Việt Nam sau 2 năm thực thi CPTPP:

Khả năng tận dụng lợi ích từ CPTPP vẫn còn khiêm tốn

19:06 | 07/04/2021
(LĐTĐ) Sáng nay 7/4, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức Hội thảo “Đánh giá 2 năm thực thi Hiệp định CPTPP tại Việt Nam từ góc nhìn doanh nghiệp”. Hội thảo nhằm tổng kết, đánh giá các vấn đề trong thực thi Hiệp định này và đưa ra khuyến nghị cho nhà nước, doanh nghiệp trong thời gian tới.
Việt Nam thu hút sự quan tâm lớn của các doanh nghiệp Canada và thế giới Ngành Công Thương công bố 10 sự kiện nổi bật năm 2020

Theo báo cáo tổng kết 2 năm thực thi Hiệp định CPTPP của VCCI, do năm 2020 kinh tế Việt Nam và thế giới bị xáo trộn nghiêm trọng theo cách chưa từng có tiền lệ dưới tác động của đại dịch Covid-19, các kết quả thực thi CPTPP từ khi có hiệu lực đến nay hầu như chỉ có thể được phản ánh tương đối xác thực thông qua các dữ liệu thống kê của năm 2019. Vì vậy, các đánh giá về kết quả hoạt động thương mại, đầu tư trong giai đoạn đầu trong báo cáo này được thực hiện trên các số liệu của 2019 là chủ yếu.

Theo đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các đối tác CPTPP năm 2019 đạt tăng trưởng trung bình 7,2% so với năm 2018, trong khi nhập khẩu chỉ tăng nhẹ ở mức 0,7%. Xuất khẩu sang các thị trường mới trong CPTPP ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng (trong khoảng từ 26%-36%). Trong bối cảnh hầu như tất cả các đối tác CPTPP đều giảm nhập khẩu năm 2019, việc Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng này cho thấy CPTPP đang ít nhiều tạo ra những tác động ban đầu tích cực.

Khả năng tận dụng lợi ích từ CPTPP vẫn còn khiêm tốn
Hội thảo “Đánh giá 2 năm thực thi Hiệp định CPTPP tại Việt Nam từ góc nhìn doanh nghiệp”

Đặc biệt, CPTPP đang thể hiện hiệu ứng tốt trong mở đường cho hàng hóa xuất khẩu Việt Nam tiến vào châu Mỹ một cách trực tiếp (ở các thị trường mà CPTPP đã có hiệu lực, gồm Canada và Mexico) và cả gián tiếp (thông qua động lực thúc đẩy thương mại song phương với các thị trường mà CPTPP chưa có hiệu lực như Peru, Chile).

Tuy nhiên, trong so sánh với mặt bằng chung, lợi ích từ CPTPP còn khiêm tốn. Tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu đi các thị trường CPTPP (7,2%) thấp hơn so với mức 8,4% tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu đi toàn thế giới trong cùng thời kỳ.

Hơn nữa, với một số thị trường CPTPP, đà tăng trưởng xuất khẩu giai đoạn trước khi có CPTPP vốn cũng đã ở mức cao hơn đáng kể so với trung bình xuất khẩu đi các thị trường khác, cho thấy CPTPP dường như chỉ có tác động bổ trợ nào đó cho đà tăng tự nhiên này.

Tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan CPTPP của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam năm 2019 chỉ đạt 1,67%, mức rất thấp không chỉ so với mức trung bình năm 2019 (37,2%) mà còn so với tỷ lệ tận dụng năm đầu tiên của nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) khác. Đây là chỉ dấu rất đáng quan ngại, cho thấy khả năng hiện thực hóa các lợi ích xuất khẩu trực tiếp từ Hiệp định này của Việt Nam còn hạn chế.

Một số nguyên nhân khách quan có thể dẫn tới thực tế này, ví dụ các ưu đãi thuế quan CPTPP giai đoạn đầu còn thấp so với ưu đãi của các FTA mà Việt Nam đã có với cùng các đối tác, hay quy tắc xuất xứ của CPTPP tương đối phức tạp và khác biệt so với các FTA, đòi hỏi thời gian để tìm hiểu và điều chỉnh sản xuất. Mặc dù vậy, không thể bỏ qua những hạn chế đáng kể từ góc độ chủ quan trong nhận thức hay năng lực tận dụng ưu đãi của doanh nghiệp.

Từ góc độ thu hút đầu tư nước ngoài, kết quả năm đầu thực thi CPTPP không mấy khả quan. Năm 2019, Việt Nam thu hút xấp xỉ 9,5 tỷ USD vốn đầu tư từ các nước CPTPP, giảm gần 36% so với năm 2018. Năm 2020, tình hình được cải thiện hơn, khi tổng vốn đầu tư thu hút từ các đối tác CPTPP đạt 11,8 tỷ USD, tăng 24,4% so với 2019 trong bối cảnh tổng vốn đầu tư nước ngoài mà Việt Nam thu hút trong năm này giảm gần 25%.

Cũng theo báo cáo từ VCCI, để chuẩn bị cho tương lai xa mà ở đó Hiệp định CPTPP và các FTA có thể là một trợ lực hiệu quả, có tới 3/4 số doanh nghiệp cho biết họ đã và đang có kế hoạch điều chỉnh kinh doanh để tận dụng các hiệp định này. Đầu tiên là điều chỉnh để củng cố, cải thiện năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Sau đó, tính toán tận dụng các cơ hội thị trường trực diện từ Hiệp định CPTPP và các FTA. Cuối cùng, là các kế hoạch để sẵn sàng cho những cơ hội tầm xa.

Về mức độ hiểu biết của doanh nghiệp về Hiệp định CPTPP, có 69% doanh nghiệp nghe nói hoặc biết sơ bộ về Hiệp định này, cao hơn tất cả các FTA khác, 25% doanh nghiệp có hiểu biết nhất định. Tuy nhiên, 20 doanh nghiệp mới chỉ có 1 doanh nghiệp biết rõ về các cam kết Hiệp định CPTPP liên quan tới hoạt động kinh doanh của mình.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, cho hay, nhiều doanh nghiệp đánh giá rằng sự thua kém về năng lực cạnh tranh của chính doanh nghiệp so với các đối thủ sẽ cản trở việc hiện thực hóa các cơ hội kỳ vọng từ Hiệp định CPTPP và các hiệp định trong tương lai.

Còn theo bà Nguyễn Thị Thu Trang – Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, VCCI đã tiến hành khảo sát các doanh nghiệp về Hiệp định CPTPP, thì có tới 6,84 doanh nghiệp tư nhân không biết gì về CPTPP; chỉ có 27,27% doanh nghiệp Nhà nước và 22,63% doanh nghiệp tư nhân có biết về CPTPP.

Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, Việt Nam là một trong những thành viên có cơ hội tận dụng những ưu đãi tốt nhất từ CPTPP nhưng khả năng tận dụng Hiệp định của các doanh nghiệp Việt Nam hiện vẫn còn khiêm tốn. Hoạt động xuất khẩu chủ yếu vẫn dựa vào các thị trường quen thuộc.

Dấu ấn của CPTPP sau 2 năm được VCCI nhấn mạnh là các biện pháp cải cách hành chính, chính sách, pháp luật ở Việt Nam để thực thi CPTPP như ban hành các văn bản thực thi, tháo gỡ vướng mắc cấp chứng nhận xuất xứ, thủ tục tại cảng… Đây là những cải cách nội tại để Việt Nam có thể tận dụng CPTPP cũng như các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới được đẩy mạnh so với thời gian trước.

Bảo Thoa

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này