Nóng thi chung thi riêng

11:22 | 13/02/2014
LĐTĐ - Từ khi Bộ GD-ĐT điều chỉnh quy định cho các trường thi riêng có thể kết hợp xét tuyển thí sinh thi chung, tính đến hết ngày 10/2/2014 có 31/400 trường ĐH-CĐ đã gửi dự thảo đề án tự chủ tuyển sinh riêng về Bộ. Đến ngày 10/3, Bộ mới công bố chính thức đề án nào đạt chất lượng được triển khai cùng với kỳ thi “3 chung” trong mùa tuyển sinh 2014.

Các trường lo

Theo đề án tuyển sinh riêng của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, năm nay chỉ tiêu tuyển sinh là 5.500 chỉ tiêu. Mặc dù vẫn tham gia thi “3 chung” nhưng ĐH Bách khoa lại thực hiện sơ tuyển trước khi thi, vì thế chỉ những thí sinh qua vòng sơ tuyển mới được nộp hồ sơ dự thi vào trường. Quy trình nộp hồ sơ của trường cũng thay đổi. Đồng thời, từ ngày 17/3, các thí sinh đạt vòng sơ tuyển nộp hồ sơ đăng ký dự thi, lệ phí hồ sơ và lệ phí dự thi theo quy định của Bộ. Năm nay, trường xây dựng điểm sàn chung toàn trường theo khối thi và điểm chuẩn cho nhóm ngành (riêng ngành ngôn ngữ Anh theo chuyên ngành). Mỗi thí sinh có 1 nguyện vọng chính và được đăng ký ít nhất 2 nguyện vọng bổ sung nhóm ngành đăng ký học. Thí sinh không đạt điểm chuẩn nguyện vọng chính được xét tuyển theo nguyện vọng bổ sung.

Ảnh minh họa

ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết, kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014, nhà trường có 5.660 chỉ tiêu cho các khoa, trường ĐH thành viên. Trong đó, Trường ĐH Công nghệ có 700 chỉ tiêu, Trường ĐH KHTN có 1.170 chỉ tiêu, Trường ĐH KHXHNV có 1.500 chỉ tiêu, Trường ĐH Ngoại ngữ 1.120 chỉ tiêu, Trường ĐH Kinh tế lấy 500 chỉ tiêu, Trường ĐH Giáo dục là 270… Dù vẫn thi “3 chung” theo quy định của Bộ GD-ĐT nhưng thí sinh trúng tuyển sau khi đã nhập học sẽ tham dự kỳ thi đánh giá năng lực (kết quả học tập, rèn luyện bậc THPT, kết quả kỳ thi tuyển sinh theo “3 chung”) để được chọn vào học các chương trình đào tạo chất lượng cao, tài năng, tiên tiến. Chương trình đào tạo đạt chuẩn quốc tế sẽ xét thêm năng lực ngoại ngữ.

Còn với các trường/ngành năng khiếu, văn hóa nghệ thuật thì kỳ thi riêng năm nay sẽ giúp họ đường hoàng được thi hoặc xét tuyển theo những môn hoặc cách mà mình cho rằng phù hợp. Đây là điều mà lẽ ra phải được thực hiện từ lâu nhưng vì cơ chế thi “3 chung” mà nhiều trường đành phải chấp nhận. Chính vì thế trong số các trường nộp dự thào đề án tuyển sinh riêng có tới hàng chục trường thuộc khối văn hóa nghệ thuật, năng khiếu. Bên cạnh đó, những trường/ngành lâu nay khó tuyển sinh thì đây là cơ hội vàng để thoát khỏi tình trạng này.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho rằng, do xuất phát điểm của các trường không đồng đều nên các trường ĐH quốc gia, ĐH vùng và trường ĐH trọng điểm cần có kế hoạch thực hiện tuyển sinh riêng sớm, thể hiện vai trò đầu tàu đổi mới của hệ thống giáo dục đại  học.

Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết thêm, tuyển sinh luôn là vấn đề nhạy cảm nên việc đổi mới công tác tuyển sinh ĐH-CĐ phải được kiểm soát. Trong giai đoạn quá độ (từ năm 2014 -2016), Bộ sẽ hỗ trợ các trường chưa đủ năng lực tự chủ tuyển sinh hoặc chưa chuẩn bị kịp phương án tuyển sinh riêng bằng việc vẫn duy trì kỳ thi “3 chung”. Nhưng sau năm 2016, tất cả các trường sẽ tự chủ tuyển sinh.

Thí sinh có nhiều cơ hội

Ngoài các ngành năng khiếu, phần lớn những trường xin tuyển sinh riêng theo phương thức dự kiến: xét tuyển riêng theo điểm thi tốt nghiệp THPT hoặc quá trình học tập ở bậc học này. Nếu chấp nhận các đề án tuyển sinh riêng theo hướng này, rõ ràng Bộ chính thức công nhận kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT là một trong những điều kiện để xét tuyển vào ĐH (cho dù hiện còn nhiều lo ngại về chất lượng kỳ thi này). Điều này đồng nghĩa với việc mở rộng cơ hội bước chân vào cổng trường ĐH của nhiều thí sinh trong mùa tuyển sinh năm nay.

Bên cạnh đó, cơ hội của thí sinh còn được thể hiện ở chỗ, đề thi phong phú, không bỏ sót thí sinh có năng lực phù hợp. Trong đó, các trường đều xác định “ngưỡng tối thiểu” về kiến thức đối với thí sinh.

Trao đổi về vấn đề sử dụng kết quả học tập phổ thông để xét tuyển vào ĐH, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho hay: “Đây là quyền của các trường. Nghị quyết đổi mới GD-ĐT đã cho phép các trường ĐH được kết hợp sử dụng kết quả học tập phổ thông để làm căn cứ tuyển sinh vào ĐH. Tuy nhiên, việc sử dụng kết quả đó như thế nào để đảm bảo chất lượng là điều cần quan tâm. Vì vậy, trong đề án tuyển sinh riêng, Bộ yêu cầu mỗi trường phải đưa ra được ngưỡng đảm bảo chất lượng. Ngưỡng đó phải đảm bảo xét tuyển được những thí sinh có chất lượng chứ không phải là chỉ tốt nghiệp THPT là được xét tuyển vào ĐH. Ngưỡng đó tối đa cũng chỉ cho phép khoảng 60% thí sinh tốt nghiệp THPT đủ điều kiện xét tuyển (điểm tốt nghiệp và kết quả học tập THPT từ 6 hoặc 6,5 trở lên)”.

Theo nhận định của các chuyên gia giáo dục, kỳ thi “3 chung” đã không còn phù hợp nhưng nếu từ sau năm 2015, mạnh trường nào trường đó thi riêng miễn đáp ứng đủ điều kiện của Bộ thì sẽ càng rắc rối. Vấn đề của các trường là cốt làm sao tuyển được người học theo đúng yêu cầu. Do đó, đề án tuyển sinh riêng của các trường nhìn chung mới giải quyết được những vấn đề trước mắt mà không thấy định hướng chiến lược phát triển lâu dài, thiếu tính đột phá.
 

Hữu thành

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này