Hàng quán, lái đò sẵn sàng trước giờ khai hội chùa Hương

18:02 | 12/03/2021
(LĐTĐ) Sau hơn một tháng tạm đóng cửa để phòng dịch Covid-19, từ ngày 13/3 lễ hội chùa Hương (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) chính thức được tổ chức trở lại. Trước giờ khai hội, hàng trăm chiếc thuyền đã được người dân cọ rửa, sơn mới, sẵn sàng phục vụ du khách thập phương.
Chùa Hương mở cửa từ ngày 13/3 Những địa điểm ở Hà Nội nên đi lễ đầu Xuân năm mới

Lễ hội chùa Hương được khai hội vào Mùng 6 tháng Giêng (âm lịch) hằng năm, kéo dài đến tháng 3 (âm lịch). Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Ủy ban nhân dân huyện Mỹ Đức đã quyết định dừng tổ chức Lễ hội chùa Hương năm 2021.

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 Hà Nội chiều 8/3, trước đề nghị của Ủy ban nhân dân huyện Mỹ Đức về việc mở cửa lại chùa Hương đồng thời cam kết phòng chống dịch, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã cho phép chùa Hương mở cửa trở lại từ ngày 13/3 (tức ngày 1/2 âm lịch).

Hàng quán, lái đò sẵn sàng trước giờ khai hội chùa Hương
Trước giờ khai hội, hàng trăm chiếc thuyền đã được hạ xuống suối Yến .

Việc chùa Hương được mở cửa trở lại không chỉ là tin vui của du khách thập phương mà hàng trăm tiểu thương kinh doanh tại chùa Hương cũng đang phấn khởi mong ngóng từng ngày để được đón khách trở lại. Bởi ba tháng diễn ra hội chính là khoảng thời gian tiểu thương kiếm thêm thu nhập bằng nghề lái đò, buôn bán.

Theo ghi nhận của phóng viên, từ ngày 12/3, dù chưa đến giờ chính thức khai hội nhưng không khí chuẩn bị đang được ráo riết thực hiện. Các tiểu thương đã chủ động dọn dẹp quầy hàng, bày biện sản phẩm. Những người lái đò cũng tổ chức lau rửa thuyền, sơn mới lại mã số thuyền chuẩn bị đón khách.

Hàng quán, lái đò sẵn sàng trước giờ khai hội chùa Hương
Những người lái đò cọ rửa thuyền sạch sẽ.

Nghe tin chùa Hương được phép mở cửa trở lại, anh Nguyễn Văn Chất (39 tuổi) làm nghề buôn bán ở chùa Hương vô cùng vui mừng. “Với người dân xã Hương Sơn chúng tôi giờ mới thực sự là Tết. Những ngày vừa qua chùa Hương đóng cửa mọi người cũng nghỉ bán hàng quán. Ai ai cũng mong đợi dịch bệnh được đẩy lùi để người dân yên tâm đi lễ chùa. Những người buôn bán được phục vụ nhân dân”, anh Chất chia sẻ.

Cùng chung tâm trạng phấn khởi như anh Chất, bà Nguyễn Thị Hương, đã có 20 năm làm nghề lái đò ở chùa Hương đang rục rịch hạ thuyền xuống suối Yến cọ rửa sạch sẽ. Nhiều năm qua, bà Hương cùng hàng trăm người dân xã Hương Sơn sống nhờ từ công việc lái đò chở du khách đi vãn cảnh, làm lễ chùa Hương.

Những năm trước khi không có dịch bệnh, mỗi thuyền bà Hương chở được 2-3 lượt khách ra vào/ngày. Mỗi lượt trung bình khoảng 500 ngàn đồng/thuyền. Nếu thuận lợi, mỗi vụ khoảng 3 tháng, bà Hương có thể thu được 20-30 triệu đồng. Khoản thu nhập này giúp bà Hương trang trải cuộc sống và dư dả hơn so với cả năm làm ruộng.

“Tôi rất vui khi nghe tin chùa Hương được hoạt động trở lại, tôi và nhiều lái đò khác đã mong ngóng ngày này từ lâu, hy vọng mọi thứ diễn ra thuận lợi”, bà Hương phấn khởi chia sẻ.

Hàng quán, lái đò sẵn sàng trước giờ khai hội chùa Hương
Các tiểu thương đã chủ động dọn dẹp quầy hàng.

Năm nay, trong bối cảnh dịch bệnh, Ủy ban nhân dân huyện Mỹ Đức cũng đã xây dựng phương án cụ thể trình Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và các ban, ngành với mục tiêu lễ hội an toàn song song với phòng, chống dịch.

Theo đó, tất cả du khách đến chùa Hương phải tuân thủ nguyên tắc 5K của Bộ Y tế như đeo khẩu trang, sát khuẩn, đo thân nhiệt và khai báo y tế bằng việc quét mã QR và hạn chế tập trung đông người.

Đối với những đoàn đông người thì trưởng đoàn phải cung cấp thông tin, số điện thoại để phục vụ việc truy vết khi cần thiết.

Ngoài ra, Ban tổ chức sẽ bố trí 2 điểm cách ly y tế dự phòng để làm nơi khai báo y tế chi tiết, lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp nghi ngờ, ho, sốt và có yếu tố dịch tễ. Bên cạnh đó, Ban tổ chức còn tăng cường khoảng 300 người, gồm y tế, công an và lực lượng của Ban quản lý... nếu khách đông sẽ xin thành phố hỗ trợ lực lượng.

P.Ngân - H.Thắng

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này