Thở phào với đổi mới thi tốt nghiệp

06:44 | 02/03/2014
LĐTĐ -Quyết định của Bộ GD-ĐT về kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014 chỉ còn 4 môn, trong đó có 2 môn tự chọn khiến HS và phụ huynh thở phào nhẹ nhõm.

 Trái với tâm lý ấy, lãnh đạo các sở GD-ĐT và hầu hết thầy cô giáo - những người đảm đương trọng trách làm thi lại tỏ ra khá lo lắng bởi so với những năm trước, khâu tổ chức thi sẽ phức tạp hơn…

Con trẻ hào hứng 

Vài ngày nay, không khí tại các trường THPT trên địa bàn Hà Nội khá rôm rả trước quyết định của Bộ GD-ĐT về kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014. Hầu hết HS lớp 12 khi được hỏi đều tỏ ra phấn khởi, việc được chọn tới 50% số môn trong kỳ thi khiến các em hào hứng hơn trong ôn tập. Những mối lo của HS về một kỳ thi đang đến gần vì thế cũng phần nào nhẹ nhàng hơn so với mọi năm. Em Nguyễn Quang Anh, HS Trường THPT Trần Phú cho biết: Chỉ thi 4 môn nên lịch ôn tập cũng thoáng hơn. Phấn khởi nhất là với việc được chọn môn thi, các bạn dù học theo ban khoa học tự nhiên hay ban khoa học xã hội đều không cảm thấy lo lắng, thấp thỏm như các anh chị ở khóa trước. Vì thế động lực học tập có phần tăng hơn. 
 

Các thí sinh làm bài tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2013. Ảnh: Viết Thành
Các thí sinh làm bài tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2013. Ảnh: Viết Thành


Là hiệu trưởng một trường THPT có "đầu vào" thấp, nhà giáo Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng Trường THPT dân lập Đinh Tiên Hoàng nhận định: Quyết định của Bộ GD-ĐT là hợp lý, góp phần giảm tải cho kỳ thi vốn đang còn nhiều căng thẳng không đáng có. HS sẽ bớt áp lực trong việc ôn thi và phần nào phát huy được năng lực, sở trường. Thầy Nguyễn Tùng Lâm dự đoán việc ôn tập của HS cũng hiệu quả hơn bởi chắc chắn các em sẽ chọn môn thi tốt nghiệp theo khối thi ĐH. 

Dù ủng hộ cách thức thi này, nhưng nhiều vị hiệu trưởng cũng tỏ ra băn khoăn khi chuẩn bị bắt tay vào việc xây dựng kế hoạch ôn tập cho HS. Việc cho phép HS được tự chọn môn thi sẽ dẫn đến tình trạng có môn sẽ rất đông HS đăng ký, có môn lại ít. Những trường đông HS lớp 12 sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc bố trí giáo viên, phòng học để phục vụ HS ôn tập. Tình trạng giáo viên môn này năm nào cũng bận, người dạy môn kia thì lại rảnh rang cũng đang là trăn trở của ban giám hiệu một số trường nếu cách thức thi này kéo dài… 

Người lớn thấp thỏm 

Nếu như HS thở phào nhẹ nhõm khi biết trước môn thi tốt nghiệp sớm hơn một tháng (mọi năm các môn thi được công bố vào cuối tháng 3) thì hầu hết cán bộ quản lý ngành GD-ĐT các địa phương vẫn đang thấp thỏm chờ hướng dẫn triển khai phương án thi mới từ Bộ GD-ĐT. Cho đến thời điểm này, các địa phương phản ánh chưa nhận được văn bản chính thức thông báo và hướng dẫn cụ thể nào về kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014. Việc cập nhật mọi thông tin về kỳ thi hầu hết đều qua các phương tiện truyền thông.

Thông tin từ Bộ GD-ĐT ngày 1-3 cho biết đã hoàn thành dự thảo sửa đổi, bổ sung quy chế thi tốt nghiệp THPT, dự kiến áp dụng từ năm 2014. Điểm mới đáng chú ý tại dự thảo này là thời gian thi của hai môn ngữ văn và toán chỉ còn 120 phút/môn, thay vì 150 phút/môn như năm trước. Việc điều chỉnh này - theo lý giải của các thành viên ban soạn thảo là nhằm giảm áp lực cho thí sinh và bớt tốn kém theo tinh thần của Nghị quyết 29-NQ/TƯ. Điểm mới nữa là quy định thành lập tại mỗi trường phổ thông một hội đồng coi thi. Như vậy, thí sinh của mỗi hội đồng coi thi phải cùng một trường, thay cho quy định trước đây là có thể gồm HS của nhiều trường. 

Tuy nhiên, tại dự thảo thông tư sửa đổi này, cả hai công thức tính điểm xét tốt nghiệp THPT và xếp loại tốt nghiệp THPT, ngoài phần điểm thi thì chỉ sử dụng điểm trung bình cả năm lớp 12 mà không sử dụng thành tố là kết quả rèn luyện của HS ở lớp 12 như Bộ GD-ĐT đã công bố trước đó. Nếu đánh giá cả quá trình phấn đấu của HS mà chỉ có phần trí dục, bỏ qua phần đức dục thì liệu kết quả đánh giá liệu có chính xác, khách quan và công bằng đối với mọi HS hay không? Đó cũng là băn khoăn của nhiều thầy, cô giáo. 

Đại diện Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết năm 2014 Hà Nội có khoảng 76 nghìn thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp. Với số lượng thí sinh đông nhất trong số các địa phương, việc tổ chức kỳ thi nếu được chủ động chuẩn bị sớm sẽ hạn chế được tối đa nhầm lẫn. Mối lo được đề cập nhiều nhất là bố trí lịch thi tốt nghiệp sao cho HS thực sự được "giảm tải". Nhiều thầy, cô giáo cho rằng, không phải số ngày thi giảm mà HS bớt vất vả, mà ngược lại, với cách thức thi năm nay, có em sẽ phải thi 3 môn trong một ngày. Việc được tự chọn môn thi của HS còn kéo theo mối lo về việc chuẩn bị cơ sở vật chất, bố trí phòng thi ra sao cho "chuẩn" với số thí sinh đăng ký. Vì vậy, quy định "chốt" thời hạn được đổi môn thi là điều cần thiết mà Bộ GD-ĐT cần quyết sớm để không gây ảnh hưởng đến các khâu khác. 

Nhiều năm nay, Hà Nội vẫn duy trì việc tổ chức các hội đồng coi thi liên trường, tức là mỗi hội đồng coi thi gồm nhiều trường trên cùng địa bàn. Tuy nhiên, trước những dự kiến điều chỉnh của Bộ GD-ĐT, cũng như các địa phương khác, lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội đang thấp thỏm chờ hướng dẫn chi tiết để có những điều chỉnh phù hợp về cách thức tổ chức thi nhằm đạt mục tiêu cao nhất là thực chất trong đánh giá.
 

- Hình thức thi và thời gian làm bài đối với mỗi môn thi: 
+ Toán, ngữ văn - thi theo hình thức tự luận: 120 phút. 
+ Lịch sử, địa lý - tự luận: 90 phút. 
+ Vật lý, hóa học, sinh học (trắc nghiệm), ngoại ngữ - (kết hợp tự luận và trắc nghiệm): 60 phút. 

- Mỗi thí sinh chỉ có một số báo danh. 

- Phòng thi được xếp theo môn thi. Mỗi phòng thi có 24 thí sinh. Trong trường hợp đặc biệt, thí sinh dự thi các môn ngoại ngữ khác nhau có thể được xếp trong cùng một phòng thi nhưng phải nộp bài riêng theo môn.

-  Điểm xét tốt nghiệp:

 

ĐXTN =

Tổng điểm 4 bài thi + Tổng điểm khuyến khích (nếu có)

Điểm trung

+ bình cả năm

lớp 12

4

2

 

- Điểm xếp loại tốt nghiệp:

ĐXL  =

Điểm trung bình 4 bài thi + Điểm trung bình cả năm lớp 12

2

 

Nguồn HNMO

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này