Bộ luật Lao động năm 2019: Người lao động thêm nhiều quyền lợi mới

Bài 3: Điều chỉnh quyền lợi về ngày nghỉ và giờ làm thêm

17:21 | 22/03/2021
(LĐTĐ) Bộ luật Lao động năm 2019 bổ sung thêm quy định về ngày nghỉ và giờ làm thêm của người lao động.
Bài 2: Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng Bộ luật Lao động 2019: Người lao động thêm nhiều quyền lợi mới Nâng cao năng lực đối thoại, thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể

Điều 107 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định, bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 1 ngày; nếu áp dụng thời giờ làm việc theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ/ngày; không quá 40 giờ/tháng; không quá 200 giờ/năm, trừ một số trường hợp đặc biệt được làm thêm không quá 300 giờ/năm.

Như vậy, Bộ luật Lao động năm 2019 quy định tăng số giờ làm thêm trong tháng không quá 40 giờ. Giữ nguyên số giờ làm thêm trong năm là không quá 200 giờ/năm, trừ một số trường hợp đặc biệt được làm thêm không quá 300 giờ/năm như quy định tại Bộ luật Lao động năm 2012.

Bài 3: Điều chỉnh quyền lợi về ngày nghỉ và giờ làm thêm
Bộ luật Lao động năm 2019 đã bổ sung quy định người lao động được nghỉ việc riêng hưởng nguyên lương trong trường hợp con nuôi kết hôn nghỉ 1 ngày và trường hợp cha nuôi, mẹ nuôi chết nghỉ 3 ngày. (Ảnh minh họa: CP)

Điều 112 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định, người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong những ngày lễ, tết sau đây: Tết Dương lịch 1 ngày (ngày 1/1 dương lịch); Tết Âm lịch 5 ngày; Ngày Giải phóng miền Nam 1 ngày (ngày 30/4 dương lịch); Ngày Quốc tế lao động 1 ngày (ngày 1/5 dương lịch); Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương 1 ngày (ngày 10/3 âm lịch). Quốc khánh được tăng lên thành 2 ngày (ngày 2/9 dương lịch và 1 ngày liền kề trước hoặc sau, có thể là ngày 1/9 hoặc 3/9 tùy theo từng năm).

Đối với trường hợp nghỉ việc riêng hưởng nguyên lương, trước đây theo Khoản 1 Điều 116 Bộ luật Lao động năm 2012, người lao động được nghỉ việc riêng mà vẫn hưởng nguyên lương trong những trường hợp: Kết hôn được nghỉ 3 ngày; con kết hôn: nghỉ 1 ngày; bố đẻ, mẹ đẻ, bố vợ, mẹ vợ hoặc bố chồng, mẹ chồng chết; vợ chết hoặc chồng chết; con chết: nghỉ 3 ngày.

Nay, tại Khoản 1 Điều 115 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định, người lao động được nghỉ việc riêng mà vẫn hưởng nguyên lương và phải thông báo với người sử dụng lao động trong trường hợp sau đây: Kết hôn nghỉ 3 ngày; con đẻ, con nuôi kết hôn: nghỉ 1 ngày; cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi; cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi của vợ hoặc chồng; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi chết: nghỉ 3 ngày.

Như vậy, Bộ luật Lao động năm 2019 đã bổ sung người lao động được nghỉ việc riêng hưởng nguyên lương trong trường hợp con nuôi kết hôn nghỉ 1 ngày và trường hợp cha nuôi, mẹ nuôi chết nghỉ 3 ngày.

Đối với việc trả tiền nếu chưa nghỉ hết ngày nghỉ phép, Bộ luật Lao động năm 2019 chỉ còn nêu 2 trường hợp là bị mất việc làm hoặc do thôi việc được thanh toán tiền lương những ngày chưa nghỉ hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm.

Bỏ quy định người lao động đang làm việc “vì các lý do khác mà chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm thì được thanh toán bằng tiền những ngày chưa nghỉ” nêu tại Khoản 1 Điều 114 Bộ luật Lao động năm 2012 trước đây.

(Còn nữa)

Luật sư Nguyễn Văn Dũng

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này