Hội sách trực tuyến: Để sách đến gần hơn với bạn đọc

10:07 | 20/04/2021
(LĐTĐ) Năm 2021 là năm thứ 8 Ngày Hội sách Việt Nam được tổ chức. Đồng thời, đây cũng là năm thứ hai Hội sách được tổ chức dưới hình thức trực tuyến nhằm đưa sách đến gần hơn với cộng đồng trong bối cảnh dịch Covid-19.
Lần đầu tiên tổ chức Hội sách trực tuyến Quốc gia

Từ xa xưa, sách luôn là một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của mỗi người, mỗi gia đình. Trước khi có các phương tiện nghe nhìn, sách là con đường ngắn nhất để tiếp cận thông tin, văn hóa, tri thức. Đọc sách cũng là một trong những cách thức giúp con người thư giãn, tích lũy kiến thức và tăng cường khả năng tư duy… Những yếu tố cơ bản để tạo nên văn hóa đọc là thói quen đọc, khả năng lựa chọn và cách đọc sách.

Hội sách trực tuyến: Để sách đến gần hơn với bạn đọc
Hội sách được tổ chức dưới 2 hình thức, trực tiếp và trực tuyến. Ảnh: Cao Tiến

Văn hóa đọc cũng chính là thái độ, cách ứng xử của chúng ta với tri thức, sách vở. Qua mỗi giai đoạn phát triển, yêu cầu người đọc phải biết đọc sách sao cho hợp lý và bổ ích, cho phù hợp với quy luật tiếp cận tri thức. Như vậy, việc đọc sách dù ở hình thức nào cũng cần được duy trì để nâng tầm tri thức trong mỗi cộng đồng xã hội.

Khẳng định tầm quan trọng của việc đọc sách trong đời sống xã hội, Ngày Hội sách 2021 lần thứ 8 với chủ đề “Sách - Sứ mệnh phát triển văn hóa đọc" được tổ chức nhằm khuyến khích, phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, khẳng định vị trí, vai trò, tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc trong sự nghiệp phát triển văn hóa, khoa học, giáo dục… của đất nước; tôn vinh những người làm công tác sưu tầm, sáng tác, xuất bản, in, phát hành, lưu giữ, quảng bá sách; nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác dụng, ý nghĩa và tầm quan trọng của việc đọc sách và phát triển văn hóa đọc trong việc xây dựng một xã hội tri thức, hướng tới xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện; tạo động lực thúc đẩy trách nhiệm tham gia của người dân và toàn xã hội trong việc đẩy mạnh phát triển văn hóa đọc, hướng việc đọc sách trở thành một thói quen và một nét đẹp không thể thiếu trong cộng đồng.

Năm 2021cũng là năm thứ hai Ngày Hội sách được tổ chức trực tuyến (Hội sách trực tuyến Quốc gia). Năm 2020, trong tình thế xã hội thực hiện những biện pháp giãn cách phòng dịch Covid-19, hội sách mừng Ngày sách Việt Nam không thể tổ chức theo phương thức truyền thống, buộc phải chuyển lên môi trường số. Từ giải pháp tình thế, kết quả Hội sách đã cho thấy đây là một bước tập dượt cần thiết cho chuyển đổi số của ngành xuất bản. Tiếp nối những thành công đó, Hội sách trực tuyến 2021 do Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) chủ trì tổ chức là sự kiện mở đầu cho chuỗi hoạt động của Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 21/4 trên toàn quốc, chào mừng Ngày Sách và Bản quyền thế giới 23/4. Hội sách được tổ chức tại Sàn sách in book.365.vn từ ngày 17/4 đến hết ngày 15/5, với thông điệp "Sách cho mọi nhà". Đây được xem là một hình thức quảng bá mang lại hiệu quả to lớn trong việc đưa sách đến ngày một gần hơn với bạn đọc. Cũng trên sàn book.365.vn, các hoạt động giao lưu, tọa đàm với nội dung giới thiệu, trao đổi về văn hóa đọc; chuyển đổi số trong xuất bản và cách tiếp cận đọc sách trong thời đại công nghiệp 4.0; giới thiệu tác phẩm với bạn đọc… được tổ chức.

Theo thống kê của Cục Xuất bản, In và Phát hành, nhu cầu của người đọc ngoài khu vực hai thành phố lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh là rất lớn (chiếm trên 51% tổng nhu cầu tìm kiếm sách). Tuy nhiên, tỉ lệ có mặt của các nhà phát hành tại các khu vực này còn rất thấp, chỉ khoảng 0,5% tổng số đơn vị phát hành trong cả nước. Từ thực tế đó, nếu đổi mới các hình thức phát hành sách, có thể đáp ứng được nhiều hơn nhu cầu của người đọc so với phương thức phát hành truyền thống.

Với tinh thần “Đưa sách đi muôn nơi”, Hội sách trực tuyến Quốc gia đặt mục tiêu sẽ phục vụ trên 60% bạn đọc ở các địa phương ngoài Hà Nội vàthành phố Hồ Chí Minh. Ông Hoàng Vĩnh Bảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam cho biết tại Lễ khai mạc Ngày Hội sách 2021: “Thông qua chuỗi hoạt động và sự kiện chào mừng Ngày sách Việt Nam, Ban tổ chức mong muốn lan tỏa nhiều hơn nữa tình yêu sách đến với bạn đọc trong cả nước, từ đó góp phần phát triển, khuyến khích phong trào đọc sách trong mọi tầng lớp nhân dân và hình thành thói quen đọc sách của từng cá nhân; tạo lập nên những giá trị văn hóa từ gia đình, dòng họ đến các cơ quan, đoàn thể…”.

Dưới hình thức trực tuyến, Hội sách năm nay cũng thu hút được số đông các đơn vị đồng hành, với 32 Nhà xuất bản và 42 đơn vị phát hành sách trên toàn quốc, trên 50 nhà xuất bản trong nước và quốc tế tham gia sàn giao dịch bản quyền sách. Với số lượng trên 20.000 tên sách và hàng trăm ngàn bản sách được chuẩn bị để phục vụ bạn đọc tham gia Hội sách, giới thiệu hàng chục ngàn tựa sách in, sách ebook với mẫu in đẹp, có bản quyền.Ban tổ chức có nhiều chương trình nhằm khuyến khích độc giả mua và đọc sách như: Giảm giá sách cho mọi khách hàng, miễn, giảm phí vận chuyển sách cho khách hàng trong nước, trao các phần thưởng, qùa tặng cho bạn đọc giới thiệu sách bán chạy hoặc sách được nhiều người quan tâm.

Ngoài ra, với mong muốn đưa thật nhiều sách có giá trị đến tay bạn đọc cần sách vùng xa, bên cạnh việc tôn vinh văn hoá đọc bằng các hình thức phong phú, đa dạng như triển lãm, trưng bày sách báo, giao lưu giữa nhà văn với bạn đọc, toạ đàm, nói chuyện chuyên đề, tuyên truyền giới thiệu sách, vẽ tranh theo sách v.v..., với sự đồng hành tặng sách của rất nhiều nhà tài trợ lớn, nhiều đầu sách được trợ giá tới 50-80% cho độc giả ở ngoài khu vực Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa trên mọi miền tổ quốc...cùng nhiều sự ủng hộ của các cá nhân, tổ chức khác trong việc hỗ trợ đưa sách tới bạn đọc, góp phần đưa văn hoá đọc lan toả trong cộng đồng.

Hội sách trực tuyến: Để sách đến gần hơn với bạn đọc
Sàn giao dịch sách điện tử được kỳ vọng sẽ mang sách đến gần hơn với bạn đọc. Ảnh: Sàn giao dịch sách trực tuyến Book365.vn

Ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết: “Để tổ chức thành công Hội sách năm nay, chúng tôi có tham khảo gần 40 trang trực tuyến của nhiều quốc gia trên thế giới, qua đó có thể tổng hợp lại một số trang tiêu biểu như Hội sách của Thái Lan, Frankfurt…,từ đó ứng dụng vào Hội sách của Việt Nam. Năm 2021 chúng tôi chia làm 5 sàn nhỏ, gồm: Sàn thông tin chung, Sàn sách in, Sàn sách điện tử, Sàn giao dịch bản quyền sách và Sàn thông tin về các hoạt động Ngày sách diễn ra trên cả nước,với mong muốn kết nối các đơn vị phát hành trực tuyến trong nước với bạn đọc; đồng thời tạo ra không gian giao lưu xuyên biên giới giữa các nhà xuất bản trong và ngoài nước, cơ hội kết nối, tìm kiếm, giao dịch các tác quyền sách có giá trị thông qua ứng dụng công nghệ trực tuyến 4.0 mới nhất.Đây thực sự là một sân chơi để các bạn đọc có thể đến mua sách, tham quan và tìm hiểu các thông tin liên quan đến hoạt động xuất bản sách. Tất cả đều với mong muốn khơi gợi và nhân rộng tình yêu sách trong lòng bạn đọc”.

Cũng theo ông Nguyên, công nghệ số đang ngày càng phát triển khiến ngành văn hóa thông tin cũng phải chuyển đổi mạnh mẽ hơn và đây cũng là xu thế tất yếu để ngành văn hóa tồn tại và phát triển. "Tuy nhiên, muốn phát triển văn hóa đọc trong thời đại công nghệ số, chúng ta cần nuôi dưỡng văn hóa đọc trong gia đình, xã hội, nhà trường và ươm mầm văn hóa đọc trở thành một thói quen trong đời sống của người dân"./.

Cao Tiến

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này