Hiệu lệnh của Thủ tướng

10:06 | 20/04/2021
(LĐTĐ) Ngày 23/3/2021, Lao động Thủ đô từng có bài bình luận: “Khi dòng tiền chảy vào thị trường bất động sản”!- phản ánh tình trạng dòng tiền “đổ vào” thị trường bất động sản quá lớn gây ra “cơn sốt” ở một số địa phương. Điều này, nếu không sớm điều chỉnh sẽ dẫn đến những hệ lụy khó lường cho nền kinh tế. Ngày 17/4, trong buổi làm việc với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu quản lý thật chặt dòng vốn vào thị trường bất động sản để tránh đầu cơ, song phải đảm bảo nhu cầu thực sự của người dân. Đây được xem là một trong những hiệu lệnh của người đứng đầu Chính phủ nhằm thiết lập lại trật tự thị trường bất động sản, giúp lành mạnh hóa nền kinh tế.
Khi dòng tiền chảy vào thị trường bất động sản Hà Nội: Xây dựng phần mềm quản lý dữ liệu thị trường bất động sản Bất động sản: Giao dịch giảm, vì sao giá vẫn tăng?
Hiệu lệnh của Thủ tướng
Ảnh minh họa

Theo số liệu báo cáo của Ngân hàng Nhà nước với Thủ tướng tại buổi làm việc, tính đến giữa tháng 3/2021, dư nợ cho vay bất động sản của ngân hàng tăng 2,13%, nhanh hơn tốc độ tăng tín dụng hiện nay là 2,04%. Còn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn thị Hồng thì nhấn mạnh: Để phòng ngừa, các nhà băng được yêu cầu tập trung quản trị, kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng vốn vay để "dòng vốn đúng mục đích, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất".

Kết luận về nội dung này, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng: “Bên cạnh việc nắn dòng tiền chảy đúng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, ngoài các biện pháp trước mắt, Ngân hàng Nhà nước về lâu dài cần có giải pháp căn cơ phát triển thị trường tài chính. Thị trường tài chính phải cân bằng giữa thị trường tiền tệ và thị trường vốn, giảm sức ép cung ứng vốn từ hệ thống tổ chức tín dụng, đáp ứng nhu cầu huy động vốn trung và dài hạn của nền kinh tế”.

Như chúng ta đã biết, hơn 3 thập kỷ qua, kể từ khi nước ta tiến hành công cuộc đổi mới, mở cửa nền kinh tế và thiết lập nền kinh tế thị trường, đất đai vì thế đã trở thành hàng hóa đặc biệt. Không chỉ giới đầu tư, đầu cơ mà ngay trong nhân dân cũng thường trực câu nói: “Người sinh ra chứ đất có sinh ra được đâu”.

Dân số tăng nhanh, đất đai trở nên ngày một khan hiếm, nên giá đất (bất động sản) cũng liên tục tăng cao. Việc giá đất tăng dần đều xét góc độ vĩ mô là chuyện bình thường, nó phản ánh đúng quy luật phát triển của nền kinh tế. Còn khi giá bất động sản bị đẩy lên thành “cơn sốt” lại là câu chuyện đáng bàn, xét góc độ tổng thể của nền kinh tế là hoàn toàn không tốt.

Đối với các nhà đầu tư, họ có tiền họ đầu tư bất kỳ lĩnh vực gì mà pháp luật cho phép và không cấm, miễn là nảy sinh lợi nhuận. Xét thời điểm hiện tại, do hệ lụy của đại dịch Covid-19, lãi suất tiền gửi ngân hàng liên tục giảm sâu suốt 2 năm qua, cạnh đó thị trường vàng cũng bấp bênh, thị trường chứng khoán do đa số cộng đồng doanh nghiệp làm ăn khó khăn… khiến những người có tiền, các nhà đầu tư không mặn mà với 3 thị trường trên, đành rút vốn “găm” vào bất động sản, một kênh được cho là an toàn.

Với nhà đầu tư tài chính dồi dào, họ rót vốn vào bất động sản vì mục đích an toàn vốn, trước khi tính đến yếu tố lợi nhuận. Với các nhà đầu tư nhỏ lẻ, rót vào bất động sản để mục đích lướt sóng (đầu tư ngắn hạn) chốt lời. Hệ lụy này dẫn tới tình cảnh giá bất động sản liên tục lên cơn sốt. Ai có tiền nhàn rỗi là đầu tư vào kênh bất động sản. “Trăm hoa đua nở”, “đầu tư theo phong trào”, hễ ở đâu trên mảnh đất hình chữ S này, từ đô thị đến nông thôn có các dự án: Du lịch, dịch vụ, đô thị, công nghiệp là các nhà đầu tư (to-nhỏ) đổ về… đất đai vì thế càng lên cơn sốt.

Có thể nhiều nhà đầu tư (trường vốn) sẽ tiếp tục nhanh chóng giàu lên từ bất động sản; và cũng có thể những nhà đầu tư nhỏ lẻ (đầu tư qua kênh huy động vốn, vay vốn ngân hàng) trong thời điểm ngắn hạn cũng sẽ chốt lời. Nhưng nhìn vào đại cục, dòng tiền lợi nhuận từ bất động sản chỉ chảy vào túi cá nhân, không giúp cho nền kinh tế có thêm động lực tăng trưởng.

Vì vậy, việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là cơ quan đầu tiên mà Thủ tướng Phạm Minh Chính với tư cách người đứng đầu Chính phủ chọn làm việc và có những phát biểu chỉ đạo kịp thời liên quan đến chính sách tiền tệ, tín dụng nói chung, quản lý dòng vốn chảy vào bất động sản để chống đầu cơ nói riêng là “hiệu lệnh” điều chỉnh, điều tiết dòng vốn, giúp cho nền kinh tế phát triển lành mạnh.

Hy vọng với chỉ đạo kịp thời của Thủ tướng, từ nay dòng vốn sẽ được chảy đều vào tất cả lĩnh vực, phân ngành của nền kinh tế… để cộng đồng doanh nghiệp có đủ nguồn vốn trung và dài hạn phục vụ cho nhu cầu sản xuất kinh – kinh doanh. Đồng thời, sẽ bịt kín lổ hỗng tín dụng cho mục đích đầu cơ bất động sản dưới mọi hình thức, góp phần đưa thị trường bất động sản phát triển bền vững, đúng giá trị thực!

Lê Hà

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này