Làng nghề Hà Nội phát huy thế mạnh kinh tế hộ gia đình trong dịch Covid-19

15:22 | 25/04/2021
(LĐTĐ) Trong các làng nghề ở Hà Nội, tổ chức sản xuất kinh doanh chủ yếu là các hộ gia đình, chỉ có một số rất ít doanh nghiệp và hợp tác xã. Hộ kinh doanh làng nghề xuất hiện từ những gia đình sản xuất các sản phẩm thủ công tồn tại từ hàng trăm năm nay trong nông thôn, từng bước hình thành các làng nghề cho đến ngày nay.
Bảo tồn giá trị văn hóa làng nghề qua chuỗi hoạt động “Chuyện của gốm” Kết nối giao thương các sản phẩm làng nghề, thủ công mỹ nghệ và sản phẩm OCOP Liên đoàn Lao động huyện Sóc Sơn: Sôi nổi các hoạt động trong Tháng Công nhân

Phát huy mô hình kinh tế nhỏ

Những năm qua, cùng với quá trình phát triển kinh tế của đất nước, các hộ kinh doanh đã dần dần trở thành một loại hình tổ chức sản xuất kinh doanh phổ biến. Gần đây nhất, Nghị định số 01/2021/NĐ-CP ngày 4/1/2021 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp đã có riêng Chương VIII về hộ kinh doanh, quy định những chính sách tạo thuận lợi mới cho hộ kinh doanh, trong đó có các hộ kinh doanh trong làng nghề.

Trong số này, các hộ kinh doanh làng nghề giữ một vị trí rất có ý nghĩa, không chỉ về kinh tế - xã hội, mà trước hết, đó là vì các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của làng là những sản phẩm có giá trị cao, vừa là hàng hoá, vừa là sản phẩm văn hoá, nghệ thuật, mang bản sắc văn hoá của quốc gia, từng vùng lãnh thổ, thậm chí mang bản sắc của mỗi nghệ nhân. Đã có những sản phẩm thủ công được công nhận là di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, một số được công nhận là báu vật quốc gia.

Làng nghề Hà Nội phát huy thế mạnh kinh tế hộ gia đình trong dịch Covid-19
Sản phẩm từ các hộ kinh doanh làng nghề giữ một vị trí quan trọng về kinh tế, văn hóa, du lịch của Thủ đô

Là một hộ gia đình trực tiếp sản xuất và kinh doanh gốm lại Làng gốm Bát Tràng, anh Trần Văn Thành cho biết, hai năm qua ảnh hưởng của dịch Covid-19, sản phẩm làng nghề bán ra tuy không bằng trước kia, nhưng việc sản xuất không hề bị ngưng trệ, bởi gia đình anh cũng như nhiều gia đình ở làng gốm vẫn có thể sản xuất tại xưởng riêng. Sản phẩm làm ra có thể bày bán ở cửa hàng của gia đình và gửi đi những địa chỉ đặt hàng qua điện thoại, qua mạng.

“Dịch Covid-19 khiến các làng nghề truyền thống phải gánh chịu những tác động tiêu cực. Vượt lên khó khăn, nhiều cơ sở sản xuất đã chủ động tiếp cận khách hàng thông qua các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội… Cơ sở của gia đình chúng tôi cũng vậy, chúng tôi bắt đầu tăng cường thâm nhập các mạng xã hội và thương mại điện tử để bán hàng của mình. Tôi cho rằng, dịch bệnh không làm giảm quá nhiều nhu cầu của người tiêu dùng, chỉ là họ hạn chế đi lại, vì thế chúng tôi tập trung bán hàng online”, anh Thành cho biết.

Cũng như anh Thành, chị Lê Thị Vinh (Làng nghề mây tre đan Phú Vinh) cho rằng, Covid-19 đã và đang có tác động lớn đến với các doanh nghiệp có vốn đầu tư lớn bởi họ phải thuê nhân công, thuê quản lý, sản xuất theo dây chuyền… cho nên khi dịch đến, nhiều doanh nghiệp không đảm bảo được dây chuyền sản xuất này dẫn đến tan rã. Còn các hộ sản xuất gia đình lại khác, những hộ nhỏ vẫn có thể “đóng cửa” để sản xuất mà không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi dịch bệnh.

Chị Vinh cũng khẳng định, lượng khách hàng giảm đi do dịch Covid-19 là có thật, nhưng hình thức bán hàng online cũng mở ra những cơ hội mới cho các hộ gia đình trước kia từng làm “sân sau” cho các doanh nghiệp lớn thu mua, nay có thể tự bán sản phẩm của mình tăng thêm thu nhập.

Ngày nay, tiềm năng của hộ kinh doanh là rất lớn. Với quy mô nhỏ và vừa, thậm chí siêu nhỏ, vốn liếng ít, kinh doanh đủ mọi ngành nghề, quản lý đơn giản, dễ thích ứng với mọi hoàn cảnh, các hộ kinh doanh là nơi thu hút, tạo việc làm, thu nhập cho đông đảo lao động, kể cả người khuyết tật. Những năm qua, mỗi khi nền kinh tế ở thành phố có biến động (như tác động của dịch Covid-19), thì nông thôn sẵn sàng là nơi tiếp nhận. Có thể nói, nếu nông nghiệp, nông thôn là “bệ đỡ”, thì hộ kinh doanh chính là “thanh giảm sốc” cho nền kinh tế, nơi “trú ẩn” an toàn cho người lao động.

Đóng góp cho nền kinh tế du lịch

Theo ông Lưu Duy Dần – Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, hiện nay, Hà Nội là nơi nhiều làng nghề nhất trong cả nước, tuy nhiên chủ yếu là những hộ sản xuất nhỏ, không phải là các công ty có quy mô lớn, chính vì vậy, sự ảnh hưởng của Covid-19 tác động không quá lớn đến quá trình sản xuất kinh doanh của các hộ gia đình làng nghề.

"Mô hình sản xuất nhỏ đặc thù này sẽ tránh được những nguy cơ ngừng hoạt động do dịch Covid-19 mà vẫn có thể đảm bảo về mặt sức khỏe cho các cá nhân trong cùng hộ, ngăn chặn được những nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh", ông Lưu Duy Dần nói.

Làng nghề Hà Nội phát huy thế mạnh kinh tế hộ gia đình trong dịch Covid-19
Theo ông Lưu Duy Dần - Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam: Cần phát huy lợi thế hộ gia đình sản xuất kinh doanh ở làng nghề truyền thống trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19.

Cũng theo ông Dần, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 thì rất cần phát huy lợi thế hộ gia đình sản xuất kinh doanh ở làng nghề truyền thống. Trong sản phẩm mang tính tập thể không thể thiếu sản phẩm của hộ sản xuất nhỏ lẻ, nhưng vẫn có sự hiện đại về màu sắc, về kiểu dáng, chất lượng và sự đa dạng hóa. Qua đó, đòi hỏi các nhà khoa học, văn hóa, các nhà quản lý, kinh tế có sự quan nhất định với tâm mô hình sản xuất hộ gia đình làng nghề. Bởi những đặc thù trên, dù là những cơ sở sản xuất nhỏ bé, nhưng họ vẫn làm ra sản phẩm, đóng góp cho kinh tế, du lịch.

Nhằm nâng cao giá trị sản xuất và thu nhập của người dân ở vùng nông thôn, thời gian qua, việc phát triển nông nghiệp, làng nghề gắn với du lịch được thành phố Hà Nội được coi là một trong những hướng đi phát triển kinh tế mới và bước đầu đã đem lại nhiều kết quả tích cực. Thành phố được mệnh danh là “Đất trăm nghề” với rất nhiều làng nghề truyền thống đã có những đóng góp không nhỏ trong nâng cao thu nhập cho người dân và thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển.

Trong công tác xây dựng sản phẩm du lịch và chất lượng sản phẩm du lịch ở khu vực nông thôn, việc phát triển sản phẩm du lịch làng nghề truyền thống được thành phố xác định là một trong thế mạnh. Theo đó, cùng với phát triển các sản phẩm nông nghiệp, nhiều làng nghề thủ công cũng được thành phố chú trọng bảo tồn, phát triển để gắn với phát triển du lịch.

Số lượng, cơ cấu nhóm ngành nghề ở các làng nghề Hà Nội cơ bản gồm 4 nhóm: chế biến, bảo quản nông sản; sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ; sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh. Các sản phẩm của làng nghề trên địa bàn thành phố đa dạng nhiều chủng loại, mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, một số có khả năng cạnh tranh ở thị trường trong nước và nước ngoài.

Thành phố có 17 làng nghề truyền thống được công nhận nằm trong Dự án phát triển làng nghề gắn với du lịch. Trong số 15 điểm, khu du lịch cấp thành phố, có 4 điểm du lịch làng nghề, như làng gốm Bát Tràng, làng sinh vật cảnh Hồng Vân, khảm trai Chuyên Mỹ, may Vân Từ.

Vừa qua, Sở Du lịch Hà Nội cũng xây dựng 7 nhóm sản phẩm kích cầu du lịch nội địa để thúc đẩy hoạt động du lịch phát triển, thu hút khách đến với Thủ đô, trong đó, du lịch làng nghề truyền thống (gắn với giáo dục, nông nghiệp) tiếp tục phát triển tại các địa phương có tiềm năng và điều kiện thuận lợi như khu vực các huyện Ba Vì, Sóc Sơn, Thường Tín, Đan Phượng… nhằm đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của du khách.

Bài và ảnh: Bảo Thoa

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này