Thay đổi thương hiệu Big C: Tên mới, hy vọng mới cho hàng Việt

12:22 | 16/03/2021
(LĐTĐ) Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam (chủ hệ thống Big C) chính thức đổi tên thương hiệu Big C thành GO! và Tops Market. Sau khi quá trình đổi tên hoàn thành, cũng có nghĩa thương hiệu Big C vốn khá quen thuộc với người tiêu dùng sẽ chính thức không còn hiện diện ở Việt Nam sau 22 năm. Vấn đề mà người tiêu dùng và các chuyên gia kinh tế quan tâm việc thay đổi tên khách hàng sẽ được hưởng tiện ích hơn không? Hàng hóa do các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất có cơ hội xuất hiện nhiều hơn trong chuỗi hệ thống siêu thị này.
Thương hiệu Big C chính thức bị “khai tử” GO! / Big C trao tặng 3.600 phần quà cho người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn

Chấm dứt sự tồn tại thương hiệu Big C ở Việt Nam

Những ngày đầu tháng 3/2021, Big C, thương hiệu biểu tượng cho ngành siêu thị bán lẻ ở Việt Nam sau 22 năm, đang chuyển mình sang các tên gọi khác nhau như: GO!, Tops Market!. Một động thái khiến người tiêu dùng không khỏi bất ngờ khi xóa đi tên tuổi hết sức thành công trong ngành bán lẻ.

Thay đổi thương hiệu Big C: Tên mới, hy vọng mới cho hàng Việt
Thay đổi thương hiệu là điều tất yếu, tuy nhiên để thành công thì cần phải thay đổi cả văn hóa ứng xử với nhà cung cấp,…

Cụ thể, từ ngày 1/3/2021, 3 siêu thị Big C tại Thành phố Hồ Chí Minh là: BigC An Phú, Big C Thảo Điền và Big C Âu Cơ đã được đổi tên thành Tops Market. Và theo đại diện Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam, dự kiến 4 siêu thị Big C tại Hà Nội gồm: The Garden, Hà Đông, Nguyễn Xiển, Lê Trọng Tấn, cũng sẽ hoàn tất việc chuyển đổi, nâng cấp thành Tops Market vào quý 3/2021.

Trước đó, ngay từ đầu năm 2021, 7 siêu thị Big C tại Nha Trang (Khánh Hòa), Dĩ An (Bình Dương), Cần Thơ, Hạ Long (Quảng Ninh), Vĩnh Phúc, Hải Phòng cũng đã chính thức chuyển đổi sang thương hiệu mới. Theo đại diện Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam, đây là bước đi nằm trong chiến lược tái định vị thương hiệu của Công ty Central Retail/Central Group (Thái Lan), chủ sở hữu của hệ thống Big C Việt Nam.

Được biết, trong năm qua, Central Retail đã đầu tư xây dựng mới các đại siêu thị GO! ở một số địa phương như: Mỹ Tho, Trà Vinh, Đắk Lắk,… nhằm mở rộng sự hiện diện của mình tại Việt Nam. Với sự thay đổi này, người tiêu dùng Việt Nam có thể còn lạ lẫm với những cái tên mới, nhưng Tops trên thực tế là thương hiệu bán lẻ thực phẩm lớn tại Thái Lan, với chuỗi thương hiệu gồm: Đại siêu thị Tops, siêu thị Tops market, các cửa hàng tiện ích Tops daily thuộc Central Retail,…

Chị Hoàng Ngân (ở Yên Nghĩa, Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ, trước thông tin Big C sẽ được chuyển đổi tên sang một thương hiệu mới, thật sự tôi cũng cảm thấy có sự hụt hẫng. Từ nhiều năm nay, thương hiệu Big C đã ăn sâu vào tiềm thức của không chỉ tôi, mà với rất nhiều người tiêu dùng.

Bởi, kể từ khi xuất hiện ở Việt Nam, Big C đã tạo được chỗ đứng nhờ sự hiện đại, chuyên nghiệp, đa dạng mặt hàng,… thậm chí, nhiều người tiêu dùng coi việc đến siêu thị Big C không chỉ để mua sắm, mà còn để thăm thú, vui chơi.

“Tôi hi vọng, khi đổi thương hiệu mới, Tập đoàn Central Retail sẽ chiếm được tình cảm của người tiêu dùng Việt như cách mà trước đây tập đoàn Casino Group với thương hiệu Big C đã từng làm”, chị Ngân bộc bạch.

Trước sự thay đổi thương hiệu từ Tập đoàn Central Retail, các chuyên gia kinh tế cho rằng, thực chất, kế hoạch đổi tên thực tế đã diễn ra chậm gần 5 năm so với tuyên bố của đại diện Central Group. Vào thời điểm tập đoàn này hoàn tất thương vụ mua thành công Big C Việt Nam từ Casino Group hồi năm 2016, dù có quyền sử dụng tên này trong 10 năm, nhưng nhà bán lẻ Thái vẫn muốn đổi tên ngay sau đó. Tuy nhiên, việc chuyển đổi không hề dễ dàng khi Big C là thương hiệu quá quen thuộc và được nhiều người dùng Việt Nam tin tưởng thời gian dài.

Trong khi đó, ở thời điểm này, khi các hoạt động giao thương khá trầm lắng do dịch bệnh Covid-19, thì việc đổi tên thương hiệu được xem là cơ hội thuận lợi để Central Group thay đổi mà không gây ra quá nhiều xáo trộn, ảnh hưởng đến doanh thu của hệ thống bán lẻ.

Câu hỏi cho hàng Việt

Có thể thấy, trong quá trình phát triển của doanh nghiệp, việc xây dựng được một thương hiệu mạnh, ăn sâu vào tiềm thức của người tiêu dùng không phải là câu chuyện đơn giản. Tuy nhiên, sau các thương vụ A&M (mua bán sáp nhập), việc chuyển đổi thương hiệu là vấn đề tất yếu. Với người tiêu dùng họ chỉ quan tâm “thay tên mới có tốt hơn tên cũ” xét trên phạm vi nội hàm chuyên nghiệp trong kinh doanh. Chia sẻ về vấn đề này, ông Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch hội Hà Nội cho biết, thay đổi tên, thương hiệu là quyền của doanh nghiệp, nhà đầu tư trên cơ sở pháp luật. Song điều mà người dân quan tâm là việc thay đổi sẽ mang lại những giá trị tốt hơn cho người tiêu dùng, khách hàng hay không?

Đặc biệt, một số chuyên gia kinh tế tỏ ra quan ngại khi nhìn về bài học nhãn tiền từ sự sáp nhập, mua bán các thương hiệu, trung tâm thương mại của nhà đầu tư Việt Nam sang nhà đầu tư nước ngoài dẫn đến hệ lụy hàng hóa trong nước khó xâm nhập vào chuỗi siêu thị do người nước ngoài làm chủ, hoặc giữ cổ phần chi phối. Và câu chuyện đổi thương hiệu của Tập đoàn Central Retail cũng không nằm ngoài sự lo lắng đó. Big C dẫu đã mang tên mới, nhưng thực tế vẫn do người Thái điều hành. Vấn đề đặt ra chúng ta phải có chính sách gì để hàng hóa sản xuất trong nước được bày bán “bình đẳng” với hàng hóa nước ngoài, trong đó có hàng hóa Thái Lan trong chuỗi siêu thị GO!, Tops Market!. Thậm chí, cần phải có quy định mang tính ràng buộc tỷ lệ hàng hóa Việt Nam bán trong siêu thị là bao nhiêu!

Trong xu thế cạnh tranh khốc liệt của nền thương mại thời toàn cầu hóa và kỷ nguyên số, có thể thấy, việc thay đổi tên thương hiệu Big C là tất yếu. Vấn đề mà người tiêu dùng quan tâm là sau khi đổi tên, khách hàng sẽ được hưởng những lợi ích gì? Với các chuyên gia kinh tế thì sau khi đổi tên, hàng hóa của Việt Nam sẽ có cơ hội lọt vào hệ thống siêu thị này ra sao? ./.

Đỗ Đạt

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này