Chủ động lựa chọn sách giáo khoa lớp 2, lớp 6

09:43 | 18/03/2021
(LĐTĐ) Bắt đầu từ năm học 2021-2022, học sinh lớp 2 và lớp 6 trên cả nước sẽ thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với sách giáo khoa mới. Cùng với việc khẩn trương chuẩn bị về cơ sở vật chất, trang thiết bị và đội ngũ giáo viên thì việc lựa chọn sách giáo khoa để giảng dạy trong các nhà trường là khâu rất quan trọng.
Tổ chức cho giáo viên góp ý bản mẫu sách giáo khoa lớp 2, lớp 6

Chuẩn bị các điều kiện cần thiết

Tháng 2/2021, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã ký quyết định phê duyệt danh mục sách giáo khoa lớp 2 và lớp 6 sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông. Danh mục này gồm 32 sách giáo khoa lớp 2 của đầy đủ 8 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc cùng sách giáo khoa môn tự chọn Tiếng Anh; 40 sách giáo khoa lớp 6 của 12 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc.

Chủ động lựa chọn sách giáo khoa lớp 2, lớp 6
Năm học 2021 - 2022, học sinh lớp 2 và lớp 6 trên cả nước sẽ thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với sách giáo khoa mới. Ảnh minh họa: P.T

Đối với lớp 2, mỗi môn Tiếng Việt, Toán, Đạo đức, Tự nhiên và Xã hội, Giáo dục thể chất, Âm nhạc, Mĩ thuật, Hoạt động trải nghiệm có 3 sách giáo khoa; môn tự chọn Tiếng Anh có 8 sách giáo khoa được phê duyệt. Đối với lớp 6, mỗi môn Ngữ văn, Toán, Giáo dục công dân, Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lí, Công nghệ, Âm nhạc, Mĩ thuật, Giáo dục thể chất, Hoạt động trải nghiệm và Hướng nghiệp có 3 sách giáo khoa; môn Tin học có 2 sách và môn Tiếng Anh có 8 sách giáo khoa được phê duyệt.

Thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết, làm căn cứ để các địa phương triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với học sinh lớp 2 và lớp 6 từ năm học 2021-2022.Tại Hà Nội, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã thông báo tới các Phòng Giáo dục và Đào tạo về danh mục sách giáo khoa; xây dựng kế hoạch lựa chọn sách; phối hợp với các nhà xuất bản tổ chức hội nghị giới thiệu sách giáo khoa lớp 2 và lớp 6 theo hình thức trực tuyến nhằm tạo cầu nối để cán bộ quản lý, giáo viên các trường học trên địa bàn có cơ hội hiểu rõ hơn về các bộ sách.

Theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Tây Hồ Lê Hồng Vũ, việc tổ chức giới thiệu sách giáo khoa theo hình thức trực tuyến vừa bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19, vừa tạo điều kiện để tất cả giáo viên dạy lớp 2, 6 tiếp cận với sách mới. Trực tiếp nghe các chủ biên, tác giả sách giáo khoa giới thiệu về tính ưu việt của từng cuốn sách, những điểm mới trong nội dung, phương pháp tiếp cận...giáo viên có thêm căn cứ lựa chọn sách giáo khoa phù hợp.

Đảm bảo minh bạch, chất lượng

Nếu như năm học 2020-2021, các nhà trường tự quyết định lựa chọn sách giáo khoa để giảng dạy, thì theo Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐT ngày 26/8/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông, từ năm học 2021-2022, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa dựa trên căn cứ đề xuất của các nhà trường để lựa chọn sách giáo khoa lớp 2 và lớp 6 theo đúng quy trình, minh bạch, tạo nền tảng nâng cao chất lượng giáo dục.

Được biết, ngày 10/3, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã có Quyết định số 1157/QĐ-UBND ban hành quy định tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn thành phố Hà Nội. Theo Quyết định, có hai tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông gồm: Phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương; phù hợp với điều kiện tổ chức dạy và học tại cơ sở giáo dục phổ thông.

Theo ghi nhận của phóng viên, hiện tại, các trường Tiểu học, Trung học trên cơ sở trên địa bàn Hà Nội đang tổ chức cho giáo viên nghiên cứu, đề xuất lựa chọn sách giáo khoa lớp 2, lớp 6.Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tây Sơn (quận Hai Bà Trưng) Nguyễn Phương Hoa cho biết, nhà trường đã rà soát, lập danh sách giáo viên đảm nhận dạy các lớp 2, trong đó có cả số lượng giáo viên dự phòng. Các giáo viên đang tập trung nghiên cứu sách thông qua mạng Internet từ các địa chỉ được Bộ Giáo dục và Đào tạo cung cấp; tổ chức thảo luận để xác định rõ hơn các ưu điểm, tính phù hợp của từng cuốn sách.

Tại Trường Tiểu học Đa Tốn (huyện Gia Lâm), nhà trường tổ chức cho giáo viên nghiên cứu các bộ sách giáo khoa theo nhiều hình thức khác nhau: Nghiên cứu sách lớp 1 theo Chương trình mới để tiếp cận với phương pháp và kế hoạch triển khai lớp 2; cập nhật các thông tin trên mạng Internet và sách báo; trao đổi với nhau trong các giờ sinh hoạt chuyên môn, họp chuyên môn…

Qua tiếp cận với các bộ sách giáo khoa lớp 2 mới, cô giáo Đặng Hoàng Hà (giáo viên dạy lớp 2, Trường Tiểu học Giáp Bát, quận Hoàng Mai) nhận thấy các bộ sách đều rất hay, nội dung phong phú, hòa nhập với xu thế giáo dục hiện đại lấy học sinh làm trung tâm, phát huy năng lực của học sinh và tăng cường khả năng thực hành. Đặc biệt hơn, có những bộ sách còn đưa các nhân vật hoạt hình thân thiện, dễ gần vào để đồng hành cùng học sinh trong suốt quá trình học; đồng nhất trong các môn học và luồng kiến thức, cho học sinh những tư duy hình ảnh cố định về nhân vật dẫn dắt. “Tôi thấy sách thật sự là cầu nối,là kho học liệu, cung cấp nhiều ý tưởng đổi mới sáng tạo để giáo viên, kể cả những giáo viên có tuổi cũng có thể tiếp cận với những đổi mới, sáng tạo. Các tác giả không chỉ trình bày nội dung học tập mà còn cố gắng tối đa thể hiện cách học của học sinh trên từng trang sách, tích hợp giao tiếp, tích cực hoá hoạt động và kích thích được hứng thú của học sinh” - cô giáo Đặng Hoàng Hà chia sẻ.

Cũng theo cô giáo Đặng Hoàng Hà, để lựa chọn được sách giáo khoa, bản thân giáo viên phải là người hiểu, yêu thích và sẵn sàng đón nhận chương trình sách giáo khoa mới; hiểu được nhu cầu đổi mới sách giáo khoa là cấp thiết, bám sát vào nội dung và đi sâu vào phương pháp dạy học của từng đối tượng dựa theo đặc trưng của từng địa phương; lấy tiêu chuẩn gần và dễ thích ứng nhất với đối tượng chính là học sinh để lựa chọn cho học sinh cầu nối gần nhất để đến với tri thức.

Tại Trường Trung học cơ sở thị trấn Trâu Quỳ (huyện Gia Lâm), nhà trường yêu cầu giáo viên đọc kỹ Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐT ngày 26/8/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông để nắm rõ nguyên tắc lựa chọn sách giáo khoa. Nhằm bảo đảm quy trình chọn sách minh bạch, chất lượng, các tổ chuyên môn tổ chức cho giáo viên nghiên cứu, thảo luận, đánh giá các sách giáo khoa. Giáo viên sẽ bỏ phiếu kín chọn ít nhất một sách giáo khoa cho môn học mà mình dạy.

Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Xuân Tiến, quy trình tổ chức lựa chọn sách giáo khoa lớp 2, lớp 6 được thực hiện theo các bước quy định tại Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐT. Để danh mục sách giáo khoa đưa vào sử dụng thực sự chất lượng, các nhà trường cần quan tâm, tạo điều kiện để giáo viên nghiên cứu sách bằng nhiều hình thức. Khi đề xuất lựa chọn sách, ngoài các nội dung chuyên môn, giáo viên cần lưu ý về sự phù hợp của sách đối với điều kiện dạy học tại địa phương và học sinh.

Dự kiến chậm nhất vào đầu tháng 4/2021, thành phố Hà Nội sẽ phê duyệt danh mục sách giáo khoa để sử dụng trong các nhà trường.

Phạm Thảo

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này