“Bảo vật Quốc gia” húc đổ cổng dinh Độc Lập

07:46 | 30/04/2021
(LĐTĐ) Trong chiến tranh chống Mỹ, 2 chiếc xe tăng T-54B số hiệu 843 và T-59 số hiệu 390 thuộc biên chế Lữ đoàn Tăng thiết giáp 203, Quân đoàn 2, được coi là “Bảo vật Quốc gia”. Sáng 30/4/1975, 2 xe tăng lần lượt húc đổ cổng phụ và cổng chính, tiến vào cắm cờ giải phóng trên nóc Dinh Độc Lập. Cũng như xe tăng T-59 số hiệu 390, xe tăng T-54B số hiệu 843 đóng vai trò quan trọng trong thời khắc lịch sử quyết định của chiến dịch Hồ Chí Minh.
Gặp pháo thủ số 1 xe tăng húc đổ cổng Dinh Độc Lập

Theo tư liệu lịch sử để lại, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 của quân và dân ta bắt đầu từ ngày 4/3/1975. Trải qua hơn 1 tháng phát triển mạnh mẽ, nhất là qua 2 đòn tiến công chiến lược Tây Nguyên và Trị - Thiên, Đà Nẵng, ta đã giành được những thắng lợi cực kỳ to lớn, tạo điều kiện thuận lợi cho chiến dịch quyết chiến chiến lược giải phóng Sài Gòn - Gia Định, tiến lên giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Trước khi nổ súng công kích Sài Gòn, mở màn Chiến dịch Hồ Chí Minh, quân ta đã tổ chức các đợt chiến đấu tạo thế có hiệu quả, hình thành được thế trận bao vây, áp sát Sài Gòn từ nhiều hướng. Toàn bộ lực lượng tiến công Sài Gòn đã sẵn sàng.

“Bảo vật Quốc gia” húc đổ cổng dinh Độc Lập
Xe tăng 843 và xe tăng 390 lần lượt húc đổ cổng phụ và cổng chính (hướng chính diện), tiến vào Dinh Độc Lập. Ảnh tư liệu Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam

5h30 ngày 30/4, quân ta từ 5 hướng đồng loạt tổng tiến công vào nội đô. Đội hình thọc sâu của Quân đoàn 3 tiến đánh và làm chủ sân bay Tân Sơn Nhất. Sư đoàn 312 (Quân đoàn 1) phối hợp với lực lượng vũ trang địa phương tiêu diệt căn cứ Phú Lợi, giải phóng thị xã Bình Dương. Sư đoàn 320B (Quân đoàn 1) đánh chiếm Lái Thiêu, sau đó vượt cầu Bình Triệu tiến đánh Bộ Tổng tham mưu ngụy. Đoàn 232 tiến theo đường số 9, chiếm Bộ Tư lệnh Biệt khu Thủ đô. Hai trung đoàn 24 và 28 bộ binh phối hợp với Trung đoàn 429 đặc công đánh chiếm Tổng nha cảnh sát, Bộ Tư lệnh Hải quân, kho xăng Nhà Bè.

Đội hình thọc sâu của Quân đoàn 4 giải phóng thị xã Biên Hòa, tiêu diệt và làm chủ Bộ Chỉ huy Thủy quân lục chiến, Bộ Quốc phòng, cảng Bạch Đằng, Đài phát thanh. Đội hình thọc sâu của Quân đoàn 2 có Trung đoàn 116 phối hợp, vượt cầu xa lộ trên sông Đồng Nai tiến nhanh về hướng Dinh Độc Lập…

Trước tình thế thất bại không thể cứu vãn nổi của quân ngụy, Tổng thống Dương Văn Minh xin ngừng bắn để “thảo luận về việc bàn giao chính quyền”. Đây là thủ đoạn hòng ngăn chặn bước tiến và làm giảm ý nghĩa thắng lợi của ta. Không chấp nhận thương lượng, quân và dân ta được lệnh “tiếp tục tiến công vào Sài Gòn theo kế hoạch, tiến công với khí thế hùng mạnh nhất, giải phóng và chiếm lĩnh toàn bộ thành phố, tước vũ khí quân đội địch, giải tán chính quyền các cấp của địch, đập tan triệt để mọi sự chống cự của chúng”.

Chấp hành mệnh lệnh của Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương, trên tất cả các hướng, các binh đoàn đột kích thọc sâu của ta tiếp tục đánh địch trong hành tiến phát triển vào nội đô.

“Bảo vật Quốc gia” húc đổ cổng dinh Độc Lập
Xe tăng T-54B mang số hiệu 843 trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Ảnh: H.D

Trên hướng tiến công của Quân đoàn 2, sau khi tràn qua cầu Sài Gòn, lực lượng đột kích thọc sâu của Lữ đoàn xe tăng 203 chia thành hai mũi theo đại lộ Thống Nhất và đại lộ Hồng Thập Tự tiến về dinh Tổng thống chính quyền Sài Gòn. Xe tăng T-54B mang số hiệu 843 thuộc Đại đội 4, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn Tăng thiết giáp 203, Quân đoàn 2, do Đại đội trưởng Bùi Quang Thận làm Trưởng xe luôn luôn dẫn đầu, kíp xe gồm Thái Bá Minh - Pháo thủ số 1, Nguyễn Văn Kỷ - Pháo thủ số 2, Lữ Văn Hỏa - lái xe.

Tiếp sau là xe tăng số hiệu 390 do Chính trị viên Vũ Đăng Toàn chỉ huy; kíp xe gồm Ngô Sĩ Nguyên - Pháo thủ số 1, Lê Văn Phượng - Đại đội phó kỹ thuật (thay thế Pháo thủ số 2 Đỗ Cao Trường bị thương phải ở lại tuyến sau), Nguyễn Văn Tập - lái xe. Trên đường đến dinh Độc Lập, xe tăng 843 đã bắn cháy 3 xe tăng và bọc thép của địch; 11h ngày 30/4/1975, xe tăng đã húc vào cổng phụ của Dinh Độc Lập, sau đó bị chết máy. Xe tăng 390 đi sau lập tức xông lên húc đổ cánh cổng chính. Đại đội trưởng Bùi Quang Thận nhảy ra khỏi xe và chạy lên nóc Dinh Độc Lập cắm lá cờ Mặt trận dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.

Đây là sự kiện đánh dấu giờ phút thiêng liêng của dân tộc, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước…

Xe tăng số hiệu 843 là hiện vật có ý nghĩa tuyền truyền, giáo dục sâu sắc truyền thống cách mạng đối với các tầng lớp nhân dân và khách quốc tế, là vật chứng xác thực ghi dấu chiến công to lớn của quân và dân ta trong chiến dịch Hồ Chí Minh, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 lịch sử./.

Xe tăng T-54B số hiệu 843 thuộc Đại đội 4, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn Tăng Thiết giáp 203, Quân đoàn 2 đã tham gia giải phóng Huế, Đà Nẵng, sau đó tiếp tục hành quân tham gia giải phóng các tỉnh ven biển miền Trung và thẳng tiến về Sài Gòn với tinh thần “thần tốc và quyết thắng”. Từ ngày 26 - 29/4/1975, xe tăng 843 đã tham gia chiến đấu đập tan tuyến phòng thủ của địch ở căn cứ Nước Trong. Ngày 30/4/1975 xe tăng này đã dẫn đầu đội hình vào Sài gòn, trên đường đến Dinh Độc Lập đã bắn cháy 3 xe tăng và bọc thép của địch, 11h ngày 30/4/1975, xe tăng này húc vào cổng phụ của Dinh Độc Lập, bị chết máy, đồng chí Đại đội trưởng Đại đội 4 Bùi Quang Thận, chỉ huy xe tăng 843, nhảy ra khỏi xe và cắm lá cờ lên nóc Dinh Độc Lập.

Đây là sự kiện đánh dấu giờ phút thiêng liêng của dân tộc, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh xe tăng 843 luôn dẫn đầu đội hình binh đoàn, phá vỡ các tuyến ngăn chặn của địch góp phần cùng quân và dân ta giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

H.Duy

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này