Huyện Thạch Thất đón nhận Bằng công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới

09:45 | 20/04/2021
(LĐTĐ) Tối 19/4, huyện Thạch Thất (thành phố Hà Nội) long trọng tổ chức lễ công bố và đón nhận Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020.
Tăng cường đối thoại, tạo quan hệ lao động hài hòa, ổn định Liên đoàn Lao động huyện Thạch Thất: Đoàn viên được vay vốn hơn 3,9 tỷ đồng Thẩm định các xã của huyện Thạch Thất, thị xã Sơn Tây đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao

Nhiều thành tựu trong xây dựng nông thôn mới

Theo báo cáo kết quả xây dựng nông thôn mới tới năm 2020 của huyện Thạch Thất, sau 10 năm xây dựng nông thôn mới, huyện Thạch Thất đã đạt được nhiều thành tựu trên mọi lĩnh vực. Với sự vào cuộc của các cấp chính quyền huyện và sự đồng lòng nhất trí cao của nhân dân, đến hết năm 2017, 21/22 xã thuộc huyện đã được Thành phố công nhận đạt chuẩn nông thôn mới ( trong đó, xã Thạch Hòa nằm trọn trong quy hoạch đô thị Hòa Lạc nên không tiến hành xây dựng nông thôn mới).

Huyện Thạch Thất đón nhận Bằng công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới
Đồng chí Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng ban chỉ đạo Chương trình xây dựng Nông thôn mới thành phố Hà Nội phát biểu tại buổi lễ.

Về kết quả huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2010- 2020, huyện Thạch Thất đã huy động tổng số nguồn vốn để bố trí thực hiện chương trình nông thôn mới là: 4.994.630 triệu đồng. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước là: 4.108.464 triệu đồng (chiếm 82,25%) và vốn ngoài ngân sách là 886.166 triệu đồng (chiếm 17,74%). Ngoài ra, các ngân hàng, quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn huyện cũng đã tạo điều kiện hỗ trợ nông dân đầu tư sản xuất, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển kinh tế huyện năm 2020. Đáng chú ý, tính đến năm 2020, huyện Thạch Thất không còn nợ đọng xây dựng cơ bản.

Về kết quả thực hiện các tiêu chí nông thôn mới, huyện Thạch Thất đã có 9/9 tiêu chí đạt theo bộ tiêu chí huyện đạt chuẩn nông thôn mới quy định tại Quyết định số 558/QĐ- CP ngày 5/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể, về tiêu chí quy hoạch, đến hết năm 2020 hệ thống quy hoạch chung đã được phủ kín trên phạm vi toàn huyện; 19/21 xã được phê duyệt điều chỉnh quy hoạch theo thông tư của Bộ xây dựng…

Về các tiêu chí còn lại như: Thủy lợi, Điện, Y tế - Văn hóa - Giáo dục, Sản xuất, Môi trường, An ninh - Trật tự xã hội, Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới... huyện Thạch Thất đều hoàn thành đạt chuẩn 100%.

Sau khi hoàn thành các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, trong thời gian tới huyện Thạch Thất sẽ tiếp tục đẩy mạnh nâng cao một số tiêu chí đến năm 2025. Theo đó, Huyện đặt ra chỉ tiêu thu nhập bình quân đầu người đạt 120 triệu đồng/người/năm. Duy trì tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới 100%, trong đó tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao 40%; nông thôn mới kiểu mẫu 25%. Phấn đấu xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao.

Cùng đó, huyện đặt ra mục tiêu tỷ lệ thôn, tổ dân phố được công nhận và giữ vững danh văn hóa 85%; Tỷ lệ cơ quan, đơn vị được công nhận và giữ vững danh hiệu văn hóa 95%; Tỷ lệ gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu văn hóa 90%; Tỷ lệ trường công lập (Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông) đạt chuẩn quốc gia 100%, trong đó số trường đạt chuẩn mức độ 2 trên 30%; tỷ lệ lao động đang làm việc đã qua đào tạo đạt trên 80%. Tỷ lệ thất nghiệp dưới 1%, tỷ lệ lao động phi nông nghiệp trên 65%.

Phấn đấu đến năm 2025, huyện Thạch Thất cơ bản không còn hộ nghèo (theo tiêu chí của Thành phó). Tỷ lệ hộ dân được cung cấp nước sạch 100%. Tỷ lệ rác thải được thu gom, vận chuyển đến nơi xử lý trong ngày đạt 100%. Tỷ lệ chất thải nguy hại, chất thải y tế được thu gom, xử lý theo tiêu chuẩn môi trường đạt 100%. Tỷ lệ cụm công nghiệp, làng nghề có trạm xử lý nước thải 100%.

Tiếp tục phát huy thế mạnh, nâng cao chất lượng nông thôn mới

Phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng ban chỉ đạo Chương trình xây dựng Nông thôn mới thành phố Hà Nội ghi nhận và biểu dương sự nỗ lực, phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân huyện Thạch Thất và sự cố gắng của nhiều tập thể, cá nhân, cơ quan, đơn vị đã tập trung nguồn lực, trí lực, công sức trong quá trình xây dựng nông thôn mới, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của Huyện.

Đồng chí Nguyễn Thị Tuyến đánh giá huyện Thạch Thất là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, mang đậm bản sắc văn hóa xứ Đoài; có vị trí địa lý và giao thông thuận lợi. Theo quy hoạch chung phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050, khu vực Hòa Lạc là đô thị vệ tinh; đồng thời, Huyện có Khu công nghệ cao Hòa Lạc và Khu Đại học Quốc gia là trung tâm khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo; các làng nghề của Huyện hình thành khu vực sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp kết hợp dịch vụ, du lịch, sản xuất nông nghiệp theo hướng sinh thái, tạo ra vùng sản xuất đa dạng, phong phú cho khu vực phía Tây của Hà Nội.

Huyện Thạch Thất đón nhận Bằng công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới
Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trao Quyết định công nhận nông thôn mới cho huyện Thạch Thất.

"Sau gần 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, với sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Trung ương; Thành phố và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân huyện Thạch Thất để triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới một cách chủ động, sáng tạo, với nhiều giải pháp mang tính đột phá, nhiều mô hình mới và cách làm hay, mang lại những hiệu quả thiết thực"- đồng chí Nguyễn Thị Tuyến nhấn mạnh.

Tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Thị Tuyến cũng cho biết, dựa trên những kết quả đạt được, huyện Thạch Thất cần tiếp tục duy trì và nâng cao hơn nữa các tiêu chí nông thôn mới theo hướng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn gắn với phát triển kinh tế nông thôn và tích hợp tiêu chí phát triển đô thị.

Để đạt được những yêu cầu trên, đồng chí Nguyễn Thị Tuyến đề nghị huyện Thạch Thất cần làm tốt một số nội dung như: Bám sát Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ Thành phố; Chương trình công tác số 04 của Thành ủy để tiếp tục phát huy các thành quả của việc xây dựng nông thôn mới trong 10 năm vừa qua.

Cùng đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khơi dậy niềm tự hào trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về quá trình nỗ lực, phấn đấu xây dựng nông thôn mới của huyện Thạch Thất để từ đó tạo sự thống nhất cao trong nhận thức và hành động. Thực hiện nghiêm túc nguyên tắc công khai, dân chủ, minh bạch để người dân thực sự là chủ thể thực hiện và là đối tượng được thụ hưởng những kết quả tích cực từ chương trình xây dựng nông thôn mới.

Tiếp tục rà soát lại các quy hoạch, trong đó, lưu ý rà soát, tích hợp quy hoạch phát triển ngành nông nghiệp, quy hoạch vùng huyện, quy hoạch các xã gắn với các tiêu chí của đô thị, với phương châm quy hoạch phải đi trước một bước để tiếp tục duy trì và nâng cao hơn nữa chất lượng các tiêu chí xây dựng Nông thôn mới theo hướng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, gắn với phát triển Khu đô thị Hòa Lạc, Khu công nghệ cao Hòa Lạc; Làng văn hóa các dân tộc; Khu Đại học Quốc gia trong tổng thể phát triển huyện.

Xây dựng nông thôn mới phải gắn với phát triển kinh tế địa phương, do đó, huyện Thạch Thất cần chú trọng đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi; phát triển sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đảm bảo phát triển sản xuất bền vững, hiệu quả. Phát triển nghề, các làng nghề có thế mạnh của địa phương.Triển khai thực hiện các chương trình, dự án phát triển sản xuất nông nghiệp; triển khai kế hoạch thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đảm bảo yêu cầu, hiệu quả và phát triển thị trường tiêu thụ. Đồng thời quan tâm phát triển dịch vụ, thương mại để tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng giảm dần tỷ trọng nông nghiệp nhưng giá trị tuyệt đối cao.

Cùng đó, huyện cần chú trọng chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân; nâng cao chất lượng công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân, công tác giáo dục; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình về giảm nghèo, đào tạo nghề cho lao động, giải quyết việc làm, hỗ trợ vốn vay để phát triển kinh tế; chú trọng gìn giữ và phát triển kinh tế làng nghề… tạo điều kiện cho mọi người dân được tiếp cận và hỗ trợ phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. Tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng công tác vệ sinh môi trường khu vực nông thôn theo hướng “sáng - xanh - sạch - đẹp”....

Lương Hằng

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này