Đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng để át "tín dụng đen"

09:41 | 06/04/2021
(LĐTĐ) Do không đủ điều kiện để vay từ ngân hàng, nhiều người dân đã buộc phải vay từ “tín dụng đen” để phục vụ nhu cầu tiêu dùng. Điều này làm ảnh hưởng không nhỏ tới nền kinh tế cũng như trật tự an ninh xã hội. Bởi vậy, để hạn chế "tín dụng đen", cần nâng cao cơ hội tiếp cận tài chính cho người dân, đặc biệt là người dân có thu nhập thấp thuộc nhóm khách hàng “bị từ chối” bởi các ngân hàng thương mại.
Hà Nội sắp triển khai đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm “tín dụng đen” Quyết liệt phòng ngừa “tín dụng đen”

Vì sao người dân khó tiếp cận với nguồn vay?

“Tín dụng đen'' hoạt động thông qua nhiều phương thức như quảng cáo trên mạng, phát tờ rơi vay tiền không cần gặp mặt, nhắn tin qua điện thoại, thông qua giới môi giới… tiềm ẩn nguy cơ gây mất an ninh trật tự. Đặc biệt, nổi lên các băng nhóm tội phạm hoạt động cho vay lãi nặng tại những nơi đông dân cư, chợ, bến tàu, bến xe... Rất nhiều người đã âm thầm lo sợ vì số lãi lớn nhưng lại khó bề trình báo để được pháp luật can thiệp.

Đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng để át
Ảnh minh họa

Cần phải nhìn nhận thực tế rằng, mặc dù ngành ngân hàng luôn chủ động thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng chính đáng của người dân, doanh nghiệp, nhưng quá trình cấp tín dụng vẫn gặp khó khăn do nhiều nguyên nhân.Thứ nhất, các nhu cầu vay vốn tiêu dùng cấp bách thường khó chứng minh mục đích sử dụng vốn và khả năng trả nợ; quá trình thẩm định cấp tín dụng khó khăn do nguồn thông tin không đầy đủ, độ chính xác không đảm bảo. Thứ hai, hoạt động cấp tín dụng nói chung, trong đó có cho vay đối với các nhu cầu tiêu dùng vẫn phải đảm bảo chất lượng nợ, an toàn vốn và an toàn hệ thống. Thời gian qua, hoạt động cho vay tiêu dùng, đặc biệt tại các công ty tài chính bộc lộ một số rủi ro tiềm ẩn về nợ xấu.

Thứ ba, Ngân hàng Chính sách xã hội còn chưa được bổ sung nguồn vốn kịp thời để cho vay các chương trình tín dụng chính sách phục vụ tiêu dùng của người nghèo, các đối tượng chính sách, đặc biệt là cho vay giải quyết việc làm, cho vay học sinh, sinh viên… trong khi nhu cầu của người dân là rất lớn. Thứ tư, một bộ phận người dân, đặc biệt là người dân tại các vùng sâu, vùng xa, do chưa có nhiều thông tin về tín dụng ngân hàng nên bị các kênh cho vay không chính thức tiếp cận cho vay với lãi suất cao. Một số khách hàng tìm đến các kênh tín dụng phi chính thức do thói quen tiêu dùng, mục đích vay vốn không hợp pháp hoặc không đủ điều kiện vay vốn tại các nguồn cung cấp tín dụng chính thức, phát sịnh nhiều vụ việc tranh chấp, ảnh hưởng đến danh tiếng của các công ty tiêu dùng do nhầm tưởng các đối tượng vay vốn là công ty tài chính tiêu dùng.

Đánh giá những tác động của tài chính tiêu dùng đến nền kinh tế, tại Tọa đàm tài chính tiêu dùng, Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, tài chính tiêu dùng đem lại nhiều cơ hội hơn cho các cá nhân có nhu cầu tiêu dùng khi năng lực tài chính chưa đủ để trang trải nhu cầu. Các ngân hàng thương mại chủ yếu tập trung vào nhóm khách hàng đạt chuẩn cấp tín dụng, có thu nhập thường niên từ khá trở lên, có điểm tín dụng cao, có lịch sử tín dụng tốt và cung cấp các khoản vay tiêu dùng có tài sản đảm bảo, gói vay lớn thì các công ty tài chính lại chọn phân khúc mà ngân hàng không thể đáp ứng. Với nhóm đối tượng dưới chuẩn, là người có thu nhập trung bình hoặc thấp, không chứng minh được thu nhập, chưa có lịch sử tín dụng hoặc điểm tín dụng thấp, khó tiếp cận được với nguồn vốn của các ngân hàng thương mại. Theo số liệu của hệ thống ngân hàng, hiện có khoảng 47% người Việt tham gia vay tiền, nhưng chỉ có 18,5% là vay từ những tổ chức tín dụng và các tổ chức tài chính chính thức, phần còn lại là vay từ người thân, bạn bè hoặc “tín dụng đen”.

Bên cạnh đó, các vấn đề pháp lý cho hoạt động tài chính tiêu dùng chưa đầy đủ và chưa toàn diện, cụ thể. Hơn nữa, do nhận thức cho người dân về dịch vụ tài chính tiêu dùng chưa cao, việc hỗ trợ, môi giới tín dụng chưa tốt, trong khi tài chính tiêu dùng thường có thời hạn cho vay ngắn và lãi suất cao hơn của các ngân hàng thương mại nên có một thiểu số các chủ thể khi vay đã không trả được nợ khiến có những vụ việc một số cá nhân môi giới hành xử vượt mức cho phép, tạo ra bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng xấu tới hoạt động tài chính tiêu dùng.

Khung pháp lý cần sát thực tiễn

Với việc nâng cao cơ hội tiếp cận tài chính cho người dân, đặc biệt là những người dân có thu nhập thấp, nhóm khách hàng dưới chuẩn thường bị từ chối bởi các ngân hàng thương mại truyền thống, cho vay tiêu dùng sẽ góp phần làm giảm nhu cầu đối với các dịch vụ tín dụng phi chính thức, theo đó, hạn chế cho vay nặng lãi. Theo các chuyên gia kinh tế, với dân số gần 100 triệu người, nền kinh tế tăng trưởng cao và ổn định, thu nhập bình quân đầu người tăng nhanh, sức tiêu thụ hàng hóa ngày càng tăng cùng xu thế phát triển của nền kinh tế, Việt Nam đang được đánh giá có triển vọng hàng đầu trong khu vực để phát triển tài chính tiêu dùng. Tại các nước phát triển, tài chính tiêu dùng là kênh cung cấp vốn khá lớn, có tỷ trọng đóng góp cao vào tăng trưởng GDP. Trong khi tại Việt Nam, tỷ trọng này vẫn còn khá khiêm tốn, chưa tương xứng với mức độ kỳ vọng.

Luật sư Trương Thanh Đức - Giám đốc Công ty Luật ANVI cho biết, tình trạng “tín dụng đen” trong vòng 10 năm trở lại đây không những không suy giả, mà còn gia tăng ngày càng phức tạp, với lãi suất thực tế lên đến hàng trăm phần trăm mỗi năm. Tài chính tiêu dùng trong những năm qua cũng phát triển rất mạnh, nhưng hành lang pháp lý thì không thay đổi nhiều. Về quy định pháp luật về cho vay, luật Các tổ chức tín dụng và Bộ luật Dân sự gần như không có thay đổi, ngoại trừ quy định về lãi suất cho vay. Bên cạnh đó, số lượng công ty tài chính vẫn có rất ít, trong đó nhiều không ty cho vay tiêu dùng. Tuy hoạt động cho vay tiêu dùng nói chung, cho vay tiêu dùng của các tổ chức tín dụng nói riêng phát triển khá mạnh nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.

Góp ý một số giải pháp phát triển thị trường tài chính tiêu dùng lành mạnh, bền vững, tiến sĩ Cấn Văn Lực – Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia cho rằng, đối với các cơ quan quản lý, cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý trong việc quản lý, giám sát các công ty tài chính; tạo điều kiện cho các công ty tài chính quy mô vừa và nhỏ phát triển, nhằm tăng tính cạnh tranh thông qua việc thu hút vốn từ nhà đầu tư nước ngoài, tiếp nhận nguồn vốn ưu đãi quốc tế; sớm hoàn thiện cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia.

Đối với các công ty tài chính, cần rà soát, điều chỉnh chiến lược kinh doanh; phát triển mô hình kinh doanh mới phù hợp với xu hướng thị trường trong và sau dịch bệnh; chú trọng phát triển các nền tảng công nghệ phục vụ cho vay tiêu dùng; quản trị rủi ro tín dụng và tiết giảm chi phí để tối ưu hóa hoạt động, cân đối phù hợp giữa rủi ro và lãi suất cho vay; đẩy mạnh giáo dục tài chính cho người tiêu dùng và xây dựng đội ngũ nhân sự để phát triển hiệu quả, bền vững.Đồng thời, Ngân hàng nhà nước cũng cần tăng cường giám sát, quản lý để hạn chế rủi ro, nợ xấu có thể tăng nhanh trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng khi nền kinh tế có nhiều khó khăn do dịch bệnh./.

Bảo Thoa

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này