Hãy “tự soi”mình trước khi chê!

12:31 | 15/04/2021
(LĐTĐ) Phản biện là một phạm trù khoa học mà mục đích cuối cùng là mang lại giá trị và hiệu quả cao nhất. Bất kỳ lĩnh vực gì từ chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học khi mỗi chủ trương, đường lối, quyết sách; dự án, đề tài… đưa ra đều phải có sự phản biện. Tuy nhiên, thay vì phản biện khoa học mang tính xây dựng, hiện nay trên không gian mạng, đặc biệt là mạng xã hội như Facebook không ít “cây bút” tự cho mình quyền như “quan tòa” hết phát xét rồi chê bai!
Đừng để thế hệ trẻ bị đầu độc! Lấy cái tốt đẩy lùi cái xấu! Xin đừng mãi chê!
Hãy “tự soi”mình trước khi chê!
Chúng ta không nên sử dụng không gian mạng, mạng xã hội... để bình phẩm, chê bai! (Ảnh minh họa)

Trước hết phải khẳng định, trừ ánh sáng là truyền với tốc độ tuyệt đối, còn lại mọi lĩnh vực khác đều chỉ có tính tương đối. Khoa học chính trị, quản lý Nhà nước cũng vậy. Với nước ta, trong quá trình đổi mới nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bên cạnh những thành tựu đã đạt được hơn 35 năm qua vẫn còn những khiếm khuyết mà Đảng, Nhà nước đã nhận ra và đã, đang và sẽ dần bổ sung cơ chế, chính sách, pháp luật để hoàn thiện. Không chỉ nước ta, mà nước nào, chế độ chính trị nào cũng thế.

Ấy vậy, hiện trên không gian mạng, có những người đang hưởng thành quả từ sự phát triển của đất nước mang lại, nhưng lại “chọn” mạng xã hội làm phương tiện để chê bai đủ điều. Hãy nhìn “cuộc chiến” chống đại dịch Covid-19 ở Việt Nam. Đến nay đã trải qua khoảng hơn một năm nhưng hầu hết các quốc gia trên thế giới vẫn chưa quay về trạng thái bình thường mới.

Các sân cỏ châu Âu, cầu thủ đá bóng vẫn không có khán giả đến sân, trong khi đó ở Việt Nam mỗi trận cầu bóng đá khán giả đến kín sân. Có thể nói, Việt Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới, từ bóng đá (thể thao), đến các hoạt động khác đã trở lại trạng thái bình thường (dẫu chúng ta không một phút lơi là chủ quan).

Thành quả tuyệt vời trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 thì chẳng thấy “anh hùng bàn phím” nào khen. Chính “những anh hùng bàn phím” cũng được hưởng lợi từ thành quả của công tác chống dịch, nhưng hễ có một vấn đề gì đó thuộc phạm trù cơ chế… là lên mạng chê bai.

Nói về chê, nhớ có lần trong nhóm bạn “cà phê”, trong đó có cả một số người đang làm trong các cơ quan Nhà nước, hễ gặp nhau, câu trước, câu sau là bình phẩm, là chê bai, rồi “ông này, bà kia”. Nghe “rát tai” đến mức, một ông bạn bác sĩ phải thẩm vấn: “Tôi hỏi các anh, các anh cũng được ăn học, cũng làm việc, cũng có gia đình, bố mẹ, con cái… song hãy nhìn những người kia, họ ít học hơn các anh mà cuộc sống họ sung túc.

Có nhà đẹp, có xe hơi sang, mở dịch vụ kinh doanh tạo ra hàng chục việc làm cho người khác. Họ chẳng bao giờ mở miệng chê ai. Còn các anh, cuộc sống cũng chỉ ở mức bình bình, tại sao không chê mình trước cứ đi chê thiên hạ. Cũng cơ chế này, cũng hành lang pháp lý này, nhiều người làm giàu chính đáng đấy thôi”!

Chẳng biết câu nói này thấm đến đâu, nhưng lần café sau hầu như không bao giờ diễn ra những câu chuyện bình phẩm, chê bai. Và đặc biệt, những người bạn hay “chê” đó chuyển trạng thái khác hẳn. Sống tích cực, yêu đời hơn và làm ăn cũng khấm khá lên.

Các cụ xưa từng nói: “Ốc chưa nuôi nổi ốc”- khi chính bản thân mình tự chưa làm (lao động) để cuộc sống gia đình mình khá giả, giàu có nhằm góp phần cho xã hội tiến bộ lên, thì cứ mở miệng là chê bai cũng cần xem xét lại chính mình. Và tự đúc kết, những người hay chê chính là những người ít năng động, ít làm ra của cải vật chất nhất cho xã hội.

Cuộc sống vốn muôn mặt, xét ở góc độ cá nhân, chúng ta có thể góp ý chân thành để cùng nhau tiến bộ. Xét ở góc độ thể chế, chính sách… chúng ta có thể phản biện khoa học mang tính xây dựng để tìm ra chân lý, tìm ra những cách làm mang lại hiệu quả nhất thay vì chê bai, thậm chí miệt thị.

Xưa Tuân Tử từng nói, đại ý: “Khen cho đúng là bạn ta, chê cho đúng là thầy ta”. Bởi thế, ai đó đã trót mượn không gian mạng, mạng xã hội để chê bai người khác… có lẽ cần phải đứng trước gương soi lại mình trước khi ấn phím. “Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta, mà tự hỏi mình đã làm gì được cho Tổ quốc”. Lời bài hát vẫn vẹn nguyên giá trị!

L.H

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này