Bao giờ mới thực học, thực nghiệp?

11:07 | 04/03/2014
LĐTĐ - Làm gì để gắn đào tạo với sử dụng nguồn nhân lực hiệu quả luôn là vấn đề nóng được đặt lên bàn nghị sự của quốc gia, cũng như tại các buổi hội thảo về nguồn nhân lực của các doanh nghiệp những năm gần đây. Tuy nhiên, bài toán thực học, thực nghiệp sẽ còn là câu hỏi ngỏ nếu việc học giả, bằng giả, chất lượng ảo vẫn còn “đất dụng võ”…

Bằng giả lọt được  vào cơ quan, doanh nghiệp nhà nước

Tại phiên họp của Hội đồng Quốc gia về giáo dục và phát triển nhân lực giai đoạn 2011-2015 mới đây, GS.TSKH Nguyễn Minh Đường - thành viên Hội đồng Quốc gia nêu thực tiễn của việc đào tạo không gắn với sử dụng, khi mỗi năm có hàng vạn sinh viên tốt nghiệp đại học không có việc làm. Ngay cả các trường dạy nghề cũng vậy, trong lúc các doanh nghiệp cần công nhân lại không tuyển được. Rõ ràng, ta đang đào tạo một đằng, sử dụng một nẻo. Sự bất cập về đào tạo này gây lãng phí lớn cho Nhà nước và xã hội, lãng phí lớn cho thế hệ trẻ.

Còn Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã không giấu được nỗi bức xúc và khẳng định: “Thực tế, những người có bằng giả, hay bằng thật nhưng chất lượng giả chỉ có thể chui vào hệ thống công chức nhà nước, chứ không thể vào được các doanh nghiệp tư nhân hay doanh nghiệp nước ngoài. Đội ngũ cán bộ tổ chức doanh nghiệp tư nhân không chuyên như chúng ta mà họ lại lọc được, còn chúng ta thì lại không?”.
Đồng quan điểm, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu: “Nếu cơ chế tuyển người và sử dụng người trong các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp nhà nước mà đổi mới theo chất lượng thì chất lượng giáo dục sẽ tự nhiên kéo theo”.

Trao đổi tại phiên họp, ông Nguyễn Tiến Dĩnh - Thứ trưởng Bộ Nội vụ khẳng  định: “Vấn đề gắn giữa đào tạo với sử dụng là hết sức quan trọng. Ngoài đào tạo nghề thì việc xây dựng vị trí việc làm, cơ cấu công chức cũng rất quan trọng. Trong một cơ quan không nhất thiết cứ phải có bằng đại học cả mà có thể có trung cấp, cao đẳng... Vấn đề là xác định cơ cấu công chức, cơ cấu các nghề trong các cơ quan, đơn vị sử dụng. Nếu không thì xu hướng phấn đấu học để có bằng đại học sẽ khó có thể thay đổi được”.

“Ở nhiều cơ quan nhà nước, tôi thấy còn đưa ra tiêu chí chỉ nhận bằng cấp trên đại học như thạc sĩ, tiến sĩ. Điều này cho thấy ta vẫn còn quá nặng về bằng cấp. Thiết nghĩ,  trình độ đó chỉ tập trung cho các cơ sở nghiên cứu thì phù hợp hơn. Còn không chỉ cần tuyển cử nhân nhưng có bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ, về kỹ năng thì phù hợp hơn” - ông Dĩnh nêu vấn đề.

Bổ sung làm rõ vẫn đề, Thứ trưởng Bộ LĐTB và XH Doãn Mậu Diệp nêu ví dụ, ở một số địa phương, số học sinh theo học nghề chỉ bằng 1/10 so với cao đẳng và đại học. Đơn cử Hà Tĩnh chỉ có 800 em học nghề, so với 9.000 người theo học đại học, cao đẳng.

Đã đến lúc cần gì học nấy!

Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh, nhiều nước đã xã hội hóa giáo dục, đào tạo tín chỉ theo hướng “cần gì học nấy”, chứ không nhất quyết phải vào đại học như ở Việt Nam. Vì thế, một trong những vấn đề quan trọng hiện nay đó là xây dựng chế độ chính sách trong các bậc học cần phải được rõ ràng, cần có sự khuyến khích đối với học nghề, trung cấp, cao đẳng đối với các bậc khác cho phù hợp. Nếu điều này không làm được thì sẽ rất khó phân luồng bởi gia đình, học sinh nào cũng muốn phấn đấu có tấm bằng ĐH. Đồng thời, phải có sự xác định vị trí việc làm, cơ cấu công chức, xác định ngành nghề ứng với các bậc học ở trong các cơ quan để có thể sử dụng cho phù hợp. Có như vậy mới phát huy được đào tạo nghề, trung cấp, cao đẳng và ĐH.

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp bổ sung, tại nhiều nước, hằng năm đều tổ chức các vòng điều tra về nhu cầu nhân lực của doanh nghiệp trong năm tới hay 5 năm tiếp theo. Từ đây, ngành giáo dục đào tạo sẽ căn cứ để phân bổ và phân phối chỉ tiêu tuyển sinh.

GS.TSKH Nguyễn Minh Đường đề xuất,  Nhà nước - mà cụ thể cơ quan quản lý lao động - cần xây dựng được kế hoạch phát triển nhân lực hằng năm. Như vậy đào tạo mới gắn được với tuyển dụng.

Còn Bộ trưởng Bộ GDĐT Phạm Vũ Luận vẫn thiết tha đề nghị Bộ Nội vụ cần rất nhanh chóng có đề án đổi mới tuyển dụng cán bộ viên chức, công chức. Có như vậy việc thực học và thực nghiệp mới trở thành hiện thực.

Hữu Thành

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này