OCOP tạo việc làm cho người lao động, thúc đẩy kinh tế nông thôn

17:51 | 29/03/2021
(LĐTĐ) Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (gọi tắt là OCOP) giai đọan 2018- 2020 đã đạt được những thành tựu đáng chú ý. Trong đó, một số kết quả nổi bật của chương trình đã tác động không nhỏ đến sự phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn, đặc biệt là những vùng khó khăn.
Phát triển sản phẩm OCOP phải dựa trên thế mạnh của các địa phương Hà Nội: Phấn đấu phát triển mới 30-40 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP Huyện Thanh Oai: Nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao trong xây dựng nông thôn mới

Chương trình OCOP giai đoạn 2018 - 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 07/5/2018. Ngay sau khi Đề án được phê duyệt, Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới đã ban hành kế hoạch và tổ chức triển khai sâu rộng trong cả nước.

Qua 3 năm triển khai, với sự tham gia tích cực của các cấp chính quyền và mọi tầng lớp nhân dân, đến nay đã có 59/63 tỉnh, thành phố tổ chức đánh giá, phân hạng được 4.469 sản phẩm của 2.439 chủ thể đã được công nhận đạt từ 3 sao trở lên (vượt 1,86 lần so với mục tiêu giai đoạn 2018 – 2020). Trong đó, 1,7% tổng số sản phẩm OCOP được đánh giá có tiềm năng 5 sao.

OCOP tạo việc làm cho người lao động, thúc đẩy kinh tế nông thôn
Chương trình OCOP đã nâng cao giá trị cho các loại nông sản, góp phần không nhỏ vào phát triển kinh tế của các địa phương.

Sau khi triển khai thực hiện chương trình OCOP, những kết quả nổi bật của chương trình đã tác động đến sự phát triển kinh tế - xã hội của khu vực nông thôn. Cụ thể, chương trình OCOP đã khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh của các địa phương về sản phẩm đặc sản, ngành nghề nông thôn gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, vùng nguyên liệu và văn hóa truyền thống để gia tăng giá trị sản phẩm OCOP.

Trong đó, phải kể đến một số địa phương như: các làng nghề truyền thống ở Đồng bằng sông Hồng; trái cây và dược liệu ở Miền núi phía Bắc, cà phê và hồ tiêu ở Tây Nguyên, lúa gạo và thuỷ sản ở Đồng bằng sông Cửu Long... Đã có hơn 145 sản phẩm OCOP khai thác hiệu quả vùng nguyên liệu địa phương, gắn với chỉ dẫn địa lý, như: chè Shan Tuyết Hoàng Su Phì của tỉnh Hà Giang; chè Tân Cương của tỉnh Thái Nguyên; cà phê của tỉnh Sơn La, lúa gạo ở tỉnh Sóc Trăng và tỉnh An Giang…

Các sản phẩm OCOP sau khi được công nhận đã gia tăng giá trị, góp phần giúp các chủ thể tăng quy mô sản xuất và doanh thu. Kết quả đánh giá của các địa phương cho thấy: 60,7% chủ thể OCOP đạt từ 3 sao trở lên có doanh thu tăng bình quân 17,6%/năm, giá bán các sản phẩm sau khi được chính thức công nhận OCOP tăng bình quân 12,2%. Đặc biệt, các sản phẩm đề nghị Trung ương đánh giá, phân hạng cấp quốc gia đều tăng trưởng về doanh thu từ 20-40%.

Chương trình OCOP cũng từng bước chuyển đổi sản xuất quy mô nhỏ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị khép kín, đặc biệt là gắn với vai trò của các hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ. Chương trình đã hình thành được 393 chuỗi giá trị OCOP hoạt động hiệu quả với vai trò tích cực của hợp tác xã và doanh nghiệp (66,4% chủ thể OCOP ở miền núi phía Bắc là hợp tác xã, 54,2% chủ thể OCOP ở Đông Nam Bộ là doanh nghiệp...).

Bên cạnh đó, chương trình OCOP còn góp phần tạo việc làm cho lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, đặc biệt là phát huy vai trò của phụ nữ và đồng bào dân tộc thiểu số. Điển hình như các chủ thể OCOP của tỉnh Quảng Ninh đã tạo việc làm cho trên 3.800 lao động trực tiếp; các chủ thể OCOP của tỉnh Hà Tĩnh tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 2.196 lao động...

Nhờ đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng nên các sản phẩm OCOP ngày càng nhận được sự yêu thích của thị trường. Một số doanh nghiệp, tập đoàn siêu thị lớn đã đặt hàng, ưu tiên các sản phẩm OCOP để đưa vào hệ thống phân phối, hiện đang được tiêu thụ ổn định. Đặc biệt, nhiều sản phẩm OCOP được đổi mới, sáng tạo để nâng cao chất lượng, đã tiếp cận thị trường xuất khẩu như: miến dong Tài Hoan của tỉnh Bắc Kạn, cà phê Bích Thao của tỉnh Sơn La, đường thốt nốt Palmania của tỉnh An Giang…

Không thể phủ nhận những tác động tích cực từ chương trình OCOP mang đến cho các địa phương. Để chương trình ngày càng đi vào thực chất, các địa phương cần xác định đây là Chương trình phát triển kinh tế nông thôn, chỉ đạo các sở, ngành tổ chức rà soát, nghiên cứu và xây dựng Đề án/Kế hoạch Chương trình OCOP giai đoạn 2021- 2025 để tập trung các giải pháp, pháy huy tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương về nguyên liệu, lao động và ngành nghề truyền thống nông thôn.

Lương Hằng

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này