Khi bằng cấp không là yếu tố tiên quyết!

14:46 | 11/03/2014
LĐTĐ - Theo khuynh hướng sử dụng lao động hiện nay thì bằng cấp cao không còn là yếu tố tiên quyết. Điều cần hơn là khả năng học hỏi, hội nhập để bạn làm được gì mới quan trọng!

Gần  đây, hãng Google tiến hành đợt tuyển dụng nhân sự mới. Điểm đáng chú ý của đợt tuyển dụng này thu hút sự quan tâm đặc biệt của các ứng viên cũng các nhà quản trị nhân sự  là việc chú trọng đến năng lực nhận thức (hay nói cách khác là khả năng học hỏi) của ứng viên để thích ứng với công việc chứ không phải là chỉ số thông minh (IQ) hay mảnh bằng chuyên môn.  Đồng thời, nhà tuyển dụng của hãng Google thực sự quan tâm và trả tiền cho những gì ứng viên làm được với kiến thức mà ứng viên có, chứ không quan tâm việc ứng viên học ở đâu. Đây cũng chính là xu hướng mà các doanh nghiệp ở Việt Nam cần ở người lao động.

Khẳng định điều này, ông Nguyễn Văn Vũ - Tổng giám đốc Công ty thang máy Kone Vietnam  cho rằng,  các doanh nghiệp hiện nay thay vì chú ý đến tấm bằng giỏi của ứng viên thì họ quan tâm nhiều hơn đến năng lực vượt khó, thích ứng (AQ - Adversity Quotient) của người lao động.

Đứng ở góc độ khác, lãnh đạo nhân sự của Cty phần mềm FPT Software cho biết, nhiều nhân viên tuyển dụng với bằng cấp đạt loại khá giỏi hẳn hoi nhưng trình độ ngoại ngữ lại không thể giao tiếp được với người nước ngoài, kỹ năng viết báo cáo công việc lại rất kém. Thậm chí, nhiều lao động chưa nhận diện rõ về giá trị công việc mình làm...

Thậm chí, theo nhận định của bà Bùi Thanh Hương - Giám đốc nhân sự khách sạn InterContinental Asiana, nhân lực Việt Nam ít quan tâm đến an toàn lao động, cách xưng hô và phản hồi trong công việc….Chính vì thế mà cung - cầu lao động ở Việt Nam vẫn còn là khoảng cách lớn.

GS Cao Huy Thuần đặt vấn đề, phát triển năng lực hội nhập quốc tế của người lao động cần chú ý khi còn là học sinh đang ngồi học ở trường phổ thông cho đến khi trở thành sinh viên  trên giảng đường ĐH. Đây là một vấn đề lớn phải giải quyết từ gốc. Bởi một nền giáo dục mà hỏng từ gốc (phổ thông) thì khó làm cho ngọn (đại học) xum xuê, xanh tốt. Tuy nhiên, nhiều người vẫn cho rằng chương trình đào tạo trong trường ĐH hiện nay phải làm sao giúp sinh viên hạn chế những nhược điểm của lao động Việt Nam trong thực tế.
Để giải quyết phần nào thực trạng bất cập trong đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực thời kỳ kinh tế hội nhập, mới đây Trường ĐH Hoa Sen  đã chủ động tìm kiếm những giải pháp mới trong đào tạo để có thể đáp ứng ngày càng tốt hơn những nhu cầu tuyển dụng mới. Ông Nguyễn Lưu Bảo Đoan - trưởng phòng Hợp tác quốc tế Trường ĐH Hoa Sen cho biết, hiện tại khả năng hội nhập quốc tế của sinh viên  nhà trường được đánh giá theo năng lực ngoại ngữ; hiểu biết về môi trường đa văn hóa, liên văn hóa; hiểu biết về vấn đề mang tính toàn cầu; hoạt động trải nghiệm. Nội dung đào tạo này của trường được đánh giá là đã bước đầu đáp ứng yêu cầu tuyển dụng mới.

Còn theo ông Hoàng Minh Sơn, trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, để sinh viên của trường là một trong những địa chỉ tuyển dụng tin cậy của doanh nghiệp lĩnh vực công nghệ và cơ khí, ngoài việc chú trọng đào tạo chuyên môn cho sinh viên, nhà trường không ngừng cập nhật và đào tạo kỹ năng cho sinh viên như trang bị khả năng sử dụng ngoại ngữ, tay nghề thực hành trong môi trường thực tiễn DN và cao hơn là trang bị khả năng thích ứng với nhu cầu công việc của sinh viên. Vì thế, tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm của ĐH Bách khoa luôn đứng đầu trong các cuộc thăm dò ý kiến tuyển dụng thời gian gần đây.
Được biết, một khảo sát của Ngân hàng Thế giới và Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương trên 350 doanh nghiệp tại Việt Nam về những kỹ năng mà doanh nghiệp cần cho nguồn nhân lực. Trong đó 3 kỹ năng sau đứng đầu: Tư duy phản biện. Tiếp đến là kỹ năng giao tiếp và thứ ba là kỹ năng làm việc nhóm. Điều này cho thấy, xu hướng tuyển dụng nhân sự của các DN đã có sự thay đổi rõ so với những năm trước và yếu tố bằng cấp cao không còn là vấn đề tiên quyết nữa.

Thái Anh

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này