuất tại Hội thảo, ông Nguyễn Kim Loan, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thạch Thất cho rằng cần đẩy mạnh xúc tiến tiêu thụ các sản phẩm thông qua một số phương pháp như quảng bá, giới thiệu, đẩy mạnh xúc tiến giáo thương. Thông qua các hoạt động trên sẽ giúp người dân nhận diện thương hiệu và tin dùng sản phẩm, đồng thời, đẩy mạnh cơ hội hợp tác, sản xuất kinh doanh giữa các chủ thể, nâng cao giá trị và hướng tới xây dựng nông thôn mới bền vững.

Còn theo bà Trần Thị Phương Lan, quyền Giám đốc Sở Công Thương cho biết, muốn phát triển sản phẩm OCOP bền vững là bài toán không hề đơn giản. Về phía các chủ thể OCOP được công nhận phải duy trì chất lượng sản phẩm như thời gian chấm ban đầu. Cùng đó, các hợp tác xã cũng như các làng nghề phải nghiên cứu tìm hiểu thị trường để gắn kết giữa sản xuất nông nghiệp, sản xuất tiểu thủ công nghiệp làng nghề gắn với nhu cầu của thị trường để tránh sản xuất các sản phẩm dư cung và không phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng.

Về phía cơ quan quản lý nhà nước, Sở Công thương sẽ đứng vai trò là “bà đỡ” để hỗ trợ, xúc tiến đầu ra sản phẩm cho các sản phẩm OCOP và làng nghề. Cụ thể là bằng các chương trình xúc tiến thương mại; hội chợ; triển lãm;hội nghị hội thảo kết nối giao thương trong nước và ngoài nước. Cùng đó, Nhà nước sẽ hỗ trợ cho các chủ thể, hợp tác xã, làng nghề xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu tập thể, các chỉ dẫn địa lý để tiến tới bảo hộ nhãn hiệu thương hiệu.

“Thành phố cũng có chương trình ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số hỗ trợ cho các doanh nghiệp và các chủ thể triển khai chương trình thương mại điện tử trên địa bàn thành phố, từ đó tiến tới phát triển kênh thương mại điện tử song song với kênh bán truyền thống. Năm nay thành phố Hà Nội dự kiến sẽ phát triển 60 điểm bán sản phẩm OCOP trên địa bàn thành phố, từ đó tạo đầu ra cho các sản phẩm cho các chủ thể”- bà Phương Lan chia sẻ thêm.

Nói về giải pháp thúc đẩy đầu ra cho các sản phẩm, bà Nguyễn Thị Mai Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội khẳng định: “Chúng tôi có thể hỗ trợ để giúp chủ thể và các hợp tác xã tiếp cận các hệ thống phân phối hiện đại. Tuy nhiên việc này phải đi từ 2 phía, các chủ thể phải đạt được tiêu chí của nhà phân phối. Cùng đó, trong thời gian tới Trung tâm sẽ tổ chức các chương trình kỹ năng xúc tiến thương mại, công nghệ số, giao thương cho các chủ thể để giúp chủ thể OCOP tiêu thụ sản phẩm tốt trong thời gian tới”./.

Lương Hằng

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này