Vì sao hàng giả, hàng nhái vẫn còn đất sống?

11:41 | 13/04/2021
(LĐTĐ) Thời gian gần đây, Thương mại điện tử đang trở thành hình thức kinh doanh được nhiều người tiêu dùng lựa chọn, tuy nhiên những ngày qua, liên tiếp các kho hàng giả, hàng nhái các thương hiệu lớn trên địa bàn Hà Nội và cả nước bị lực lượng quản lý thị trường phát hiện khiến dư luận lo lắng. Trước sự việc trên nhiều người đặt câu hỏi, phải chăng các chế tài xử lý hàng giả, hàng nhái chưa thật sự đủ mạnh?.
Hàng giả, hàng nhái: Căn bệnh trầm kha Hàng giả, hàng nhái tại sao họ lại không biết?

Phát hiện nhiều kho hàng giả, hàng nhái “khủng”

Thương mại điện tử và các hình thức kinh doanh trên mạng xã hội bùng phát đã và đang trở thành một phương thức quan trọng giúp người dân mua bán hàng hóa phục vụ đời sống hàng ngày, hạn chế được các giao dịch trực tiếp không cần thiết,… Tuy nhiên, chính vì tốc độ tăng trưởng nhanh và doanh thu khổng lồ từ Thương mại điện tử, nhiều đối tượng lợi dụng hình thức kinh doanh này để buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng có dấu hiệu phạm pháp.

Vì sao hàng giả, hàng nhái vẫn còn đất sống?
Một kho hàng khủng giả, nhái các thương hiệu nổi tiếng như Gucci, Channel, LV, Adidas,… trên địa bàn Hà Nội bị xử lý.

Trong khi đó, trên Facebook và các trang mạng xã hội khác, không khó để bắt gặp những livestream bán hàng của các shop thời trang quần áo, túi xách, mỹ phẩm, sữa nhập ngoại,… với những lời quảng cáo có đầy đủ tem, mác, xuất xứ. Thậm chí, Facebook còn có sẵn tính năng quảng cáo các livestream này cho những người dùng đã từng click vào những mặt hàng tương tự. Ít ai ngờ rằng, trong số các sản phẩm được quảng cáo đó, phần lớn đều là những sản phẩm giả, nhái các thương hiệu nổi tiếng. Thậm chí, nhiều người kinh doanh còn xây dựng những kho hàng lớn, mạng lưới bán hàng dày đặc trên mạng xã hội để bán các sản phẩm giả, nhái nhằm thu lợi bất chính,…

Đơn cử như ngày 6/4 vừa qua, Đội quản lý thị trường số 17, Cục quản lý thị trường thành phố Hà Nội đã tiến hành kiểm tra xưởng sản xuất của Công ty TNHH Hóa mỹ phẩm T&T Á Châu có trụ sở tại xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn (Hà Nội). Thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng ghi nhận trên 2.000 can nước giặt nhãn D-nee loại 3,8 lít thành phẩm; 400 can nước giặt nhãn Comfort thành phẩm; 45.000 tờ nhãn dùng cho sản phẩm D-nee; 1.800 vỏ thùng carton có chữ D-nee; 280 vỏ can có nhãn D-nee cùng 5 chiếc mô-tơ điện đã qua sử dụng dùng để pha chế thành phẩm không có nhãn hiệu.

Tại xưởng, chủ cơ sở đã phân chia thành nhiều khu sản xuất, khu thành phẩm rất “chuyên nghiệp” như: Khu nguyên liệu 1 và 2, khu bán thành phẩm, khu thành phẩm, khu sản xuất, kho hàng,... Đáng nói, để sản xuất ra các sản phẩm nước giặt, nước xả vải, chủ cơ sở đã sử dụng một loạt “công nghệ xô chậu” với các nguyên vật liệu không rõ nguồn gốc.

Trước đó, ngày 30/3, Đội Quản lý thị trường số 1 và số 14, Cục quản lý thị trường thành phố Hà Nội phát hiện và xử lý một kho hàng “khủng” với hàng vạn sản phẩm từ quần áo, đồ gia dụng, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng,… được kinh doanh chủ yếu qua mạng xã hội thông qua hình thức livetreams bán hàng tại thôn Phú Mỹ A, xã Phú Sơn, Ba Vì, kho hàng tiêu dùng do Nguyễn Văn Ngọc, trú tại thôn Bằng Y, xã Sơn Đà, huyện Ba Vì làm chủ.

Tại kho hàng này tất cả các sản phẩm đều có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu, hoặc là hàng nhập lậu. Làm việc với đoàn kiểm tra, cơ sở không xuất trình được bất kỳ giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của hàng hóa, ngoài Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh. Tuy nhiên, địa điểm đăng ký được ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh là ở thôn Bằng Y, xã Sơn Đà, huyện Ba Vì (Hà Nội); thực tế, kho hàng lại được đặt ở Phú Mỹ A, xã Phú Sơn, huyện Ba Vì (Hà Nội).

Thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng ghi nhận một lượng lớn hàng hóa có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng đã được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam như Gucci, Channel, LV, Adidas,... cùng hàng nghìn sản phẩm gia dụng nhập lậu như bếp từ, bếp nướng, nồi cơm điện, chảo điện,…

Qua điều tra của lực lượng chức năng, một trong những phương thức được cơ sở này sử dụng đó là thông qua hệ thống phần mềm mang tên TPOS, cả chục Facebook khác sẽ đồng loạt chia sẻ các livestream này để chốt đơn hàng. Ghi nhận trên hệ thống bán hàng của cơ sở trên, chỉ trong 6 tháng có tới hơn 655.000 đơn hàng được chốt bán. Tức, trung bình một ngày sẽ có hơn 3.000 đơn hàng được gửi đi thông qua hệ thống chuyển phát giao hàng nhanh,...

Chế tài đã thực sự đủ mạnh?

Từ những vụ việc trên cho thấy, trong mênh mông các mặt hàng kinh doanh, mua bán trên mạng xã hội thì thật giả, vàng thau lẫn lộn, khiến người tiêu dùng không khỏi hoa mắt và rất dễ bị dính những cú lừa mua phải hàng kém chất lượng. Trong khi đó, người kinh doanh trên mạng với đủ loại thành phần, giới tính, sử dụng một hoặc nhiều tài khoản khác nhau, địa chỉ không rõ ràng… và cũng bán tràn lan hàng kém chất lượng, hàng nhái thông qua các ứng dụng mạng xã hội như Zalo, Facebook. Điều đáng nói, mặc dù cảnh báo rất nhiều, nhưng không ít người tiêu dùng vẫn “cố nhắm mắt” tiêu thụ.

Trong khi đó, theo Tổng cục Quản lý thị trường, các thủ đoạn được các đối tượng sử dụng như: Lập nhiều tài khoản Facebook và chạy quảng cáo, ảnh chụp sản phẩm tương đối chuyên nghiệp và không có địa chỉ, số điện thoại hoặc địa chỉ chung chung, khi khách hàng hỏi thì chỉ nhận inbox (nhắn tin riêng); một số người nổi tiếng thường xuyên chia sẻ, livestream bán hàng trên mạng xã hội,...

Anh Duy Khánh, ở Trung Văn (Nam Từ Liêm) chia sẻ, thực tế không ít người tiêu dùng biết hàng giả, hàng nhái, nhưng vẫn cố tình mua bởi giá rẻ và bởi sự “sang chảnh”; nhưng ít ai biết rằng, chính sự ham rẻ của mình lại trở thành hành vi tiếp tay cho việc tiêu thụ hàng giả, hàng kém chất lượng. Đặc biệt, để các kho hàng giả, hàng nhái tồn tại, không thể không nhắc đến lực lượng chức năng, bởi không chỉ những kho hàng giả được phát hiện thời gian qua, mà ngay trên địa bàn thành phố Hà Nội, nhiều kho hàng lớn tại Ninh Hiệp, La Phù, Phú Lãm (Hà Nội), hay tại Thổ Tang (Vĩnh Phúc)… vẫn ngang nhiên tồn tại. “Phải chăng tại các địa điểm trên lượng chức năng khó phát hiện, hay chế tài chưa thật sự đủ mạnh để xử lý những điểm nóng này?”, anh Khánh đặt câu hỏi.

Có thể thấy, trong nhiều năm qua, các cơ quan chức năng đã tấn công mạnh mẽ vào các đường dây, ổ nhóm, tụ điểm nổi cộm; tuy nhiên hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn “né tránh”, tái diễn và ngang nhiên xuất hiện trên thị trường thông qua các trang mạng xã hội, thậm chí len lỏi vào các sàn thương mại điện tử như Shoppe, Lazada,… Vấn đề này cũng đã được Tổng Cục quản lý thị trường thừa nhận và cho biết, nền tảng Thương mại điện tử là nơi người bán hàng lợi dụng để tiêu thụ, phân phối sản phẩm gian lận thương mại trong đó có hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả, hàng nhái, hàng cấm,...

Liên quan đến vấn đề trên, theo luật sư Đào Đăng Sơn (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội), điểm mấu chốt để ngăn chặn hàng giả, nhái, chống thất thu thuế là phải minh bạch được thông tin của sản phẩm, bao gồm như nhãn mác, xuất xứ, hóa đơn,… Tuy nhiên, Nghị định 52/2013/NĐ-CP về quy định về nhãn hiệu, thông tin sản phẩm trong việc bán hàng Thương mại điện tử vẫn còn là khoảng trống.

Theo luật sư Sơn, pháp luật quy định rõ, hành vi buôn bán hàng giả có thể bị xử phạt hành chính và nặng hơn nữa có thể bị truy tố trách nhiệm hình sự. Cụ thể như Nghị định số 185/2013/NĐ-CP của Chính phủ nêu rõ: với cá nhân, mức xử phạt từ 500.000 - 50 triệu đồng; đối với hành vi buôn bán hàng giả, tùy số lượng; với tổ chức, mức phạt gấp đôi. Trường hợp vi phạm nhiều lần, bán hàng giả trị giá từ 30 triệu đồng trở lên, hoặc thu lợi bất chính trên 50 triệu đồng có thể bị truy tố theo Điều 192 của Bộ luật Hình sự năm 2015,...

“Có vẻ mức phạt này so với lợi nhuận thu về được từ việc bán hàng trên mạng không có nghĩa lý gì. Bằng chứng là, chưa thấy có trường hợp nào bán hàng livestream các sản phẩm giả, nhái,… bị xử lý hình sự. Trong khi đó, những livestream bán hàng trong thời gian gần đây không có dấu hiệu giảm. Do đó, bên cạnh giải pháp thúc đẩy lĩnh vực kinh doanh online góp phần phát triển kinh tế, thì phải có chế tài quản lý đủ mạnh để lĩnh vực này phát triển lành mạnh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Thậm chí, cần có cả những chế tài xử lý đối với lực lượng chức năng buông lỏng quản lý, để hàng giả, hàng nhái tồn tại trên địa bàn mình quản lý. Có như vậy vấn đề hàng giả, hàng nhái mới được loại bỏ ra khỏi thị trường”, luật sư Sơn cho hay./.

Đỗ Đạt

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này