Cụ thể hóa mô hình kinh tế tăng trưởng xanh theo chiều sâu

20:45 | 03/04/2021
(LĐTĐ) Chiến lược tăng trưởng xanh đã thành động lực quan trọng thúc đẩy đổi mới thể chế kinh tế, mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh, bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính.
Tham gia ứng phó biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh 70% doanh nghiệp chưa biết tới chứng nhận xanh Việt Nam Đan Mạch chia sẻ kinh nghiệm về “Đầu tư và lợi nhuận từ năng lượng gió”

Ngày 25/ 9/ 2012, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1393/QĐ-TT phê duyệt “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011- 2020 và tầm nhìn đến năm 2050” với quan điểm chủ yếu: Tăng trưởng xanh là một nội dung quan trọng của phát triển bền vững, đảm bảo phát triển kinh tế nhanh, hiệu quả, bền vững và góp phần quan trọng thực hiện Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu. Mục tiêu của tăng trưởng xanh tiến tới nền kinh tế các-bon thấp, làm giàu vốn tự nhiên trở thành xu hướng chủ đạo trong phát triển kinh tế bền vững; giảm phát thải và tăng khả năng hấp thụ khí nhà kính dần trở thành chỉ tiêu bắt buộc và quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội.

Theo ông Lê Việt Anh – Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh 2021 - 2030 kế thừa có chọn lọc các kết quả của Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh giai đoạn 2012-2020, hoàn thiện phương pháp luận để định lượng các mục tiêu và lộ trình thực hiện.

Chiến lược tăng trưởng xanh 2021-2030: Cụ thể hóa mô hình theo chiều sâu
Hội nghị tham vấn xây dựng "Chiến lược Quốc gia về Tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045, hướng tới 2050"

Trình bày tại Hội nghị tham vấn xây dựng "Chiến lược Quốc gia về Tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045, hướng tới 2050", ông Lê Việt Anh cho hay, nhận thức về vai trò của tăng trưởng xanh hiện nay đã được nâng lên, nhiều văn bản chính sách đã được ban hành, số lượng kế hoạch hành động tăng trưởng xanh được chuẩn bị và phê duyệt tăng nhanh - đặc biệt có sự tham gia các tỉnh, thành phố lớn; chất lượng của kế hoạch hành động với độ nhất quán về phương pháp luận và thời gian xây dựng dần được cải thiện. Sau khi ban hành, các đơn vị đã bước đầu triển khai hoạt động nâng cao nhận thức, tăng cường năng lực, ban hành chính sách liên quan. Đặc biệt, đã tạo được làn sóng đầu tư xanh: năng lượng gió, mặt trời, điện rác…

Tuy nhiên, ông Việt Anh cũng chỉ rõ những hạn chế trong quá trình thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh 2012-2020. Đó là một số bộ ngành chưa nhận thức rõ vai trò trong tham gia thực hiện; lợi ích lâu dài của chiến lược tăng trưởng xanh chưa được nhìn nhận thấu đáo; năng lực thực hành còn yếu; trong công tác xây dựng thể chế, chính sách, thì nội dung rà soát quy hoạch ở một số bộ, ngành, tỉnh chưa thể hiện rõ; thiếu nguồn ngân sách phân bổ cho các hoạt động, chương trình, dự án để hiện thực hóa Chiến lược. Sự tham gia của khu vực tư nhân có tăng song còn hạn chế về ngành, lĩnh vực. Các chính sách khuyến khích đầu tư trong lĩnh vực tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường chưa cụ thể nên chưa thu hút được đầu tư tư nhân.

Chiến lược tăng trưởng xanh 2021-2030 cụ thể hóa mô hình tăng trưởng theo chiều sâu; xác định kịch bản tăng trưởng tối ưu dựa trên cân đối lợi ích và chi phí giữa phát triển kinh tế - xã hội với mục tiêu giảm phát thải, tăng cường tính chống chịu của nền kinh tế. Chiến lược cũng định hướng đầu tư dài hạn của quốc gia theo lộ trình và là cơ sở để cân đối và huy động hiệu quả các nguồn lực; gắn kết chặt chẽ với mục tiêu Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội; gắn kết chỉ tiêu tăng trưởng xanh trong hệ thống chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các chiến lược ngành; đưa ra giải pháp dựa trên nhu cầu của ngành.

Các văn bản chính sách về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045, hướng tới 2050 được xây dựng xây dựng gồm: Kế hoạch hành động Quốc gia về tăng trưởng xanh; Nghiên cứu, xây dựng, ban hành bộ tiêu chí chung về tăng trưởng xanh để phân loại các dự án, ngành nghề… xanh và cơ chế khuyến khích đầu tư cho tăng trưởng xanh theo hướng mở, cập nhật thường xuyên;

Ban hành Quy định và Hướng dẫn về “Bộ chỉ tiêu thống về Tăng trưởng trưởng xanh”; Nghiên cứu, xây dựng bộ công cụ, mô hình đảm bảo tính khả thi trong việc xây dựng, triển khai Chiến lược, Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh các ngành, các cấp theo hướng phát triển kinh tế - xã hội đồng thời đạt mục tiêu phát thải trung tính phù hợp với xu hướng thế giới và điều kiện quốc gia;

Xây dựng “Hướng dẫn xây dựng Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh đối với các bộ ngành, địa phương” để đảm bảo nguyên tắc thống nhất phương pháp tiếp cận, tính toán, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng, triển khai Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh của tất cả các cấp, tăng tính khả thi và công bằng trong công tác giám sát và đánh giá việc thực hiện…

Chiến lược thể hiện trách nhiệm, sự chia sẻ và gắn kết của Việt Nam trong hiện thực hóa các cam kết quốc tế và là cơ sở để cân đối các nguồn lực trong nước, huy động nguồn lực quốc tế hiệu quả, hài hòa lộ trình phát triển kinh tế - xã hội với các mục tiêu giảm phát thải, giúp tăng cường hiệu quả phân bổ đầu tư công và giám sát, đánh giá việc thực hiện các dự án biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh trong trung hạn và dài hạn. Chiến lược là công cụ hữu hiệu giúp Việt Nam xây dựng xã hội nhân văn hướng tới phát triển bao trùm, mở rộng độ bao phủ đối với các ngành còn ít được quan tâm trong quá trình thực hiện chiến lược giai đoạn trước như giáo dục, y tế, trẻ em…

Bảo Thoa

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này