Vẫn chưa ngã ngũ

10:12 | 18/02/2014
LĐTĐ - Dự kiến của Bộ GD- ĐT sẽ giảm số môn thi tốt nghiệp THPT xuống còn 4 môn và 20% học sinh lớp 12 được miễn thi tốt nghiệp THPT ngay trong năm 2014 này. Ngay lập tức, chủ trương này nhận được phản hồi tích cực từ các địa phương và dư luận xã hội, nhưng vẫn còn gây nhiều tranh luận vì lo tiêu cực phát sinh.

Ủng hộ thi 4 môn

Liên quan đến phương án thi 4 môn (2 môn bắt buộc, 2 môn tự chọn), quan điểm của Sở GD-ĐT Hà Nội đồng tình và đề xuất ngoại ngữ là một trong số những môn tự chọn (chứ không phải là môn thi khuyến khích) nhằm khích lệ việc dạy - học ngoại ngữ có chất lượng trong trường phổ thông, tạo tiền đề triển khai đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân đến năm 2020. Ngoài ra, Hà Nội đề xuất, với 2 môn tự chọn thì nên để cho địa phương quyết định. Nếu để HS tự chọn thì chắc chắn sẽ làm tăng thêm số buổi tổ chức thi, gây xáo trộn việc dạy và học.

Đồng quan điểm, PGS Văn Như Cương- Hiệu trưởng Trường THPT dân lập Lương Thế Vinh đánh giá cao  sự điều chỉnh phương án thi tốt nghiệp THPT. Theo PGS, ngoài 2 môn bắt buộc thì 2 môn tự chọn nên gồm cả ngoại ngữ.

Thầy giáo Đặng Đình Đại- Hiệu trưởng Trường THPT Welspring (Hà Nội) cho rằng phương án thi tốt nghiệp 4 môn là hợp lý. Với mục tiêu của môn ngoại ngữ là hình thành kỹ năng giao tiếp thì cách thi hiện nay (chủ yếu là theo hình thức trắc nghiệm) không đem lại hiệu quả như mong muốn. Nếu để ngoại ngữ là môn khuyến khích thì HS vẫn phải thi đến 5 môn, thêm một ngày thi và kéo theo nhiều phần việc khác. Vì thế, Bộ GD-ĐT nên coi ngoại ngữ là môn tự chọn để HS nào có khả năng thì thi.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển, phần nhiều ý kiến đề nghị đưa môn ngoại ngữ là môn thi tự chọn. Song hiện nay việc dạy và học ngoại ngữ rất khác biệt giữa các vùng miền, do vậy Bộ đã dự thảo đây chỉ là môn thi khuyến khích.

Bà Vũ Thị Bích Việt- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang: “Tôi đã làm trong ngành giáo dục và biết làm ra điểm không khó. Nếu không kiểm soát được thì việc xét miễn thi sẽ làm nảy sinh không ít tiêu cực trong quá trình đánh giá học tập. Trong khi đó, giảm 20% thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT cũng không tiết kiệm được nhiều chi phí. Nếu chưa chuẩn bị đầy đủ thì vẫn nên duy trì miễn thi theo đối tượng chính sách.

Miễn thi 20% tính theo trường hay địa phương?

Theo dự kiến của Bộ GD- ĐT, trong năm đầu tiên điều chỉnh theo phương án mới, mỗi địa phương có 20%  số HS được miễn thi tốt nghiệp THPT. Theo lý giải của Bộ , chủ trương miễn thi cho một bộ phận HS xuất sắc là thực hiện định hướng của Nghị quyết số 29- NQ/TƯ, giảm tốn kém cho xã hội, tạo động lực để HS phấn đấu học tập, rèn luyện toàn diện trong qúa trình học THPT.  Đồng thời, việc xác định tỷ lệ 20% HS miễn thi sẽ giao cho các Sở GD- ĐT các địa phương.

Ngay khi thông tin này được đưa ra, không chỉ phụ huynh, HS quan tâm mà nó còn thu hút sự chú ý đặc biệt của các giáo viên, nhà quản lý các trường. Một giáo viên Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam chia sẻ, nếu lấy tiêu chí HS có học lực giỏi, hạnh kiểm tốt thì đa số HS trường chúng tôi sẽ được miễn thi. Bởi ở trường chuyên chúng tôi, tỷ lệ học sinh giỏi chiếm áp đảo.

Ông Nguyễn Quốc Thắng - Hiệu trưởng trường THPT Đoàn Kết, quận Hai Bà Trưng cũng băn khoăn, tỷ lệ 20% HS được miễn thi tốt nghiệp sẽ được xét theo tiêu chí nào? tỷ lệ này chia đều cho các trường, các lớp hay cho cả toàn thành phố? Bởi vì tỷ lệ 20% xét theo địa phương sẽ rất khác với tỷ lệ 20% theo từng trường và từng lớp.

Trao đổi về vấn đề này, ông Phạm Hữu Hoan – Trưởng phòng Giáo dục trung học, Sở GD- ĐT cho rằng, tỷ lệ 20% sẽ được tính xét theo địa phương chứ không phải cho từng trường. Nếu phương án 20% HS lớp 12 được miễn thi được Bộ GD-ĐT chính thức phê duyệt  thì khi đó Sở GD- ĐT Hà Nôi sẽ họp, phải thành lập hội đồng xét duyệt. Bởi hàng năm, Hà Nội có xấp xỉ khoảng 100 nghìn HS dự thi, nếu chọn đủ 20% thì Hà Nội sẽ có khoảng 20.000 thí sinh được miễn thi. Còn nếu chỉ xét tiêu chí HS giỏi thì tỷ lệ này của Hà Nội sẽ còn cao hơn nhiều.

Ngoài những đối tượng được miễn thi theo quy chế hiện hành như HS tham gia kỳ thi chọn đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế và khu vực các môn văn hóa, thể thao, văn nghệ..., con em gia đình chính sách là HS giỏi thì những HS giỏi 3 năm liền sẽ được xem xét theo tiêu chí điểm tổng kết  từ cao xuống thấp. “Như vậy, chắc chắn sẽ có những trường rất đông HS nằm trong diện đối tượng được miễn thi nhưng có không ít trường sẽ không có HS nào cả.” - ông Hoan cho biết.

Song, điều dư luận đặc biệt quan tâm là liệu với dự kiến miễn thi tốt nghiệp THPT cho 20% học sinh lớp 12 có khả năng phát sinh tiêu cực khi mà các tiêu chí quy định làm “thước đo chung” vẫn chưa có.  Đồng thời, bệnh thành tích trong ngành giáo dục còn chưa được khống chế triệt để.

Trước rất nhiều ý kiến bàn về việc đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam bày tỏ, việc đổi mới thi cử năm nay phải tính kỹ. “Làm sao để không thay đổi liên tục và phải bàn kỹ lưỡng để sau đó có ổn định tương đối. Đừng để cảnh học sinh bây giờ mấy tháng nữa thi vẫn hồi hộp không biết năm nay thi môn gì” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

 Hữu Thành

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này