Xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật cũng cần sự liêm chính

13:58 | 26/03/2021
(LĐTĐ) “Liêm chính trong xây dựng, hoàn thiện và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật là nguyên tắc tối cần thiết. Vì pháp luật điều chỉnh chung các quan hệ xã hội, thúc đẩy quan hệ xã hội phát triển ngày càng lành mạnh và tốt đẹp hơn". Đó là ý kiến của đại biểu Quốc hội Nguyễn Mai Bộ (đoàn An Giang) tại phiên thảo luận sáng 26/3/2021 về Dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ Khóa XIV của Quốc hội.
10 văn bản luật có hiệu lực từ 1-1-2018 Hoàn thiện các Nghị định quy định chi tiết thi hành 3 luật

Đặt vấn đề về câu chuyện liêm chính trong xây dựng pháp luật và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, đại biểu Nguyễn Mai Bộ nêu, bắt đầu bằng sự lưu ý mang tính mệnh lệnh của Thủ tướng Chính phủ về công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật ngày 24/11/2020 là cần giữ được sự liêm chính trong xây dựng, hoàn thiện pháp luật và thi hành pháp luật. Phải khẳng định, pháp luật không phải là công cụ để thể hiện lợi ích của bộ phận nhỏ xã hội, nhất là lợi ích của cơ quan tổ chức được giao soạn thảo luật.

Xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật cũng cần sự liêm chính
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Mai Bộ - Đoàn đại biểu tỉnh An Giang

Cũng theo đại biểu Nguyễn Mai Bộ, trong công tác xây dựng pháp luật rất cần thiết có sự liêm chính. Bởi nếu có liêm chính thì sẽ xây dựng được những văn bản pháp luật khách quan, toàn diện và có ý nghĩa tốt trong thúc đẩy quan hệ xã hội ngày càng tốt hơn. Những văn bản pháp luật đó sẽ không hoặc rất ít chồng chéo với các văn bản pháp luật đã được Quốc hội các khóa, các kỳ họp trước kỳ công ban hành.

Nếu thiếu và không có sự liêm chính, đặc biệt là không có sự liêm chính trong quá trình soạn thảo, thẩm tra thì sẽ tạo ra những văn bản pháp luật nhiều khuyết tật. Khuyết tật thứ nhất là mâu thuẫn chồng chéo với các văn bản pháp luật mà Quốc hội các khóa, các kỳ họp đã mất nhiều thời gian để nghiên cứu, ban hành. Khuyết tật thứ hai là văn bản pháp luật đó sẽ là công cụ để cơ quan soạn thảo hoặc là hiện thực hóa lợi ích của bộ ngành mình trong đó có lợi ích xung đột với lợi ích nhân dân, hoặc là công cụ để tiếm quyền của bộ, ngành khác trái với quy định Luật Tổ chức Chính phủ, Luật tổ chức chính quyền địa phương. Khuyết tật thứ ba là vòng đời của văn bản pháp luật đó rất ngắn, kéo theo là Chính phủ, Quốc hội tốn thời gian, kinh phí để ban hành văn bản thay thế.

Đại biểu đoàn An Giang cũng khẳng định, trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, đa số tuyệt đối hoạt động soạn thảo, thẩm tra, thảo luận và xây dựng luật là có liêm chính. Chính sự liêm chính đó mà Quốc hội đã thảo luận và thông qua rất, rất nhiều văn bản pháp luật không tồn tại những khuyết tật nêu trên và đã làm một phần thể chế tốt đẹp để thúc đẩy quan hệ xã hội, góp phần tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, đại biểu nhìn nhận, dù rất ít nhưng trong hoạt động soạn thảo, thẩm tra, thảo luận, xây dựng luật vẫn còn sự thiếu liêm chính, đặc biệt là sự thiếu liêm chính có chủ ý cho nên rất ít hồ sơ dự án luật chất lượng thấp được trình ra Quốc hội.

Để khắc phục bất cập này, đại biểu đề nghị, trước hết, Chính phủ và đặc biệt cơ quan soạn thảo có giải pháp để khởi động lại sự liêm chính trong khâu xây dựng luật. Cơ quan thẩm tra và các đại biểu Quốc hội luôn nghĩ tới từ “liêm chính” trong việc thẩm tra và phát biểu đối với mỗi dự án luật.

Đỗ Đạt

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này