Nhận diện các ngành hút vốn trong thập niên mới

11:25 | 09/04/2021
(LĐTĐ) Các chuyên gia kinh tế nhận định, lĩnh vực bảo hiểm hưu trí, bảo hiểm sức khỏe và quản lý tài sản – trong đó có thị trường chứng khoán sẽ có sự phát triển vượt bậc trên thị trường vốn Việt Nam trong thập niên mới.
Cần khắc phục điểm yếu của nhân lực công nghệ để thu hút vốn đầu tư Cần nâng cấp doanh nghiệp để thu hút vốn đầu tư nước ngoài

Một số điểm nhấn về bối cảnh kinh tế

Phân tích một số điểm nhấn về bối cảnh kinh tế Việt Nam trong thời kỳ mới tại Diễn đàn Thị trường vốn, ông Phạm Tiến Dũng - Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán Bảo Việt cho biết, Việt Nam là nền kinh tế mở cửa, tham gia tích cực vào nhiều hiệp định thương mại và chuỗi cung ứng toàn cầu, là điểm đến ưa thích của nguồn vốn FDI; tỷ lệ đô thị hóa của Việt Nam còn thấp vẫn còn tiềm năng tăng trong tương lai; số người có độ tuổi trên 65 ở Việt Nam tăng nhanh; tầng lớp trung lưu ngày càng tăng trong khi tỷ trọng ngành dịch vụ trong GDP còn thấp; dân số trẻ, cởi mở, năng động…

Nhận diện các ngành hút vốn trong thập niên mới
Bảo hiểm là một trong những ngành thu hút vốn mạnh mẽ trong thời gian tới. Ảnh minh họa

Từ bối cảnh trên cho thấy nhiều cơ hội được mở ra đối với thị trường vốn trong tương lai như: Nền kinh tế với độ mở cao, có sự quan tâm lớn của nguồn vốn FDI, là mắt xích trong chuỗi sản xuất toàn cầu mở ra cơ hội cho các ngành hạ tầng, xây dựng hạ tầng, logistics…Tỷ lệ đô thị hóa còn thấp so với tiềm năng mở ra cơ hội cho các bất động sản, ngành xây dựng, bán lẻ, giao thông vận tải… Bên cạnh đó, xu hướng tiêu dùng cá nhân ngày càng quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng mở ra cơ hội phát triển cho các ngành bán lẻ, tài chính tiêu dùng, công nghệ, fintech…

Trong tương lai dân số đang có xu hướng già hóa, nhưng thu nhập của người dân liên tục tăng và có thể đạt tới 50% dân số thuộc vào tầng lớp trung lưu vào năm 2035: mở ra cơ hội cho các ngành liên quan tới chăm sóc, nâng cao sức khỏe như nông nghiệp hữu cơ, chăm sóc sức khỏe, bảo hiểm hưu trí, ngành quản lý tài sản, quản lý gia sản…

Ông Phạm Tiến Dũng nhận định, sẽ có 2 ngành có tiềm năng tăng trưởng và có liên quan mật thiết tới sự phát triển của thị trường vốn là ngành bảo hiểm và quản lý tài sản.

Tiềm năng ở lĩnh vực bảo hiểm và quản lý tài sản

Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán Bảo Việt cho biết, ở lĩnh vực bảo hiểm hưu trí, bảo hiểm sức khỏe và quản lý tài sản, qua phân tích cho thấy chi phí cho bảo hiểm có quan hệ chặt với thu nhập bình quân đầu người. Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng trưởng ngành bảo hiểm cao nhất giai đoạn 2013-2020. Tốc độ tăng trưởng của bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm phi nhân thọ đều đạt mức cao trong những năm vừa qua, tuy nhiên tỷ lệ thâm nhập vẫn còn thấp so với khu vực.

Tỷ lệ thâm nhập ngành bảo hiểm tăng dần qua các năm, trong đó bảo hiểm Nhân thọ có tốc độ thâm nhập nhanh hơn trong khoảng 5 năm trở lại đây. Phí bảo hiểm đầu người (đã điều chỉnh yếu tố lạm phát) do đó cũng tăng trưởng mạnh. Mặc dù ghi nhận tốc độ tăng trưởng nhanh, nhưng tỷ lệ thâm nhập bảo hiểm thị trường Việt Nam hiện tại là 2,2%, còn tương đối thấp so với trung bình thế giới (7,23%)

Trong khi các khoản chi phí chăm sóc y tế được thực hiện chủ yếu từ nguồn ngân sách Nhà nước tại các nước phát triển trên thế giới với tỷ trọng khoảng 68-70% tổng chi phí. Tại các nước Asean, tỷ lệ này đều ở mức thấp (10-45%), ngoại trừ nước phát triển hơn là Indonesia, Thái Lan. Tại Việt Nam, chỉ có khoảng 40% tổng chi phí chăm sóc sức khỏe được chi trả từ nguồn ngân sách kể từ năm 2000. Đối với phần ngoài ngân sách, người dân Việt Nam đang phải tự chi trả hoàn toàn. Người Việt Nam vẫn đang phải bỏ tiền túi để chi trả cho các chi phí y tế và chăm sóc sức khỏe không được ngân sách nhà nước tài trợ. Tại các nước phát triển và các quốc gia phát triển hơn trong khu vực, các công ty bảo hiểm chi trả bình quân khoảng 25% phần ngoài ngân sách nhà nước tài trợ.

Như vậy, thị trường bảo hiểm sức khỏe còn khá nhiều tiềm năng do người dân ngày càng nhận thức được tầm quan trọng của sản phẩm này. Trong đó, bảo hiểm hưu trí được coi là sản phẩm bảo hiểm của tương lai vì tốc độ già hóa tăng nhanh của dân số Việt Nam và chủ trương của Chính phủ trong cải cách hệ thống hưu trí. Bảo hiểm đầu tư cũng sẽ tiếp tục đem lại động lực tăng trưởng cho thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam trong giai đoạn phục hồi và tăng trưởng của nền kinh tế.

Thị trường bảo hiểm sức khỏe còn khá nhiều tiềm năng do người dân ngày càng nhận thức được tầm quan trọng của sản phẩm này. Trong đó, bảo hiểm hưu trí được coi là sản phẩm bảo hiểm của tương lai vì tốc độ già hóa tăng nhanh của dân số Việt Nam và chủ trương của Chính phủ trong cải cách hệ thống hưu trí. Bảo hiểm đầu tư cũng sẽ tiếp tục đem lại động lực tăng trưởng cho thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam trong giai đoạn phục hồi và tăng trưởng của nền kinh tế.

Bên cạnh ngành bảo hiểm, ngành quản lý tài sản có nhiều tiềm năng tăng trưởng khi tầng lớp trung lưu tăng nhanh. Quy mô thị trường cổ phiếu tăng trưởng liên tục, hiện đã tiến sát tới 100% quy mô GDP. Không chỉ tăng trưởng về quy mô, thị trường chứng khoán đã có mức tăng trưởng kép 13%/năm trong 10 năm gần đây, cho thấy sự hấp dẫn của thị trường này. Chính vì lý do này khiến dòng tiền ở nhiều kênh đầu tư khác có sự chuyển hướng và quan tâm hơn tới thị trường chứng khoán. Hiện giá trị giao dịch của thị trường chứng khoán đang đạt tới 18 ngàn tỷ/phiên. Giá trị giao dịch toàn thị trường ước tính năm 2021 có thể đạt tới gần 4tr triệu tỷ.

Theo phân tích của giới chuyên gia kinh tế, thị trường chứng khoán Việt Nam hiện có nhà đầu tư cá nhân tham gia tỷ trọng lớn, nhưng tỷ trọng tiếp cận dịch vụ quản lý quỹ, tài sản còn thấp. Tỷ trọng giao dịch của nhà đầu tư cá nhân vẫn chiếm trên 70%, và đạt tới 80% ở những thời điểm thị trường diễn biến tích cực. Tỷ trọng nhà đầu tư cá nhân lớn dẫn đến yêu cầu về dịch vụ quản lý tài chính, quản lý tài sản chuyên nghiệp. Khi so sánh với các quốc gia trong khu vực cũng như trên thế giới, có thể thấy tỷ trọng vốn hóa của các quỹ đầu tư so với GDP tại Việt Nam là còn khá khiêm tốn. Tuy nhiên đây cũng là điểm cộng cho thấy, ngành này tại Việt Nam vẫn còn rất nhiều dư địa để phát triển.

“Kỷ nguyên 4.0 sẽ thay đổi phương thức các ngân hàng đầu tư, các công ty chứng khoán, các quỹ đầu tư tương tác với khách hàng, mô hình kinh doanh truyền thống sẽ thay đổi. Cùng với đó, rất nhiều công việc tương lai máy tính sẽ làm thay cho con người. Sự gia tăng của tự động hoá trong ngành tài chính không chỉ thay đổi tốc độ và hình thức của thị trường chứng khoán. Trong thực tế, nó cũng đòi hỏi sự thay đổi về chức năng thị trường, những tác động đối với nền kinh tế, quản trị doanh nghiệp và sự ổn định tài chính. Vì vậy, đầu tư cho công nghệ và trí tuệ nhân tạo cũng là xu hướng tương lai”, ông Phạm Tiến Dũng phân tích thêm./.

Bảo Thoa

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này