Cầu nối đưa chính sách pháp luật vào cuộc sống

10:21 | 01/04/2021
(LĐTĐ) Thực hiện nhiệm vụ chính trị của tổ chức Công đoàn và phát huy thế mạnh của cơ quan truyền thông, những năm qua, báo Lao động Thủ đô đã chủ động phối hợp với các ban, ngành, địa phương tích cực tuyên truyền đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là pháp luật về Công đoàn, lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp… tới đông đảo bạn đọc và đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động.
Trực tuyến hình ảnh: Hỏi - đáp về chính sách pháp luật lao động cho gần 300 công nhân, viên chức, lao động Quận Long Biên: Đối thoại về chính sách pháp luật lao động, công đoàn, bảo hiểm xã hội Tập huấn công tác chính sách pháp luật cho cán bộ công đoàn Thủ đô

Đưa pháp luật đến gần hơn với thực tiễn

Quá trình phát triển và hội nhập quốc tế, tham gia các hiệp định kinh tế tự do của Việt Nam ngày càng sâu rộng, theo đó, hệ thống chính sách, pháp luật về lao động cũng cần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Thực tế cho thấy, khi người lao động và chủ sử dụng lao động áp dụng các chế độ, chính sách mới đó, nếu không nghiên cứu, không hiểu thấu đáo sẽ dẫn tới việc thực hiện không đúng, gây thiệt thòi cho người lao động, gây ra những mâu thuẫn, tranh chấp không đáng có giữa người sử dụng lao động và người lao động.

Nắm bắt nhu cầu từ bạn đọc và người lao động, những năm qua, báo Lao động Thủ đô đã chủ động phối hợp với các Công đoàn ngành, Liên đoàn Lao động các quận, huyện, thị xã tổ chức các hội nghị, trực tiếp thông tin, giải đáp về chế độ, chính sách pháp luật liên quan, như: Bộ luật Lao động sửa đổi, bổ sung; Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp…

Cầu nối đưa chính sách pháp luật vào cuộc sống
Các chuyên gia giải đáp kiến thức về pháp luật cho công nhân, viên chức, lao động tại cuộc giao lưu tọa đàm do báo Lao động Thủ đô tổ chức.

Tại các Hội nghị, báo mời các luật sư, các chuyên gia am hiểu về luật, chế độ, chính sách thuộc các lĩnh vực như: Lao động, việc làm, Công đoàn, bảo hiểm xã hội, an toàn vệ sinh lao động… đến từ Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Liên đoàn Lao động thành phố, Học viện Tư pháp, Bảo hiểm xã hội thành phố, Sở Nội vụ, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đến trực tiếp tư vấn, giải đáp khúc mắc cho công nhân, viên chức, lao động về những tình huống thực tiễn trong cuộc sống.

Trực tiếp tham dự buổi giao lưu, đối thoại về chính sách pháp luật do báo Lao động Thủ đô phối hợp với Liên đoàn Lao động huyện Thường Tín tổ chức, bà Đỗ Thị Thanh Hải - giáo viên Trường Tiểu học Dũng Tiến, huyện Thường Tín chia sẻ: “Hội nghị rất thiết thực, bổ ích, giúp tôi nắm bắt thêm nhiều chính sách, pháp luật của Nhà nước về chế độ bảo hiểm xã hội, chế độ tiền lương và hợp đồng lao động. Từ kiến thức có được qua chương trình, tôi sẽ có thêm hiểu biết để giải đáp cho đoàn viên tại công đoàn cơ sở của mình”.

Từ góc độ của người sử dụng lao động, ông Trần Quốc Hùng - Phó Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên nước sạch Hà Nội ghi nhận và đánh giá cao hình thức chuyển tải kiến thức pháp luật do báo Lao động Thủ đô tổ chức. Theo ông Hùng, việc chủ động thông tin, truyền tải kiến thức pháp luật thông qua hình thức giao lưu, hỏi - đáp trực tiếp như báo Lao động Thủ đô tổ chức giúp người lao động tiệm cận với những kiến thức pháp luật, kịp thời đưa những chính sách mới vào cuộc sống.

Giải pháp chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người lao động

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, các cấp Công đoàn và đặc biệt là công nhân, viên chức, lao động, những buổi giao lưu, đối thoại về chính sách pháp luật do báo Lao động Thủ đô tổ chức là phương pháp tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật thực sự sáng tạo, mang lại những kết quả hết sức bổ ích. Không chỉ có lợi với người lao động, mà người sử dụng lao động cũng mong muốn hiểu pháp luật lao động để thực hiện đúng và đủ, để không vi phạm pháp luật, qua đó đưa doanh nghiệp ngày càng phát triển.

Chia sẻ về hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật được báo triển khai mạnh trong những năm gần đây, bà Lê Thị Bích Ngọc - Tổng Biên tập báo Lao động Thủ đô cho biết: Kể từ năm 2010, báo Lao động Thủ đô đã dần hình thành một kênh phổ biến kiến thức pháp luật rất hiệu quả, hữu ích thông qua việc tổ chức các cuộc đối thoại, giao lưu trực tiếp với công nhân, viên chức, lao động.

Tại các cuộc này, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động rất sôi nổi đặt các câu hỏi là những tình huống, khúc mắc trong đời sống hàng ngày. Những băn khoăn này đã được các chuyên gia của chương trình - là những nhà quản lý, luật sư, những nhà hoạch định và triển khai chính sách, rất am hiểu về pháp luật và các lĩnh vực xã hội trực tiếp tư vấn, giải đáp.

“Pháp luật lao động và các chế độ, chính sách liên quan đến người lao động như chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế luôn là mối quan tâm hàng đầu của các doanh nghiệp, đơn vị và người lao động.

Trong quá trình tham giao lao động, công tác, người lao động đặc biệt quan tâm đến các chế độ để đảm bảo đời sống, việc làm, an sinh xã hội như tuổi làm việc, tuổi nghỉ hưu, nghỉ chế độ, giờ làm thêm, tiền lương tối thiểu, chế độ nghỉ ốm đau, thai sản, các chính sách bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp… được quy định cụ thể như thế nào.

Chúng tôi mong thông qua các buổi giao lưu trực tiếp, cả người lao động và người sử dụng lao động sẽ có thêm kiến thức để “ứng xử” hài hòa, đúng luật”, Tổng Biên tập báo Lao động Thủ đô chia sẻ.

Nhấn mạnh ý nghĩa của công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho công nhân, viên chức, lao động tôi cho là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài, cần được thực hiện thường xuyên như một giải pháp chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Lê Đình Hùng cho rằng: Thực tế, thời gian qua cũng còn nhiều người lao động còn chưa hiểu hết quyền nghĩa vụ của mình; nhiều người sử dụng lao động, thủ trưởng các đơn vị chưa hiểu hết và chưa hiểu đúng về chính sách.

Chính vì vậy, trong quá trình triển khai thực hiện các nội dung liên quan đến pháp luật cũng có thể là chưa đúng hoặc sai, dẫn đến tình trạng xảy ra các đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, đề xuất làm phức tạp thêm tình hình ở các địa phương và đặc biệt vấn đề dân chủ ở các địa phương cũng chưa được cải thiện.

“Những cố gắng, nỗ lực của đội ngũ cán bộ, phóng viên báo Lao động Thủ đô trong thời gian qua, cùng sự tích cực, trách nhiệm của tổ chức Công đoàn trong việc tổ chức tốt các buổi giao lưu, đối thoại trực tiếp đã góp phần trang bị, nâng cao kiến thức pháp luật cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Hiệu quả của hoạt động không chỉ dừng lại ở trang bị kiến thức pháp luật tại chỗ cho các đại biểu tham dự, mà còn phổ biến kiến thức pháp luật tới đông đảo bạn đọc Thủ đô và cả nước thông qua hình thức truyền trực tuyến trên báo Lao động Thủ đô điện tử.

Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố cũng ghi nhận, điều đáng mừng là sau các cuộc tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật do báo Lao động Thủ đô tổ chức, đã có những thay đổi căn bản theo chiều tích cực về nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động Thủ đô trong việc thực thi tốt chính sách pháp luật, cũng như bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho bản thân.

Tình hình đình công, lãn công, khiếu nại, tố cáo, vi phạm pháp luật nói chung đã giảm, an ninh, trật tự xã hội được đảm bảo, qua đó góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa trong doanh nghiệp, tạo động lực cho sự phát triển bền vững./.

Bảo Duy

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này