Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội:

Thiết thực, hiệu quả từ phong trào thi đua mang đặc thù ngành nghề

21:54 | 08/04/2021
(LĐTĐ) Các phong trào thi đua, cuộc vận động mang tính đặc thù ngành nghề như “Giỏi việc trường - Đảm việc nhà”, “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”, “Hai tốt”... không chỉ có tác động mạnh mẽ tới việc xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ giáo viên, nhân viên mà còn thực sự gắn kết được với đức tính đặc trưng cao quý của người làm nghề dạy học.
Tôn vinh vẻ đẹp, tài năng nữ nhà giáo Hà Nội Đẩy mạnh phong trào thi đua “Giỏi việc trường - Đảm việc nhà” trong nữ giáo viên Thủ đô Thiết thực chăm lo đời sống cán bộ giáo viên, nhân viên

Điển hình là phong trào “Giỏi việc trường - Đảm việc nhà”. Với đặc thù tỷ lệ nữ cán bộ giáo viên, nhân viên chiếm trên 80%, thời gian qua, phong trào thi đua “Giỏi việc trường - Đảm việc nhà” trong nữ cán bộ giáo viên, nhân viên ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội ngày càng có sức lan tỏa và đi vào chiều sâu.

Theo đó, đội ngũ nữ cán bộ giáo viên, nhân viên Thủ đô đã không ngừng đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng giảng dạy, quản lý và nghiên cứu khoa học để phấn đấu “Giỏi việc trường”. Dù ở bất kỳ cương vị công tác nào, trong giảng dạy cũng như trong công tác quản lý, với ý thức nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, bằng niềm say mê học tập, tích cực đổi mới phương pháp quản lý, phương pháp dạy học và giáo dục học sinh, đội ngũ nữ cán bộ giáo viên đã có những đóng góp quan trọng vào việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong mỗi nhà trường.

Thiết thực, hiệu quả từ phong trào thi đua mang đặc thù ngành nghề
Từ phong trào thi đua “Giỏi việc trường - Đảm việc nhà”, nhiều cô giáo đã rèn luyện, phấn đấu và có những tiến bộ vượt bậc, đạt được nhiều thành tích cao trong công tác. (Ảnh minh họa)

Các cô đã tích cực thi đua, đổi mới sáng tạo, có nhiều sáng kiến kinh nghiệm trong giảng dạy. Phong trào viết sáng kiến kinh nghiệm, nghiên cứu khoa học, đồ dụng dạy học tự làm được đội ngũ nữ nhà giáo nhiệt tình hưởng ứng. Nhiều đồ dùng dạy học và sáng kiến kinh nghiệm được vận dụng trong thực tiễn và đạt hiệu quả cao.

Đặc biệt, trong đợt dịch Covid-19, toàn Ngành triển khai việc xây dựng kế hoạch, dạy học trực tuyến và dạy học trên truyền hình nhằm giúp các em học sinh “Tạm dừng đến trường, không dừng học”, các nhà giáo nói chung và nữ nhà giáo nói riêng đã vượt qua mọi khó khăn để dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền hình. Nhiều nhà giáo rất hạn chế về công nghệ thông tin cũng đã học hỏi để dạy học trực tuyến, đặc biệt các nhà giáo cao tuổi. Tiêu biểu như: Cô giáo Nguyễn Thị Phương Loan (Phó Hiệu trưởng trường Nguyễn Trãi, quận Ba Đình), cô giáo Nguyễn Thị Huyền (Trường Trung học phổ thông Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín), cô giáo Nguyễn Thị Anh (Trường Trung học phổ thông Phú Xuyên B, huyện Phú Xuyên), cô giáo Nguyễn Thị Hằng (Trường Trung học phổ thông Chương Mỹ A, huyện Chương Mỹ)…

Ngoài ra, các nữ nhà giáo cũng tích cực tham gia các hoạt động phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao cấp trường, cấp cụm trường và cấp Thành phố. Sự lao động tận tụy, tình yêu nghề và tấm lòng nhân ái luôn được mỗi nữ giáo viên, cán bộ quản lý phát huy và lưu giữ như một tài sản quý báu của nghề dạy học để làm nên những thành tích mới, xứng đáng là “tấm gương sáng” để đồng nghiệp học tập và học sinh noi theo.

Bên cạnh việc thực hiện tốt các nhiệm vụ chuyên môn tại nhà trường, các nữ nhà giáo Thủ đô còn đảm đang sắp xếp chu toàn công việc gia đình, nuôi con khỏe, dạy con ngoan, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc. Một số cô giáo có hoàn cảnh khó khăn, đã tăng gia sản xuất, mở thêm nghề phụ tăng thêm thu nhập, giúp kinh tế gia đình ổn định. Các cô đã làm tốt chức năng người vợ, người mẹ, người con trong gia đình, trong việc giáo dục con cái chăm ngoan học giỏi, chăm sóc ông bà, cha mẹ, giúp chồng phấn đấu vươn lên hoàn thành nhiệm vụ. Các cô không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn mà còn là người “giữ lửa” xây dựng tổ ấm hạnh phúc gia đình, là người mẹ mẫu mực, người vợ đảm đang, khéo léo tổ chức cuộc sống gia đình.

Thiết thực, hiệu quả từ phong trào thi đua mang đặc thù ngành nghề
Không chỉ thúc đẩy mỗi tập thể, cá nhân vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, phong trào “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học” còn tạo làn gió mới, góp phần tích cực trong việc thực hiện các mục tiêu giáo dục.

Theo Phó Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội Đỗ Văn Nam, thông qua phong trào, nhiều nữ nhà giáo đã được rèn luyện, trở thành nhà giáo mẫu mực; cán bộ quản lý, cán bộ công đoàn giỏi; góp phần đáng kể nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo. Từ phong trào thi đua “Giỏi việc trường - Đảm việc nhà”, nhiều cô giáo đã rèn luyện, phấn đấu và có những tiến bộ vượt bậc, đạt được nhiều thành tích cao trong công tác.

Hay với phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”, các cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên mỗi ngày đến trường luôn suy nghĩ để có những việc làm đổi mới, các giáo viên luôn đổi mới phương pháp giảng dạy để có những bài giảng hay hơn. Trong học kỳ 1 năm học 2020 - 2021, đã có trên 3.903 nhóm “Nhà giáo cùng nhau phát triển”, số sản phẩm đổi mới sáng tạo là 6.619. Phong trào viết sáng kiến kinh nghiệm, tự làm đồ dùng dạy học cũng được cán bộ giáo viên, nhân viên trong toàn Ngành tích cực hưởng ứng, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học của từng nhà trường.

Cùng với đó là những hoạt động nhân ái, từ thiện giúp đỡ các học sinh khó khăn trong và ngoài trường luôn được đội ngũ cán bộ giáo viên, nhân viên hưởng ứng tham gia, thực hiện. Bằng tình thương, trách nhiệm của nhà giáo, nhiều cán bộ giáo viên đã cảm thông, chia sẻ trước những khó khăn, mất mát của học sinh, không chỉ ủng hộ về vật chất mà còn sát cánh với học sinh về mặt tinh thần.

Phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới, Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội sẽ tiếp tục tổ chức nhiều phong trào thi đua theo hướng đi vào chiều sâu cũng như đa dạng hóa về hình thức để thu hút đông đảo cán bộ giáo viên, nhân viên toàn Ngành hưởng ứng; từ đó góp phần quan trọng vào sự phát triển giáo dục của Thành phố...

T.P

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này