Đổi mới thi tốt nghiệp: còn nhiều ý kiến trái chiều

12:11 | 14/02/2014
LĐTĐ -Chủ trương giảm số môn thi tốt nghiệp Trung học phổ thông (THPT) xuống còn 4 môn (2 môn bắt buộc, 2 môn tự chọn) của Bộ GD-ĐT đang nhận được sự ủng hộ tích cực từ dư luận, song vẫn còn không ít ý kiến trái chiều về quy định miễn thi và xác định môn tự chọn.

Đây cũng là vấn đề "nóng" tại hội nghị triển khai phương hướng học kỳ II và công tác thi năm 2014 do Bộ GD-ĐT tổ chức tại Hà Nội ngày 13-2. Tới dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam.

Miễn thi: Lo vì thiếu "thước đo chung"

Theo dự kiến của Bộ GD-ĐT, trong năm đầu tiên điều chỉnh theo phương án thi mới, mỗi địa phương sẽ có 20% số HS được miễn thi tốt nghiệp THPT. Theo lý giải của Bộ, chủ trương miễn thi cho một bộ phận HS xuất sắc là thực hiện định hướng của Nghị quyết số 29-NQ/TƯ, giảm tốn kém cho xã hội, tạo động lực để HS phấn đấu học tập, rèn luyện toàn diện trong quá trình học THPT, nhất là ở lớp 12, phối hợp kết quả đánh giá trong quá trình học với đánh giá cuối kỳ, cuối năm học.
 

Gần một triệu học sinh lớp 12 đang chờ đợi quyết định chính thức cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014.	 Ảnh: Nhật Nam
Gần một triệu học sinh lớp 12 đang chờ đợi quyết định chính thức cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014. Ảnh: Nhật Nam


Dù vậy, các địa phương lại rất băn khoăn với nhiều ý kiến trái ngược về quy định này. Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Nam Định Nguyễn Văn Tuấn cho rằng, Bộ nên cân nhắc có cần thiết miễn thi hay không. Việc xét miễn thi không đơn giản, chưa kể sẽ có nhiều vấn đề nảy sinh, vì hiện nay chưa có một "thước đo chung" ở các nhà trường, các địa phương. Thực tế, trong đánh giá, xếp loại HS của từng trường, thậm chí của từng giáo viên cũng có nhiều chênh lệch. Đồng tình với nhận định này, đại diện Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa cho rằng nếu Bộ GD-ĐT không cân nhắc kỹ sẽ dễ nảy sinh tiêu cực về điểm số và dẫn chứng: Trong kỳ tuyển dụng viên chức của tỉnh, năm đầu có 15 sinh viên đỗ giỏi được tuyển thẳng, năm sau con số này đã lên tới 100.

Đại diện Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam nhận định: Miễn thi cho 20% số HS để đạt mục đích giảm tốn kém là không thực tế và tỷ lệ 20% không đủ lớn để có thể tiết kiệm. Quy mô HS lớp 12 hiện nay ngày càng giảm và HS giảm thì việc tổ chức gọn nhẹ là đương nhiên. Tại Quảng Nam, quy mô HS lớp 12 đã giảm từ 21 nghìn xuống còn 17 nghìn HS trong vòng ba năm gần đây. Hơn nữa, tỷ lệ 20% hiện nay chưa rõ là tỷ lệ chung của tỉnh hay là tỷ lệ cho từng trường. Nếu xác định tỷ lệ 20% HS dựa theo điều kiện cụ thể của từng trường cũng là bất hợp lý, bởi đây là đặc điểm của cả tập thể, còn tiêu chí miễn thi là đặt ra cho từng cá nhân HS về điều kiện xếp loại học lực, hạnh kiểm.

Để tránh phức tạp và thiếu công bằng cho HS ở các vùng, miền, nhiều ý kiến cho rằng tỷ lệ 20% HS được miễn thi không nên áp "cứng", mà tùy thuộc vào từng địa phương và từng năm học. Bộ GD-ĐT cần ban hành tiêu chuẩn miễn thi chung, áp dụng thống nhất trên toàn quốc, không nên giao cho địa phương. HS đạt được tiêu chuẩn này thì được miễn thi. Như vậy mới hạn chế được những tiêu cực trong đánh giá và tạo sự công bằng cho mọi HS.

Băn khoăn xác định môn tự chọn

Dự kiến đưa ngoại ngữ thành môn thi khuyến khích chứ không phải môn tự chọn hoặc bắt buộc của Bộ GD-ĐT là vấn đề đang nhận được nhiều phản hồi. Bộ GD-ĐT cho biết đây là giải pháp tạm thời trong điều kiện dạy, học và cách thức đánh giá môn ngoại ngữ tại Việt Nam còn nhiều bất cập, chưa đạt mục tiêu đề ra. Các địa phương khó khăn đồng tình với chủ trương của Bộ. Điển hình như dẫn chứng của tỉnh Điện Biên cho biết, đa phần giáo viên dạy ngoại ngữ trình độ chưa đáp ứng yêu cầu; việc tiếp nhận kiến thức ngoại ngữ với HS dân tộc rất khó khăn; các điều kiện về cơ sở vật chất dạy học ngoại ngữ cũng còn nhiều hạn chế.

Trái với quan điểm trên, ông Hoàng Minh Quân, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng ngoại ngữ nên là 1 trong số 6 môn tự chọn chứ không phải là môn thi khuyến khích. Theo chỉ đạo của Bộ GD-ĐT nhiều năm nay, hầu hết các tỉnh, thành phố đều đã dạy học ngoại ngữ hệ 7 năm, vì vậy môn ngoại ngữ cần được đánh giá như các môn học khác. Việc này là tiền đề để hướng tới định hướng của Bộ GD-ĐT những năm tới là môn ngoại ngữ sẽ là môn thi bắt buộc. Việc đưa ngoại ngữ thành môn tự chọn cũng là để tránh tình trạng phức tạp, cồng kềnh trong khâu tổ chức, bởi tâm lý chung của HS là cứ đăng ký thi ngoại ngữ để được cộng điểm, nhưng cũng sẽ có em đăng ký rồi lại không thi, gây khó khăn, lãng phí trong khâu tổ chức. Kỳ thi sẽ có thể kéo dài tới 3 ngày, chứ không phải 2 ngày như dự kiến.

Đồng tình với ý kiến này, đại diện Sở GD-ĐT tỉnh Thừa Thiên Huế đánh giá: Lâu nay các văn bản của Bộ GD-ĐT đều quy định ngoại ngữ là môn "cứng" trong chương trình giáo dục. Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân đến năm 2020 cũng đang tích cực triển khai trên cả nước. Trong trường hợp chưa thể coi ngoại ngữ là môn thi bắt buộc, thì Bộ nên cân nhắc để đưa ngoại ngữ thành môn tự chọn. Nếu không thì sẽ tạo hiệu ứng ít tích cực trong dạy và học ở cấp THPT và cả ở các cấp học dưới, vì tâm lý chung hiện nay là học gì thi nấy.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ diễn ra sau hơn ba tháng nữa. Gần một triệu HS lớp 12 cùng chừng ấy phụ huynh chắc chắn đang thấp thỏm chờ quyết định chính thức từ phía Bộ GD-ĐT với mong muốn có sự cân nhắc kỹ và bảo đảm ổn định.
 

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng, Bộ GD-ĐT nên cân nhắc kỹ trước khi đưa ra phương án thi chính thức, tránh việc thay đổi liên tục. Bên cạnh đó, cần xây dựng lộ trình cụ thể, tiến tới để các kỳ thi không còn nặng nề trên mức cần thiết, cũng không nên ngại làm thi tốn kém, mệt nhọc. Ngược lại, nếu tốn kém, mệt nhọc mà khiến cho HS học tốt hơn thì nên làm. Sau này, tinh thần chung là muộn nhất sau ngày khai giảng năm học mới, HS phải được biết định hướng thi năm đó như thế nào, tránh tình trạng còn vài tháng nữa thi mà HS chưa biết phương án thi như thế nào...

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này