Đề phòng nguy cơ “dịch chồng dịch”

09:42 | 06/04/2021
(LĐTĐ) Hiện nay, thời tiết đang chuyển sang mùa hè, khí hậu nóng ẩm tại khu vực miền Bắc và bắt đầu mùa mưa tại khu vực miền Trung, miền Nam là một trong những điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh phát sinh và phát triển. Đặc biệt là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, đường tiêu hóa như Covid-19, sởi, cúm, tay chân miệng, tiêu chảy do vi rút Rota; các bệnh do muỗi truyền như sốt xuất huyết, viêm não do vi rút…
Những “lá chắn thép” chống dịch miền biên viễn Siết chặt quản lý, tăng cường công tác kiểm tra phòng chống dịch Covid-19

Phòng dịch Covid-19 không quên các bệnh khác

Tiến sĩ – Bác sĩ Vũ Minh Điền, Phó Giám đốc Trung tâm phòng chống dịch, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, cho biết, thời tiết nồm ẩm chính là điều kiện thuận lợi để những bệnh lây truyền do vi rút gia tăng. Điển hình là bệnh viêm đường hô hấp do vi rút như: sởi, quai bị, thủy đậu, rubela…

Đề phòng nguy cơ “dịch chồng dịch”
Người dân cần tiêm vắc xin đầy đủ để tránh nguy cơ “dịch chồng dịch”. Ảnh minh họa

Mặc dù những bệnh này đã có vắc xin phòng bệnh nhưng vẫn có những trường hợp mắc bệnh do chưa tiêm vắc xin, Chương trình tiêm chủng mở rộng chưa bao phủ hết. Các bệnh lây truyền do vi rút gia tăng có thể do các đối tượng tiêm chủng chưa được bao phủ đầy đủ.

Đối với những vi rút như thủy đậu, rubella thì những người có nguy cơ cao mắc bệnh phải đi tiêm chủng, nhất là phụ nữ mang thai vì thai nhi sinh ra từ bà mẹ bị nhiễm rubella có nguy cơ bị dị dạng rất cao. Ngoài ra, những người có sức đề kháng bị suy giảm, suy giảm miễn dịch bẩm sinh hoặc ung thư, bệnh hệ thống tự miễn, suy gan đều nên đi tiêm vaccine phòng bệnh sởi, thuỷ đậu để bảo vệ sức khoẻ. Bên cạnh sởi, thủy đậu, thì bệnh cúm vẫn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát.

Chia sẻ về nguy cơ “dịch chồng dịch” trong thời điểm hiện nay, bác sĩ Điền nhấn mạnh, đến nay, chúng ta vẫn chưa giải quyết dứt điểm được dịch Covid-19. Đến khi chúng ta đạt được miễn dịch cộng đồng khoảng từ 75-80% dân số thì mới có thể tạm yên tâm. Song song với dịch Covid-19, người dân vẫn phải đối mặt với các căn nguyên khác gây bệnh lưu hành khác ở nước ta. Vì thế, “Chúng ta không nên chỉ mải mê phòng chống dịch Covid-19 mà quên đi phòng các bệnh theo mùa, sẽ tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch bệnh khác, nhất là dịch sốt xuất huyết Dengue”, bác sĩ Điền nhận định.

Sốt xuất huyết Dengue là bệnh lưu hành hàng năm. Theo thống kê, 4 năm 1 lần dịch sẽ bùng phát mạnh ở miền Bắc với số ca mắc gia tăng. Năm nay đúng với chu kỳ đó nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát dịch. Cùng với đó là bệnh tay chân miệng sẽ có nguy cơ bùng phát vào mùa hè tới nếu không có các biện pháp phòng bệnh hiệu quả. Trên thực tế, trong những ngày cuối tháng 3/2021, các tỉnh thành phố phía Nam đã ghi nhận số trẻ mắc bệnh tay - chân - miệng tăng nhanh so với giai đoạn trước đó. Các tỉnh, thành phố phía Bắc bệnh tay - chân - miệng xuất hiện rải rác. Nhiều trường hợp có biến chứng và có thể có cả tử vong là nguy cơ hiện hữu.

Chủ động phòng ngừa dịch bệnh

Để phòng bệnh tốt và hiệu quả nhất khi trời nồm ẩm, bác sĩ Vũ Minh Điền cho rằng cần tiêm vắc phòng bệnh và giữ cho môi trường sống sạch sẽ. Ngành y tế cần xây dựng kế hoạch tiêm chủng theo chiến dịch để tiêm vét, tiêm nhắc lại những người có nguy cơ và chưa có miễn dịch. Phụ nữ khi có ý định mang thai nên đi tiêm chủng để đảm bảo phòng bệnh cho mẹ và em bé. Nhóm người có bệnh hen phế quản, phổi tắc nghẽn mạn tính, nguy cơ bệnh nặng, nên tiêm phòng cúm hàng năm. Vắc xin cúm chỉ có thời hạn từ 6 tháng đến một năm do vi rút, vi khuẩn gây bệnh thay đổi đặc trưng theo năm, mọi người cần tiêm nhắc lại vắc xin cúm thường xuyên.

Ngoài việc tiêm vắc xin, mỗi người dân cần chú ý ăn uống đủ chất dinh dưỡng để phòng bệnh; thực hiện tốt vệ sinh ăn uống, ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng. Đặc biệt, vệ sinh môi trường sống sạch sẽ. Những ngày có nắng, người dân nên mở cửa để ánh sáng mặt trời chiếu vào nhằm khử khuẩn không khí. Người dân cũng nên vệ sinh định kì bề mặt, lau nhà bằng thuốc sát khuẩn; vệ sinh tay sau khi đi vệ sinh, trước khi chế biến thức ăn… Những thói quen này sẽ giúp hạn chế vi rút sinh sống trong từng gia đình.

Tại Hà Nội, bác sĩ Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội cho biết, đối với hoạt động trọng tâm trong quý II, Thành phố tập trung phòng chống 3 dịch bệnh là Covid-19, sốt xuất huyết và tay chân miệng. Dịch bệnh Covid-19 năm 2021 khác so với năm 2020, tỉ lệ lây nhiễm trong cộng đồng tăng vì vậy cần chủ động hơn nữa đáp ứng mọi diễn biến dịch bệnh. “Về sốt xuất huyết trong năm 2021 bắt đầu nằm vào chu kì dịch nên sang tháng 4 cần triển khai ngay công tác phòng chống sốt xuất huyết, trọng tâm vệ sinh môi trường diệt bọ gậy. Bệnh tay chân miệng cũng tăng so với năm ngoái nên tập trung phòng chống bệnh tại các trường học trên địa bàn. Ngoài ra, tập trung tăng cường công tác tiêm chủng mở rộng thường xuyên theo tuần; tuyên truyền đón nhận tiêm chủng vắc xin Covid-19 đợt 2”, bác sĩ Tuấn nhấn mạnh.

Để chủ động phòng chống dịch ngay từ đầu mùa hè năm 2021 và không để dịch chồng dịch, ngày 01/4/2021 Bộ Y tế đã ban hành Công văn số 2289/BYT-DP gửi Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị chỉ đạo chính quyền các cấp, các ngành, tổ chức chính trị, chính trị - xã hội phối hợp với ngành y tế triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng chống, ngăn chặn hiệu quả sự bùng phát dịch bệnh mùa hè trên địa bàn.

Bộ Y tế cũng đã chỉ đạo Sở Y tế các địa phương triển khai quyết liệt công tác kiểm soát dịch bệnh, tăng cường các hoạt động giám sát, phát hiện sớm, cách ly, đáp ứng ngay, xử lý triệt để ổ dịch, không để lan rộng và kéo dài tại cộng đồng; đẩy mạnh công tác tiêm chủng mở rộng, bảo đảm đạt tỷ lệ trên 95% quy mô xã, phường, thị trấn; tăng cường lấy mẫu xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh; củng cố các đội chống dịch cơ động, đội cấp cứu lưu động sẵn sàng điều tra, xác minh, đánh giá, xử lý ổ dịch và hỗ trợ tuyến dưới trong việc khống chế ổ dịch, cấp cứu, điều trị khi cần thiết.

Bên cạnh đó, tổ chức tốt việc phân tuyến điều trị, phân luồng khám bệnh, thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, bố trí khu điều trị riêng cho bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm, hạn chế người nhà vào thăm bệnh nhân, lưu ý đối với các bệnh nhân nặng, hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong. Thực hiện tốt phòng tránh lây nhiễm chéo trong các cơ sở điều trị, đặc biệt phòng việc lây nhiễm chéo giữa bệnh tay chân miệng với bệnh sởi, viêm phổi và viêm đường hô hấp khác.

Tổ chức phát động chiến dịch vệ sinh môi trường dưới hình thức phù hợp với thực tế tại địa phương; chiến dịch diệt lăng quăng, bọ gậy, các hoạt động dọn bỏ vật dụng phế thải đọng nước là nơi muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết đẻ trứng và phát triển để phòng chống bệnh sốt xuất huyết. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, đặc biệt là các cơ sở sản xuất thực phẩm ăn ngay, cơ sở cung cấp suất ăn sẵn, bếp ăn tập thể, các cơ sở kinh doanh, cơ sở thức ăn đường phố; thông báo công khai các cơ sở không đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm trên phương tiện thông tin đại chúng để kịp thời cảnh báo cho cộng đồng.

Đặc biệt, chuẩn bị đầy đủ kinh phí, thuốc, phương tiện, vật tư, hóa chất cho công tác cấp cứu, điều trị bệnh nhân và đáp ứng các tình huống dịch bệnh. Tổ chức tập huấn, cập nhật kiến thức về giám sát phát hiện bệnh và điều trị ở tất cả các tuyến để nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ y tế./.

Kim Tiến

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này