Doanh nghiệp chưa tận dụng được cơ hội từ CPTPP cho xuất nhập khẩu

14:56 | 12/04/2021
(LĐTĐ) Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã được thực thi hơn 2 năm (từ 1/4/2019). Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, xuất nhập khẩu mặc dù đang tận dụng một cách hiệu quả hơn cơ hội từ Hiệp định mang lại, tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề chưa ổn.
Thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu, kết nối giao thương qua các cửa khẩu biên giới Miễn thuế hàng hóa xuất, nhập khẩu theo điều ước quốc tế Sẽ soạn thảo Nghị định quản lý hải quan hàng xuất, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử

Theo phân tích của bà Nguyễn Cẩm Trang – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) tại Hội thảo "Hai năm thực thi CPTPP: Đánh giá từ góc nhìn doanh nghiệp", năm 2019, xuất khẩu sang 6 nước CPTPP của Việt Nam đạt 34,3 tỷ USD, tăng 8,1%. Năm 2020, xuất khẩu sang 6 nước CPTPP duy trì ở mức gần tương đương 2019, đạt 34 tỷ USD.

Tăng trưởng xuất khẩu một số mặt hàng kỳ vọng cho thấy, mặt hàng giày dép năm 2019 đạt 2,1 tỷ USD, tăng 15,1% so với năm 2018; năm 2020 giảm 12,2%, đạt 1,84 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu vào Canada và Mexico tăng nhanh.

Đối với ngành dệt may, năm 2019 đạt 5,3 tỷ USD, tăng 7,4% so với năm 2018. Năm 2020 giảm 9,6% so với năm 2019, đạt 4,8 tỷ USD. Mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ năm 2019 đạt 5,3 tỷ USD, tăng 7,4% so với năm 2018. Năm 2020 giảm 9,6% so với năm 2019, đạt 4,8 tỷ USD. Xuất khẩu vào Canada và Mexico tăng nhanh; sang New Zealand tăng nhưng quy mô nhỏ.

Doanh nghiệp chưa tận dụng được cơ hội từ CPTPP cho xuất nhập khẩu
Chuyên gia Kinh tế cao cấp Phạm Chi Lan cho rằng, nếu có những nguồn nhập khẩu tốt sẽ tạo ra được nguồn nội lực cho nền kinh tế (ảnh: BT)

Xuất khẩu hàng thủy sản sang 6 nước CPTPP trong năm 2019 đạt 2,13 tỷ USD, tăng 2,9% so với năm 2018. Năm 2020, trị giá xuất khẩu giảm nhẹ, đạt 2,1 tỷ USD, giảm 1,4% so với năm 2019. Riêng đối với mặt hàng thủy sản thì đáp ứng tiêu chí xuất xứ dễ dàng hơn.

Qua đó có thể khẳng định việc CPTPP có hiệu lực từ 2019 đã góp phần thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường đối tác. Tuy nhiên, theo Chuyên gia kinh tế cao cấp Phạm Chi Lan, con số xuất khẩu sang các nước không là thành viên của CPTPP vẫn mạnh hơn nhiều so với con số xuất khẩu sang các nước là thành viên CPTPP, đồng thời, chiều nhập khẩu vẫn còn nhiều hạn chế.

Theo bà Phạm Chi Lan, ở dòng đầu tư, có một số nước khác tham gia CPTPP hoặc không tham gia CPTPP nhưng muốn tận dụng vị trí của Việt Nam để có cơ hội xuất khẩu sang các nước thành viên CPTPP, tận dụng xuất sứ Việt Nam để có lợi cho họ, bớt đi sức ép. Nhiều nhà đầu tư chuyển nhà máy sang Việt Nam để xuất khẩu tại chỗ cho Việt Nam, từ đó Việt Nam xuất sang các nước CPTPP.

“Chúng ta thu hút được các đối tác ngoài CPTPP như vậy nhưng chúng ta lại chưa thu hút được các đối tác thành viên của CPTPP. Chúng ta chưa thấy được dòng đầu tư mạnh mẽ sang Việt Nam. Kể cả dòng đầu tư lớn nhất của các nước thành viên CPTPP sang Việt Nam như Nhật Bản, Singapore… thì vẫn chỉ ở trong những lĩnh vực như chúng ta mong muốn để tạo thành chuỗi cung ứng lớn. Tôi thấy mảng đầu tư chưa hiệu quả”, bà Chi Lan cho biết.

Ngoài lĩnh vực đầu tư, bà Chi Lan cũng cho rằng, một số lĩnh vực khác cũng chưa được như mong muốn. Nếu chỉ riêng nhìn vào con số xuất khẩu thì có thể thấy Việt Nam vẫn xuất khẩu rất mạnh sang Hoa Kỳ, Trung Quốc hơn là sang các nước thành viên CPTPP khác.

Còn chiều nhập khẩu thì cũng vậy, những nước Việt Nam nhập siêu nhiều nhất vẫn là Trung Quốc, Hàn Quốc, các nước ASEAN chứ không phải là các nước thành viên CPTPP, như vậy điều chúng ta quan tâm nhất như xuất nhập khẩu thì cũng còn nhiều vấn đề chưa ổn.

“Tôi hơi buồn vì chúng ta nhấn mạnh quá nhiều đến xuất khẩu mà không mấy quan tâm đến nhập khẩu. Nếu có những nguồn nhập khẩu tốt sẽ tạo ra được nguồn nội lực cho nền kinh tế, chứ không phải chỉ là nhập khẩu hình thức, xuất khẩu nhiều. Các ngành của Việt Nam thực tế chưa tăng được năng lực sản xuất của Việt Nam, đó là điều vô cùng đáng tiếc”, bà Chi Lan tỏ ra nuối tiếc khi Việt Nam chưa tận dụng được cơ hội với CPTPP ở khía cạnh này...

Theo các chuyên gia kinh tế, Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để tiếp tục tăng trưởng, đó là thị phần hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tại các nước đối tác CPTPP phần lớn còn thấp như Nhật Bản là chiếm 3,1%, 1,9% tại Australia, 1,6% tại New Zealand, 1,3% tại Mexico, 1,1% tại Canada, 1% tại Singapore.

Vì vậy, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, buộc doanh nghiệp phải nâng cao tiêu chuẩn hàng hóa xuất khẩu và hình thành các chuỗi giá trị.

Đức Hạnh

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này